Chăm lo đời sống hội viên

04/08/2023 | 05:52 GMT+7

Với vị trí, vai trò của mình, thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, triển khai, thực hiện có hiệu quả các phong trào nhằm thu hút người dân tham gia vào Hội. Trong đó, quan tâm, chăm lo đời sống cho hội viên được các cấp hội đẩy mạnh.

Từ sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã Phú Hữu, cộng với nỗ lực bản thân và chuyển đổi cây trồng nên năm 2022, hộ ông Nguyễn Văn Hiền thoát nghèo.

Nhận thức rõ “nơi nào có tổ chức hội vững mạnh thì nơi đó hội viên nông dân sẽ tin tưởng nhiều hơn”, nên những năm qua, Hội Nông dân huyện Châu Thành phát huy tốt vai trò là cầu nối, nòng cốt trong việc giúp hội viên phát triển kinh tế, thoát nghèo hiệu quả. Theo đó, Huyện hội tập trung đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng kế hoạch, triển khai những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình của từng địa phương.

Đơn vị còn phát động, triển khai, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Nông dân huyện chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Từ đó, hội nông dân các cấp trên địa bàn huyện đã tích cực vận động hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị.

Đồng thời, phối hợp tổ chức nhiều buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật canh tác, chăn nuôi hiệu quả; tổ chức dạy nghề, giới thiệu và cho tham quan các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao… để giúp hội viên có thêm kiến thức, lựa chọn áp dụng vào mô hình sản xuất của gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hộ ông Nguyễn Văn Hiền, ở ấp Phú Trí B, xã Phú Hữu, là một điển hình trong việc thoát nghèo từ sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã và nỗ lực của gia đình. Theo ông Hiền, trước đây, gia đình có hơn 4 công đất vườn, do xảy ra nhiều biến cố nên năm 2015, đã cố 3 công để có tiền trang trải cuộc sống. Những năm sau đó, dù vợ chồng ông nỗ lực làm lụng từ giăng lưới, cắm câu, làm thuê, chuyển đổi cây trồng… nhưng vẫn nghèo.

“Thật sự lúc đó tôi rất tuyệt vọng, không biết làm sao để thoát nghèo”, ông Hiền bộc bạch. Do đó, nhằm giúp gia đình ông chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành. Từ nguồn vốn này, ông cải tạo lại đất, rồi trồng mít, cóc. Ngoài ra, để cải thiện đời sống, vợ chồng ông còn làm công nhân cho một công ty trên địa bàn huyện; rảnh rỗi lái xe ba gác chở thuê.

Nhờ sự siêng năng, tích cóp nên năm 2022, từ vườn, làm công nhân, rồi chở thuê, không chỉ giúp vợ chồng ông có dư khoảng 50 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi tiêu mà còn có thể thoát nghèo và chuộc lại 3 công đất. “Nếu không nhờ Hội Nông dân xã Phú Hữu tạo điều kiện vay vốn thì đến hôm nay, gia đình tôi chưa chắc thoát nghèo. Tôi đang mở rộng diện tích trồng cóc và sầu riêng. Tôi tin sẽ cho năng suất, thu nhập cao”, ông Hiền nói.

Tương tự, hộ ông Lê Văn Út, ở ấp Thị Trấn, thị trấn Ngã Sáu cũng là trường hợp tiêu biểu trong nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Bởi trước đây, do gia đình ông không có đất nên phải ở nhờ trên phần đất của ba mẹ vợ và làm đủ thứ nghề nhưng vẫn nghèo. Năm 2020, khi có gần 2 công đất mà ba mẹ vợ cho, vợ chồng ông vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cải tạo đất trồng cóc, mít và nuôi dê thương phẩm, ốc bươu đen.

Để có nguồn thu giúp trang trải cuộc sống gia đình, vợ chồng ông làm thuê. Nhờ chịu khó làm ăn, chi tiêu hợp lý mà năm 2022, sau khi trừ các khoản chi tiêu, gia đình ông dư khoảng 30 triệu đồng và thoát nghèo. “Tôi đang sửa chữa, vệ sinh chuồng để tiếp tục nuôi dê thương phẩm, cải tạo vườn nhằm tăng số lượng nuôi ốc bươu… giúp phát triển mô hình vườn - ao - chuồng, nâng cao thu nhập”, ông Út cho biết.

Cùng với tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện còn tích cực đăng ký phần việc và vận động hội viên chung tay thực hiện tốt những tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Cụ thể, hội viên, nông dân tham gia hiến kế, hiến đất, góp ngày công để thi công các tuyến đường nông thôn, đóng góp kinh phí xây dựng cầu; thường xuyên vớt lục bình khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh; chặt mé cây xanh che khuất tầm nhìn và trồng hoa trên các tuyến đường...

Theo ông Đỗ Trung Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, thời gian qua, Hội đã nỗ lực trong việc triển khai các phong trào nhằm tập hợp thu hút hội viên, nông dân tham gia. Qua đó, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Đồng thời, Hội cũng kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến có cách làm hay, sáng tạo để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Cũng theo ông Nam, tới đây, Hội Nông dân huyện sẽ tập trung chỉ đạo các cơ sở hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; triển khai, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; vận động hội viên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Mặt khác, đẩy mạnh hỗ trợ hội viên áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

Ông Đỗ Trung Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, thông tin, hiện toàn huyện có hơn 14.330 hội viên, trong đó 182 hộ hội viên nghèo, 118 hộ hội viên cận nghèo. Nhiệm kỳ 2023-2028, mỗi năm, các cấp hội sẽ giúp 16 hộ hội viên thoát nghèo.

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>