Hủy hoại tài sản người khác, có thể lãnh án tù

08/05/2024 | 07:15 GMT+7

Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án chưa được xóa án tích... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Tòa án xét xử một vụ án về tội hủy hoại tài sản.

Những năm qua, tình trạng hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác để giải quyết mâu thuẫn xảy ra nhiều nơi. Hành vi này không chỉ làm nghiêm trọng thêm mâu thuẫn mà người vi phạm còn bị xử lý trước pháp luật.

Đa số những vụ việc liên quan đến hành vi hủy hoại hay cố ý làm hư hỏng tài sản thường không phải do mâu thuẫn kéo dài mà chỉ là tức giận nhất thời. Trong một số vụ việc, các đối tượng cho rằng việc làm hư hỏng tài sản chỉ cần thỏa thuận, đền bù thiệt hại là xong. Tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tòa án nhân dân huyện Châu Thành vừa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thống (sinh năm 1975), ngụ thị trấn Ngã Sáu, 12 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, về tội hủy hoại tài sản.

Trước đó, vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 26-9-2023, chị L., ngụ cùng địa phương, đến nhà Thống để nói chuyện phân chia tài sản gia đình. Trong lúc nói chuyện, giữa chị L. và Thống bất đồng quan điểm nên xảy ra cự cãi.

Thấy chị L. cầm điện thoại trên tay, nghi ngờ chị L. quay phim cuộc nói chuyện nên Thống giằng co khiến chiếc điện thoại rớt xuống. Lúc này, Thống tiếp tục nhặt chiếc điện thoại ném mạnh xuống mặt đường làm điện thoại hư hỏng hoàn toàn. Sau đó, chị L. đến Công an thị trấn Ngã Sáu để trình báo.

Trước đó, tháng 12-2023, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành A cũng tuyên phạt Phạm Ngọc Hiền 1 năm 6 tháng tù tội hủy hoại tài sản.

Cụ thể, ngày 6-1-2023, Hiền sau khi nhậu say chở theo một người bạn đến nhà nghỉ do anh Nguyễn Quốc T. làm chủ, ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A để thuê phòng. Do Hiền không có giấy tờ tùy thân nên anh T. từ chối cho thuê.

Sau đó, Hiền và anh T. xảy ra mâu thuẫn, cự cãi lớn tiếng, rồi lao vào đánh nhau, nhưng được mọi người can ngăn. Lúc này, Hiền bỏ đi thì thấy điện thoại di động hiệu iPhone màu trắng cạnh bên, nghĩ là của mình nên bỏ túi quần đem về nhà.

Sau khi về đến nhà, Hiền lấy điện thoại ra xem thì biết không phải là của mình mà là của anh T., bực tức vì nghĩ đến chuyện bị anh T. đánh, Hiền đập điện thoại nhiều lần xuống nền gạch trước nhà, rồi vứt vào đám cỏ ven đường. Anh T. kiểm tra phát hiện bị mất điện thoại thì báo công an.

Theo thống kê, những năm qua, tình hình tội phạm hủy hoại tài sản hay cố ý làm hư hỏng tài sản diễn biến phức tạp. Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã khởi tố 21 vụ/39 bị can liên quan đến loại tội phạm này.

 Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phạm Hoàng Lâm phân tích: Tội phạm hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản gia tăng một phần là do một số đối tượng thiếu hiểu biết pháp luật, trong lúc mâu thuẫn nóng giận, sử dụng rượu bia không kiềm chế được hành vi nên đập phá tài sản người khác mà không nghĩ đến hậu quả.

“Đây là loại tội phạm xâm hại trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân và làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây hoang mang cho dư luận. Do đó, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung”, ông Lâm nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, tội hủy hoại tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản thuộc nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản như các tội cướp tài sản, trộm cắp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,… và một số tội khác về bảo vệ quyền sở hữu tài sản.

“Hình phạt với tội danh này được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự. Theo đó, đối tượng phạm tội có thể đối diện với mức xử phạt về tiền cao nhất lên tới 50 triệu đồng; trường hợp, phạm tội với các tình tiết nặng hơn thì có thể phải đối diện với mức xử phạt lên tới 20 năm tù giam”, ông Mạnh cho biết.

Để phòng ngừa tội phạm hủy hoại hay cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, ngoài việc tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu hơn quy định của pháp luật, cơ quan chức năng cũng cần xử lý kịp thời các đối tượng manh động đập phá, hủy hoại tài sản của người khác để răn đe, phòng ngừa chung. Nếu phát hiện người có hành vi hủy hoại, làm hư hỏng tài sản người khác thì bà con cần tố giác đến cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Theo Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án chưa được xóa án tích… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng… thì bị phạt tù 2 năm đến 7 năm; trường hợp gây thiệt hại tài sản có giá trị trên 500 triệu đồng thì mức phạt tù có thể lên đến 20 năm.   

 

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>