Nghề làm tôm khô Cà Mau thành di sản

14/11/2023 | 13:00 GMT+7

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định đưa nghề làm tôm khô và Lễ hội vía Bà Thủy Long tại tỉnh Cà Mau vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghề làm tôm khô truyền thống tại hộ ông Nguyễn Quốc Việt và bà Trương Ngọc Giàu, ấp Tân Thành, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi. Ảnh: HUỲNH LÂM

Ngày 14-11, ông Trần Hiếu Hùng - giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau - cho biết rất vui mừng khi nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian - nghề làm tôm khô (tỉnh Cà Mau) và lễ hội truyền thống - Lễ hội vía Bà Thủy Long (xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

"Đây là cơ hội tốt để tỉnh Cà Mau tiếp tục phát huy, gìn giữ các giá trị văn hóa, phát triển kinh tế, du lịch trong thời gian tới", ông Hùng nói.

Nghề làm tôm khô phản ánh một phần công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, gắn bó với con người trong đời sống hằng ngày.

Lễ hội vía Bà Thủy Long mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, góp phần khẳng định sự tồn tại của tín ngưỡng thờ Thủy Long thần nữ trên vùng đất Cà Mau như một tín ngưỡng đặc trưng, nổi trội.

Hoạt động tại Lễ hội vía Bà Thuỷ Long (xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi). Ảnh: HUỲNH LÂM

Đây là hình thức tín ngưỡng dân gian gắn liền với cư dân miền sông nước, đã tồn tại hàng trăm năm qua trong đời sống tinh thần của người dân Cà Mau.

Tính đến nay, Cà Mau có 7 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm:

- Nghệ thuật đờn ca tài tử (di sản chung với các tỉnh Nam Bộ, được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại);

- Nghề thủ công truyền thống "Gác kèo ong";

- Nghề thủ công truyền thống "Muối ba khía";

- Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc;

- Nghệ thuật nhạc trống lớn của người Khmer.

Theo Thanh Huyền – Tuổi trẻ online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>