Quê hương Tân Hòa ngày càng phát triển

17/05/2024 | 06:02 GMT+7

Xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, luôn phát huy lợi thế cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương đã góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; đồng thời đây cũng là động lực xây dựng quê hương Tân Hòa không ngừng phát triển và trở thành xã nông thôn mới (NTM) nâng cao như hôm nay.

Mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc đã và đang mang lại nguồn kinh tế cao cho người dân xã Tân Hòa.

Theo lộ trình mà xã Tân Hòa đề ra là đến năm 2025 sẽ về đích xã NTM nâng cao. Tuy nhiên, thực hiện theo sự chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện Châu Thành A, đồng thời địa phương xét thấy có nhiều tiềm năng để về đích xã NTM nâng cao sớm hơn kế hoạch, do đó, ngoài sự nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhiệm vụ quan trọng (nhất là trong năm 2023 vừa qua) thì Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Hòa còn có hướng đi phù hợp trong quá trình xây dựng NTM. Nhờ vậy, hiện xã Tân Hòa đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024, về đích sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch.  

Điểm nhấn từ những mô hình sản xuất

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất cây ăn trái nên trong quá trình xây dựng xã NTM rồi lên NTM nâng cao như hôm nay, ngành chức năng xã Tân Hòa luôn tập trung vận động người dân phát triển những cây trồng chủ lực và mang lại giá trị kinh tế cao như: xoài, sầu riêng, chanh không hạt, vú sữa, mít… Trong đó, xoài cát Hòa Lộc từ lâu được xem là thương hiệu nổi tiếng của vùng đất Tân Hòa và một số địa phương lân cận của huyện Châu Thành A. Nhờ loại cây trồng đặc sản này mà nhiều năm qua đã mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn cho không ít nhà vườn nơi đây.

Ông Phạm Hùng Bình, ở ấp 4B, xã Tân Hòa, thông tin: “Gia đình tôi có 6 công đất trồng xoài cát Hòa Lộc được hơn 10 năm. Nhờ thị trường đầu ra ổn định, giá bán bình quân hơn 35.000 đồng/kg nên mỗi năm gia đình tôi có nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng”.

Cùng chia sẻ về hiệu quả kinh tế từ cây xoài cát Hòa Lộc tại địa phương, ông Nguyễn Văn Bé Chính, ở ấp 1B, xã Tân Hòa, bộc bạch: “Nhờ nhà vườn đầu tư nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác mà xoài cát Hòa Lộc có chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường; từ đó có giá bán cao, tạo cuộc sống sung túc cho bà con. Đặc biệt, hiện có không ít nhà vườn thực hiện tốt khâu xử lý cho cây ra hoa, đậu trái nghịch vụ nên xoài có trái bán quanh năm”.

Bên cạnh cây xoài thì trong những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã Tân Hòa đã đẩy mạnh chuyển đổi từ vườn cây kém hiệu quả sang trồng sầu riêng và bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực. Điển hình như ông Nguyễn Văn Nghệ, hộ có 7 công sầu riêng ở ấp 6B, xã Tân Hòa, cho hay: “Với việc Nhà nước đầu tư hệ thống đê bao khép kín và nhận thấy cây sầu riêng có thể phát triển ở vùng đất nơi đây nên tôi và nhiều hộ dân lân cận đã chuyển từ vườn cây kém hiệu quả sang trồng sầu riêng. Sau thời gian trồng, hiện cây sầu riêng phát triển rất tốt, trong đó có một số vườn đã bắt đầu cho trái chiếng và nông dân sắp thu hoạch. Bà con kỳ vọng, cây sầu riêng sẽ tiếp tục mang lại luồng gió mới về hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn nơi đây”.

Không chỉ bứt phá mạnh mẽ trên lĩnh vực cây trồng chủ lực mà nhiều năm qua, người dân xã Tân Hòa còn phát triển những loại vật nuôi cho giá trị kinh tế cao gắn với du lịch sinh tái tại địa phương. Trong đó, điển hình là cơ sở chăn nuôi và chế biến sữa dê Ngọc Đào của hộ ông Nguyễn Văn Đua, ở ấp 2B, xã Tân Hòa.

Ông Đua cho hay: “Hiện cơ sở có diện tích khoảng 1,5ha. Tất cả quy trình nuôi, chế biến đều khép kín, với tổng đàn dê có khoảng 450 con. Sữa dê khi vắt xong được chuyển sang khâu chế biến sữa tươi, sữa chua, phô mai và sữa chua sấy khô trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Điều phấn khởi là cơ sở hiện có 6 sản phẩm chế biến từ sữa dê được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Qua đây góp phần quảng bá hình ảnh thương hiệu OCOP của địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung. Mặt khác, để mọi người hiểu hơn về sản phẩm, đồng thời có những trải nghiệm như người nông dân thì vài năm gần đây, gia đình tôi mạnh dạn làm du lịch sinh thái và đã đón nhận nhiều du khách trong, ngoài nước đến với trang trại để được tham quan, trải nghiệm thực tế”.

Cùng với phát triển sản xuất thì công tác giảm nghèo cũng được ngành chức năng xã Tân Hòa quan tâm thực hiện thường xuyên bằng nhiều giải pháp thiết thực như: Thực hiện đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, cho vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ nhà ở, con giống nhằm tạo nhiều mô hình thoát nghèo bền vững... Điển hình là hiện xã Tân Hòa đang thực hiện 2 mô hình hỗ trợ con dê giống cho các hộ nghèo tạo sinh kế. Ngoài ra, nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã còn được quan tâm giúp đỡ về nhiều mặt an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Qua đây giúp bà con an cư lập nghiệp để vươn lên trong cuộc sống.

Mô hình nuôi dê lấy sữa của gia đình anh Đua đang mang lại nhiều điểm sáng cho quê hương xã Tân Hòa.   

Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện 

Song song với đời sống phát triển thì hiện cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn xã Tân Hòa trong những năm qua không ngừng được nâng cấp mở rộng để ngày càng được hoàn thiện và đạt theo quy định của những tiêu chí có liên quan trong xây dựng xã NTM nâng cao. Cụ thể về giao thông, hiện toàn xã có 8/8km đường xã được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết về biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh; đồng thời có 27/27km đường ấp và liên ấp được cứng hóa theo quy định và 17/17km đường ngõ, xóm ấp được cứng hóa, đảm bảo không còn lầy lội vào mùa mưa. Đặc biệt, trên địa bàn xã đang được đầu tư tuyến đường cao tốc đi qua và có nút giao nên tới đây sẽ tạo điều kiện cho địa phương kết nối giao thương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 

Bên cạnh đó, toàn xã có 4/4 trường ở cấp học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 3 trường đạt cơ sở vật chất mức độ 1 và 1 đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Ngoài ra, toàn xã có 10/10 ấp đều có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn theo quy định.

Chia sẻ cảm nhận về sự đổi thay của quê hương, bà Lâm Thị Năm (70 tuổi), ở ấp 3A, xã Tân Hòa, bộc bạch: “Tôi rất tự hào và vui mừng trước sự phát triển trên các mặt của quê hương xã Tân Hòa hôm nay. Trong đó, điều mà tôi và hầu hết bà con xã Tân Hòa cảm thấy hài lòng trong quá trình xây dựng NTM nâng cao là ruộng vườn được xây dựng đê bao khép kín; cầu, lộ giao thông được nâng cấp mở rộng giúp bà con đi lại thuận tiện, giao thương kinh tế dễ dàng; đồng thời hệ thống điện, đường, trường, trạm, dịch vụ viễn thông, internet đã về đến tận nhà người dân. Qua đây đã và đang tạo cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng tốt hơn rất nhiều”.

Ngoài chia sẻ của bà Năm thì nhiều người dân trên địa bàn xã Tân Hòa còn thông tin rằng, trong quá trình xây dựng xã NTM nâng cao, chính quyền địa phương đã kết nối vận động được sự vào cuộc, đồng thuận của bà con trong tham gia các phong trào của địa phương phát động như: người dân tự hiến đất, hoa màu để Nhà nước làm lộ, xây trường học; đồng thời người dân còn tích cực cùng chính quyền địa phương dọn dẹp và xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn ở hầu hết các tuyến đường của xã.

Nói về những nhân tố quyết định đến thắng lợi trong xây dựng xã NTM nâng cao như hôm nay, bà Lê Thị Thanh Loan, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa, cho biết: Trong quá trình xây dựng xã NTM nâng cao, xã Tân Hòa luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia từ tỉnh đến huyện, đồng thời xã luôn nhận được sự chung sức đồng lòng của người dân. Còn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, địa phương có cách làm phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó trọng tâm là căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân để lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách.

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong xây dựng xã NTM nâng cao, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Hòa tiếp tục duy trì, củng cố, nâng chất 19/19 tiêu chí NTM nâng cao đã đạt được. Trong đó sẽ không ngừng phát huy các mô hình làm ăn có hiệu quả gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; nâng cao chất lượng môi trường nông thôn.

“Ngoài công việc trên thì tới đây địa phương tiếp tục quan tâm xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã nhằm tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển, tăng mức hưởng thụ trực tiếp cho người dân, bao gồm: hoàn thiện hệ thống giao thông, điện, nước sạch, văn hóa, giáo dục, y tế… Bên cạnh đó là thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và giúp người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội; đồng thời nâng cao chất lượng hệ thống tổ chức chính trị - xã hội và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức xã”, bà Lê Thị Thanh Loan, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa, cho biết thêm.

Từ việc triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội nên đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân của người dân xã Tân Hòa đạt gần 70 triệu đồng/người/năm, tăng gần 10 triệu đồng/người/năm so với 2021; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,33%.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>