Một nhà nghiên cứu hiến kế cách giúp Lung Ngọc Hoàng có sản phẩm du lịch độc đáo

18/07/2021 | 13:39 GMT+7

Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng (ảnh), một người con quê hương Hậu Giang chia sẻ với phóng viên Báo Hậu Giang những suy nghĩ, tâm huyết, góp cách để có được sản phẩm độc đáo sau khi Đề án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (LNH) được phê duyệt.

Thưa ông, là người nghiên cứu sâu về vùng đất Hậu Giang, chắc ông có nhiều kiến thức về LNH mà không nhiều người biết ?

- Từ thời khẩn hoang vào triều Nguyễn, đến trước khi người Pháp đào cụm kinh Ngã Bảy, nơi đây là cánh đồng sậy, hoang vu thuộc tổng Định Hòa (Cần Thơ) chạy dài đến phía Tây, thuộc tổng Thanh Giang (Rạch Giá). Sau này, người Pháp gọi là đồng Phương Ninh, trong đồng Phương Ninh có vùng ngập nước sâu hơn, dân gian kêu là LNH.

Qua tìm hiểu, vùng LNH thuở hoang sơ, diện tích có thể gấp 5 lần hiện tại. Đó là một “lằn lung” dài hàng chục ki-lô-mét, tới giáp sông Hậu. Tra cứu tư liệu cho thấy: Xưa kia có đàn voi hàng trăm con, từ miền trên theo ngã sông Hậu tìm thức ăn, chúng lên đất Kế Sách, tới Ngã Bảy - Phụng Hiệp, qua Mỹ Tú (Lâm trường Mùa Xuân), rồi trụ lại tại vùng LNH. Voi thích cỏ, sậy, hay trầm mình dưới nước, càng khiến cho LNH thêm mênh mông, sâu thẳm.

Có tư liệu cho rằng sông Cái Lớn phát nguồn từ LNH, ông có đồng tình ý kiến này ?

- Hàng năm LNH hứng đầy nước mưa, lại tiếp nhận nguồn nước khổng lồ từ sông Hậu đổ về, chảy tràn ra tới phía biển Tây. Chính từ dòng chảy này nên có tư liệu cho rằng sông Cái Lớn phát nguồn từ LNH. Đến mùa khô, nước mặn từ biển Tây dội ngược về… LNH trở thành vùng ngập nước, có sự đan xen loại đất ngọt hóa, nhiễm phèn và nhiễm mặn, tạo nên hệ sinh thái, sinh cảnh đặc biệt tự nhiên, có tính đa dạng sinh học cao. Do vậy, nơi đây có hơn 330 loài thực vật, không chỉ có cây tràm, gừa, gáo, chưng bầu, mù u, sen, súng,… mà có cả cây nhum, cây móp, cây su, ô rô, cóc kèn.. Động vật cũng đa dạng không kém, không chỉ có cá đồng, mà có cả cá nước mặn. Đáng kể, là các loại chim lớn trên dưới 20kg như già đãy, bồ nông, chàng bè,… từ các sân chim vùng U Minh cũng có mặt, trong đó, có không ít loài nằm trong danh sách động vật quý hiếm, như cá lông mũi, rùa nắp, cò lạo xám, ác là, dơi chó, càng đước, cua đinh, giang sen… Đây còn là nơi thích hợp cho loài lưỡng cư, cá, tôm về sinh sống, được vì là “rốn cá” của khu vực Tây sông Hậu.

Giá trị từ thiên nhiên đã rất rõ, vậy giá trị lịch sử và nhân văn nơi đây như thế nào theo nghiên cứu của ông ?

- Theo tôi, dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên hào phóng; nhưng nếu chưa khám phá được bề dày lịch sử và nhân văn, thì chưa thấy hết những giá trị rất đặc sắc, “hồn cốt” của vùng lung - rừng này!

Là nơi rừng thiêng nước độc, nhưng ông cha ta đã dám đặt chân đến LNH khẩn hoang, lập nghiệp. Phải khắc phục khó khăn, chịu đựng bao gian khổ bám đất lung, làm bạn với rừng, với chim muông, cây cỏ để sinh tồn; dựng nên những làng, ấp đầu tiên. Phải chăng, đó chính là nét văn hóa mở đất - văn hóa lung - rừng đặc trưng, trên đất Hậu Giang xưa?

Từ chỗ dựa vững chắc này, trong 2 cuộc kháng chiến, LNH vừa là hậu phương, cái nôi chở che biết bao đơn vị, cán bộ, chiến sĩ cách mạng được an toàn; cũng vừa là tiền tuyến sẵn sàng chống, ngăn, đánh địch. Trên bản đồ quân sự của chính quyền Sài Gòn, LNH là vùng oanh kích tự do. Địch cho máy bay B52 trải thảm, xe lội nước M113 thọc sâu vô lung, dùng thuốc khai hoang hủy diệt sự sống… Nhưng rồi, LNH vẫn giữ vững, mầm xanh lại nhú lên, đã thể hiện nét văn hóa giữ đất, tinh thần yêu nước, nồng nàn.

Điều rất cần phải tìm hiểu là: Đời sống của cộng đồng cư dân vùng LNH xưa và nay như thế nào?, đây là thành phần nông dân cố cựu, bám trụ ở đây ba, bốn đời. Sau khi đến với LNH, họ không về quê quán, ngày ngày cắm câu, đặt lờ sinh sống như những “anh hùng Lương Sơn Bạc”; lấy đạo nghĩa làm trọng, đùm bọc lẫn nhau, chết sống có nhau. Ở rừng, mấy ai được học hành, không có lấy nghề nào là chuyên. Nhưng nghề bắt cá, bắt rắn, ăn ong, bẫy chim… thì đầy kinh nghiệm.

Một vài người từ chợ vô lung ở, đem theo cả nghề thủ công như trường hợp ông Sáu Thợ Bạc ở kinh Long Phụng. Ông mày mò cưa xác máy bay Mỹ, chế tác thành vật dụng, đồ trang sức, nổi tiếng với cây kẹp bồ câu, mà bộ đội hành quân đi ngang LNH thường mua về tặng người yêu:

“Anh đi Long Phụng đã lâu,

Khi về thiếu kẹp bồ câu em buồn”.

Có thể nói, giá trị độc đáo của hệ sinh thái, sinh cảnh tự nhiên, cộng với giá trị lịch sử, nhân văn, chính là nguồn tài nguyên văn hóa - du lịch hết sức quý báu.

lÔng có gợi mở gì đối với việc xây dựng những sản phẩm độc đáo tại LNH ?

- Du khách đến LNH không chỉ để ngắm cảnh, mà còn có nhu cầu cao hơn: Tận hưởng môi trường sinh thái trong lành, nghiên cứu khoa học. Tìm về cội nguồn khám phá cái chất hoang sơ, dân dã, mộc mạc với bao điều kỳ thú.

Tôi cho rằng: Những địa danh Lung Ngọc Hoàng, lung Sen, lung Cồng Cộc, lung Ba Đìa, láng Chà Và, kinh Long Phụng, kinh Chuối Xiêm, truyền thuyết về ông Ba Thần Tiên, người đầu tiên đến lập nghiệp ở lung Ngọc Hoàng, chuyện đàn voi về trú ngụ rồi tuyệt tích, chuyện chim già đãy từng gắp đứa bé bay lên, chuyện LNH chở che cán bộ, bộ đội; chuyện làm chiếc kẹp bồ câu cùng với những câu chuyện tình cảm động trong thời chiến… Tất cả đều có thể thành ý tưởng, tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, khác biệt và hấp dẫn!

Một góc Lung Ngọc Hoàng.  Ảnh: TRUNG QUÂN

Là người con của Phụng Hiệp, nhiều năm nghiên cứu về vùng đất, con người Hậu Giang, ông cảm nhận gì khi LNH được khai thác du lịch ?

- Hết sức đồng tình và ủng hộ đề án này. Nhiều chục năm qua, chúng ta đã tính đến việc khai thác du lịch tại đây, nhưng nay mới có đề án chính thức. Để tránh lối mòn, na ná như những khu du lịch khác, tôi nghĩ cần xây dựng hạ tầng du lịch theo lối “không gian mềm”; dựa vào môi trường tự nhiên. Giảm đến mức thấp nhất việc “bê tông hóa”; hết sức tránh tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, sinh cảnh tự nhiên. Nghiên cứu sâu về giá trị lịch sử, nhân văn để có nhiều chất liệu, xây dựng sản phẩm du lịch thêm đa dạng, phong phú.

Nên chăng, tái hiện một không gian LNH xưa kết hợp với nay. Phải xem những cư dân bên trong, hay ngoài rìa LNH là một thành tố làm nên sản phẩm du lịch. Xây dựng chuỗi liên kết, cùng chia sẻ lợi ích giữa nhà nước, nhà nông và nhà đầu tư, hình thành một cộng đồng du lịch bền vững, lâu dài. Với sự chuẩn bị tốt, bài bản, tôi hy vọng rồi đây LNH sẽ là khu du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn, xứng tầm của vùng đồng bằng sông Cửu Long”!

- Nguồn gốc hai câu thơ:

“Anh đi Long Phụng đã lâu,

Khi về thiếu kẹp bồ câu em buồn”, xuất phát từ câu chuyện nơi đây…

Ông Sáu Thợ Bạc ở kinh Long Phụng từ chợ vào lung ở, mày mò cưa xác máy bay Mỹ, chế tác thành vật dụng, đồ trang sức, nổi tiếng với cây kẹp bồ câu, mà bộ đội hành quân đi ngang LNH thường mua về tặng người yêu và từ đó lưu truyền câu thơ:

“Anh đi Long Phụng đã lâu,

Khi về thiếu kẹp bồ câu em buồn”.

- Đề án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên LNH được đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 353 tỉ đồng, với mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn với khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý, tạo nên sản phẩm du lịch trải nghiệm, nghiên cứu, học tập thú vị.

 

Xin cảm ơn ông !

VĨNH TRÀ thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>