Tuyên truyền về thành tựu nhân quyền cũng chính là một mạch trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

03/11/2022 | 08:32 GMT+7

Những tháng đầu năm, công tác nhân quyền, bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Trao đổi với phóng viên, thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an, cho biết cụ thể:

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ (phải) trao đổi với phóng viên.

- Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán và thúc đẩy nhân quyền, chính vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, việc thúc đẩy quyền con người hết sức được quan tâm; chúng ta liên tục thu được những thành tựu có thể nói là hết sức nổi bật. Đặc biệt là trong quá trình đổi mới thì công cuộc thúc đẩy quyền con người đạt được nhiều thành tựu, không chỉ chúng ta mà các nước trên thế giới cũng ghi nhận.

6 tháng đầu năm, đặc biệt là sau khi Việt Nam phòng, chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, cùng với sự ổn định cuộc sống nhân dân, ổn định sản xuất - kinh doanh, ổn định kinh tế, việc bảo đảm quyền con người tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền hết sức quan tâm, ta tiếp tục thu được những thành tựu quan trọng liên quan đến quyền con người.

Như vậy thì tại sao các thế lực thù địch vẫn thường xuyên có hành vi bóp méo, xuyên tạc thành tựu về quyền con người ở nước ta, thưa ông ?

- Tiếp cận về quyền con người tùy theo thể chế chính trị, ý thức hệ, điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục tập quán ở mỗi quốc gia khác nhau thì nhận thức về quyền con người không giống nhau.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, các thế lực thù địch, tổ chức phản động, cá nhân phản động, đối tượng cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách để xuyên tạc các thành tựu về bảo đảm phát huy nhân quyền của Việt Nam; họ luôn tận dụng mọi cơ hội, mọi điều kiện, mọi vụ việc để xuyên tạc, để thổi phồng, để bóp méo, làm sai bản chất sự thật của vụ việc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền nhằm hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ở góc độ cơ quan báo chí địa phương, theo ông cần có những biện pháp nào để tuyên truyền, phản bác hiệu quả ?

- Để cho bạn bè quốc tế, các tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài nước, cho nhân dân ta hiểu rõ thành tựu cũng như quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền, có cả đấu tranh về bảo đảm nhân quyền thì công tác tuyên truyền hết sức quan trọng.

Bản thân tôi nghĩ, công tác tuyên truyền là việc phải đi đầu. Chúng ta biết, giá trị, sức mạnh của truyền thông hết sức lớn và trong thời đại “bùng nổ số” như hiện nay thì việc này càng quan trọng hơn. Vì vậy, cơ quan thông tấn báo chí, các loại hình báo chí, phóng viên, nhà báo cách mạng Việt Nam cần phải hết sức quan tâm tuyên truyền kết quả về công tác đấu tranh bảo đảm nhân quyền của Việt Nam.

Tôi cũng nghĩ, tuyên truyền thành tựu là hết sức quan trọng, bởi vì không có gì tốt hơn và để đấu tranh hiệu quả thì chúng ta nên tuyên truyền đậm nét những thành tựu đạt được, qua đó làm cho bạn bè quốc tế hiểu, làm cho nhân dân chúng ta hiểu; đặc biệt làm cho đối tác, đối tượng chúng ta hiểu về thành tựu bảo đảm nhân quyền của Việt Nam thời gian qua.

Ông có cho rằng, tuyên truyền về nhân quyền là một trong những biện pháp chúng ta bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không ?

- Đúng rồi! Đảng ta có chủ trương tăng cường đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và công tác tuyên truyền về thành tựu nhân quyền cũng chính là một mạch trong việc chúng ta bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch, việc làm sai trái trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có xuyên tạc, bóp méo về nhân quyền mà thế lực thù địch luôn quan tâm trong thời gian qua.

Tóm lại, như tôi nói từ đầu, để đấu tranh tốt nhất, phản bác lại các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với chúng ta vi phạm về nhân quyền thì ta cần nói đúng, nói đủ, nói kịp thời sự thật, nêu đầy đủ thành tựu về nhân quyền, đảm bảo nhân quyền của Việt Nam thời gian qua, đó chính là việc làm thuyết phục và có thể nói phản bác hiệu quả nhất.

Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền

Ngày 11-10-2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 77 tại New York (Mỹ).

14 thành viên mới trúng cử Hội đồng Nhân quyền sẽ đảm nhiệm trọng trách trong nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu vào tháng 1-2023. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, lần đầu nhiệm kỳ 2014-2016 và lần thứ hai nhiệm kỳ 2023-2025.

Theo quy định của Hội đồng Nhân quyền, mỗi thành viên chỉ được bầu và đảm trách một nhiệm kỳ, hai nhiệm kỳ kế tiếp sẽ không được tham gia ứng viên.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trực thuộc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc  được thành lập năm 2006 là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người của trong hệ thống Liên Hiệp Quốc.

Hội đồng Nhân quyền có chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, một mặt bám sát các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác cũng phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn của các nước và các nhóm nước trong lĩnh vực này.

Hội đồng Nhân quyền có một hệ thống các cơ quan, cơ chế trực thuộc đặc biệt, được quan tâm và tham gia rộng rãi, đầy đủ nhất là Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR).

Gồm 47 thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.

Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ khi cơ quan này được thành lập. Trong đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em...)...

 

Xin chân thành cảm ơn ông !

TRÍ THỨC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>