Mưu sinh mùa lũ gặp khó khăn

15/11/2023 | 08:31 GMT+7

Đỉnh lũ năm 2023 ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dưới báo động 1, đây là mức rất thấp so với nhiều năm qua. Lũ thấp đã kéo theo nguồn lợi thủy sản sụt giảm, làm cho hàng loạt hộ dân “mưu sinh mùa lũ” ở các tỉnh vùng ĐBSCL gặp khó khăn...

Khai thác thủy sản mùa lũ ở huyện biên giới Tịnh Biên (An Giang). Ảnh: H.TÂN

Cá, tôm… sụt giảm

Mới mờ sáng, vợ chồng anh Lê Văn Tùng và chị Nguyễn Thị Loan, ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, đã xuống ghe chạy sâu vào cánh đồng rộng ở xã Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên) dỡ hàng chục cái dớn để bắt cá linh, cá chạch, cá mè vinh, tép, cua… Anh Tùng cho biết, bình quân mỗi cái dớn dài từ 200-300m, cao khoảng 2m được đặt chạy dài giữa đồng nước mênh mông, do đó công việc dỡ dớn phải mất khoảng 5 giờ mới xong. Dỡ xong, anh chở cá về, phân loại ra; trong đó cá linh và cá chạch phải đảm bảo còn sống nhằm cung ứng cho thương lái từ Cần Thơ chạy xe tải lên thu mua chở đưa đi các nơi tiêu thụ.

Người dân ở Hậu Giang đẩy côn bắt cá mùa lũ cạn. Ảnh: H.THU

“Nếu như thời điểm đầu mùa lũ cá linh bán cho thương lái được 30.000 đồng/kg thì nay giảm còn 17.000 đồng/kg; cá chạch khoảng 140.000 đồng/kg; còn các loại cá tạp bán làm cá mồi chỉ 5.000 đồng/kg… Hôm nào dỡ dớn nhiều cá, vợ chồng tôi bán được khoảng 600.000-700.000 đồng, còn bình thường chỉ 400.000 đồng/ngày, tạm đủ sống”, anh Tùng cho biết.

Chị Nguyễn Thị Loan (vợ anh Tùng) vừa phân loại cá, vừa cho hay: “Mỗi năm khi lũ đầu nguồn bắt đầu kéo về khoảng tháng 8, tháng 9 thì vợ chồng tôi rời quê ở huyện Châu Phú, xuống ghe chạy lên khu vực biên giới thuộc huyện Tịnh Biên và thành phố Châu Đốc đánh bắt thủy sản mưu sinh. Năm nay, mực nước lũ thấp nên nguồn lợi thủy sản từ thượng nguồn về không bằng mọi năm; từ đó khiến thu nhập của những người sống nhờ “nước lũ” như vợ chồng tôi bị giảm nhiều”.

Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng “xả lũ” ở xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tiếp giáp với nước bạn Campuchia, anh Lê Văn Càng, quê ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, bộc bạch: “Vợ chồng tôi cũng từ huyện Châu Phú chạy ghe lên ấp Cây Trâm, xã Vĩnh Tế để “tạm trú trong mùa lũ” nhằm đánh bắt thủy sản kiếm sống. Tôi làm cả trăm cái dớn nên phải đặt một số cánh đồng ở huyện Tịnh Biên và thành phố Châu Đốc… Hiện tại, cánh đồng ở xã Vĩnh Tế sâu khoảng 1,6m nước, song vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước, vì vậy cá tôm cũng ít hơn. Vợ chồng đang tranh thủ khai thác thủy sản mùa lũ, bình quân mỗi ngày thu nhập được 600.000-700.000 đồng; tuy nhiên nguồn thu nhập cao chỉ vào những con nước kém trúng cá nhiều, còn các ngày khác thì thu nhập chỉ bằng phân nửa…”.

Anh Nguyễn Văn An, ở xã Vĩnh Trường (huyện An Phú) tiết lộ, trước đây vùng đầu nguồn bên An Phú cá tôm cũng khá, nhưng năm nay do lũ nhỏ nên cá không bao nhiêu. Thế là cả tháng nay, gia đình anh phải vượt hàng chục cây số để sang cánh đồng “xả lũ” ở huyện Tịnh Biên và thành phố Châu Đốc thả lưới, đặt lọp… Dù bây giờ không còn “trúng cá” như xưa, nhưng cố gắng khai thác cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày, tạm ổn qua mùa nước.

“Trúng - thất”, tùy vào nước lũ…

Là người có hàng chục năm “lênh đênh” theo mùa lũ để mưu sinh, vợ chồng anh Lê Văn Kình, ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú cho biết, sẽ cố gắng khai thác thủy sản đến khoảng tháng 12-2023 khi nước rút hẳn và người dân vùng biên giới thành phố Châu Đốc gieo sạ lúa Đông xuân thì sẽ tháo dỡ các ngư cụ để về quê. “Do nguồn lợi thủy sản năm nay giảm nên dự kiến cả mùa lũ này vợ chồng tôi chỉ dư được khoảng 30 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Số tiền này cũng chỉ đủ tiêu xài vài tháng, bởi khi “hết lũ, lên bờ” thì không có nghề nghiệp gì khác để mưu sinh, mà chỉ làm thuê mướn thôi…”, anh Kình bộc bạch.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Loan cho hay: “Gần 60 cái dớn, cùng với ghe, máy và một số phương tiện khác phục vụ khai thác thủy sản mùa lũ, được vợ chồng tôi đầu tư mua sắm với tổng chi phí khoảng 150 triệu đồng. Do mùa lũ năm nay nước về ít nên cá tôm giảm, dù khai thác cả ngày lẫn đêm, nhưng thu nhập ước khoảng 50 triệu đồng, chưa thể lấy lại vốn đầu tư”. 

Cũng theo chị Loan, do vợ chồng không có ruộng đất canh tác và không nghề nghiệp nên nhiều năm qua sống dựa vào khai thác thủy sản. Những năm lũ lớn thì vợ chồng kéo sang tận vùng biên giới của tỉnh Long An đánh bắt cá khá nhiều. Vài năm gần đây liên tục lũ nhỏ nên vợ chồng chị và một số hộ ở huyện Châu Phú bàn với nhau lên ấp Cây Trâm, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc “đóng chốt” để khai thác thủy sản xung quanh đây, nhằm gần nhà, đỡ tốn chi phí. Xong mùa lũ, vợ chồng chị quay về quê “neo ghe” lên bờ đi làm thuê theo thời vụ dạng “ai mướn gì làm nấy”, thu nhập khá bấp bênh.

Chị Nguyễn Thị Loan nhìn nhận, kinh tế chính của gia đình dựa vào mùa lũ; hễ năm nào lũ lớn thì khai thác thủy sản thuận lợi, còn lũ nhỏ như năm nay sẽ gặp khó khăn. “Do đó, dự kiến nguồn thu khoảng 50 triệu đồng trong mùa lũ này vừa dành một ít trả nợ, vừa để chi tiêu cho các tháng mùa khô; trường hợp thiếu thì phải đi vay mượn nợ để chi tiêu trước, rồi chờ đến mùa lũ năm sau tiếp tục khai thác thủy sản trả lại. “Ăn trước - trả sau” đã đeo đẳng những hộ sống theo mùa lũ như vợ chồng tôi nhiều năm nay rồi…”, chị Loan phân trần.

Chị Lê Thị Cẩm Hồng, quê ở huyện Châu Phú, cũng “đóng chốt” khai thác thủy sản mùa lũ ở ấp Cây Trâm, xã Vĩnh Tế, cùng với chị Loan, chia sẻ: “Còn nước lũ thì dân sống nghề thủy sản như tụi tui có đồng ra đồng vô để nuôi con ăn học. Hết nước lũ thì sẽ hết nguồn thu. Chính vì lẽ đó mà mấy năm nay khi lũ nhỏ do ảnh hưởng nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến những hộ làm nghề khai thác thủy sản gặp khó. Có lúc gia đình tôi cũng muốn chuyển sang làm công việc khác nhưng do thiếu vốn, thiếu tay nghề nên cứ loay hoay chưa biết tính sao…”.

Không riêng gì những hộ khai thác thủy sản gặp khó khi lũ nhỏ, mà nhiều bà con sản xuất lờ lọp, đóng ghe xuồng, uốn lưỡi câu, đan lưới, trồng ấu, nuôi tôm cá tự nhiên… ở các tỉnh ĐBSCL cũng bị giảm mạnh nguồn thu do tác động của lũ nhỏ. Anh Đặng Văn Lòng, ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch: “Mùa lũ trước đây, vợ chồng tôi sản xuất cả chục ngàn cái lọp tép cung ứng cho thương lái chở đi các nơi tiêu thụ, với giá 18.000 đồng/cái. Trong khi năm nay mới sản xuất hơn 500 cái lọp thì phải ngưng, bởi lũ nhỏ nên người dân giảm khai thác thủy sản và giảm mua lọp tép…”.

Còn anh Nguyễn Trung Kiên, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cho biết năm nay nước về ít nên không đặt dớn hay kéo cá như mọi năm. Năm rồi, nước khá hơn thì anh kéo mỗi đêm cũng vài chục ký cá sặc, cá rô, cá lóc... tính ra cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng/đêm. Nhưng mùa lũ năm nay, anh thấy không nhiều cá nên nghỉ kéo lưới bắt cá luôn. Anh Kiên cho biết: “Muốn kéo cá thì phải có 3-4 người, nhưng cá, tép ít mà cùng nhau kéo rồi bán chia ra mỗi người không được bao nhiêu tiền nên chuyển qua làm chuyện khác và dọn đất chuẩn bị gieo sạ vụ Đông xuân. Người dân vùng này năm nay không còn cảnh bắt ốc, kéo cá nhộn nhịp vào ban đêm như những năm trước do cá ít, giá cả cũng rẻ hơn nên người dân không mặn mà”.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long lưu ý, lũ nhỏ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Theo đó, năm nào nước lũ càng cao, càng ngập thì cá sông từ thượng lưu Mekong có chỗ để sinh sản, có nhiều dinh dưỡng… Ngược lại nếu lũ nhỏ thì cá thiếu nơi sinh sản và nguồn lợi thủy sản về hạ lưu sẽ giảm đi. Lũ nhỏ đồng nghĩa với việc thiếu phù sa mang về bồi đắp đồng ruộng ở tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười… thiếu sự tháo chua, rửa phèn, tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trong đất; từ đó dẫn đến mùa vụ tiếp theo sẽ kém về năng suất và chi phí sản xuất tăng lên. Lũ không về cũng kéo theo tình trạng hạn mặn đến sớm vào mùa khô năm sau và diễn biến gay gắt hơn…

H.TÂN - H.THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>