Phát huy truyền thống vẻ vang, hào hùng của giai cấp công nhân

26/04/2024 | 11:52 GMT+7

Những ngày này, không khí rộn ràng với các hoạt động ý nghĩa, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024), được đội ngũ cán bộ, đoàn viên và người lao động tỉnh nhà tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện, càng lan tỏa, điểm tô thêm truyền thống vẻ vang, hào hùng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, trao tặng quà cho công nhân lao động tại Lễ phát động Tháng công nhân năm 2024.

Khởi đầu chuỗi hoạt động hướng về kỷ niệm Ngày 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh long trọng tổ chức Lễ phát động Tháng công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024, ở Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A. Tại đây, đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động tỉnh nhà có dịp ôn lại truyền thống đoàn kết, lịch sử đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội của giai cấp công nhân trên toàn thế giới nói chung.

Tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết giai cấp công nhân

Trong nội dung phát biểu ôn lại truyền thống Ngày Quốc tế lao động 1-5 và phát động Tháng công nhân năm 2024, ông Lê Công Khanh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết, ngày 1-5 được xem là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ngày 1-5 cũng là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Đáng ghi nhận là, trong tiến trình phát triển của cách mạng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức công đoàn. Giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước để khát vọng vươn lên của dân tộc.

Năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 11 đã quyết định lấy tháng 5 hàng năm, là “Tháng công nhân”. Từ đó đến nay, Tháng công nhân hàng năm, được tổ chức công đoàn chủ trì phối hợp với các địa phương, các ngành, doanh nghiệp tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực, nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động “hài hòa, ổn định và tiến bộ” trong doanh nghiệp.

Từ đó, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, năng lực sáng tạo của người lao động trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Tháng công nhân năm nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam lấy chủ đề “Đoàn kết công nhân - triển khai nghị quyết”, nhằm tuyên truyền, động viên, khích lệ, tạo động lực, khí khế mới để cán bộ, đoàn viên, người lao động quyết tâm, nỗ lực lớn, cùng hành động đưa nghị quyết đại hội công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028 vào cuộc sống.

Trên tinh thần đó, trong Tháng công nhân năm 2024, LĐLĐ tỉnh Hậu Giang sẽ tổ chức nhiều hoạt động cao điểm tập trung hướng về cơ sở, nhất là trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động tổ chức thăm, tặng quà cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo và tổ chức trao tặng mái ấm công đoàn.

Ngoài ra, phát động thực hiện các công trình thi đua, các mô hình đột phá; tổ chức chương trình biết ơn người lao động, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền và người lao động; tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Đại hội XI Công đoàn Hậu Giang nhiệm kỳ 2023-2028 và Quyển sách 20 năm Hậu Giang thành tựu và khát vọng phát triển, nhằm sớm đưa nghị quyết đại hội công đoàn các cấp đi vào cuộc sống...

Tập trung phát triển tổ chức Công đoàn Hậu Giang lớn mạnh

Ngày Quốc tế Lao động 1-5 là dịp để toàn thể đoàn viên, người lao động cùng ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng; khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; đoàn kết, quyết tâm đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Vì vậy, Tháng công nhân năm nay, là dịp để các cấp công đoàn trong tỉnh tập trung làm tốt hơn nữa công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động.

Đồng thời, thúc đẩy sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội trong xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Đây cũng là dịp để toàn thể cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Theo bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, những năm qua, lực lượng lao động tỉnh Hậu Giang có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, ngày càng năng động, chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh; tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, đi đầu trong phát huy sáng kiến, đổi mới sáng tạo và thành công trong lao động, sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.

Vai trò của công đoàn các cấp trong tỉnh tiếp tục được phát huy. Đến nay, tổ chức Công đoàn Hậu Giang có hơn 51.000 đoàn viên sinh hoạt ở 778 công đoàn cơ sở. Qua đây, bà Thái Thu Xương đề nghị trong Tháng công nhân năm 2024, các cấp công đoàn trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục người lao động nâng cao nhận thức, tự nguyện tham gia tổ chức công đoàn; tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở.

Bà Thái Thu Xương cũng đề nghị các cấp công đoàn trong tỉnh quan tâm thực hiện các nội dung thi đua do Tổng Liên đoàn phát động, gắn các phong trào thi đua yêu nước cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”... Qua đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong hoạt động và thu hút đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tích cực tham gia, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.

Còn theo ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, công đoàn cần tiếp tục xây dựng bộ máy tổ chức tinh gọn và hoạt động hiệu quả; xem trọng chất lượng hơn số lượng. Chú trọng phát triển lực lượng đoàn viên trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Từ thực tiễn phong trào công nhân lao động, mạnh dạn lựa chọn những đoàn viên tiêu biểu, ưu tú để tham gia các lớp cảm tình Đảng, tiến tới giới thiệu cho cấp ủy xem xét, kết nạp.

“Cùng với việc triển khai các nghị quyết của Trung ương của Tỉnh về xây dựng và phát triển tỉnh Hậu Giang, dự báo sẽ có nhiều nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn đến tỉnh nghiên cứu, đầu tư các dự án, công trình lớn, đòi hỏi số lượng lao động đông, có chất lượng cao. Do đó, các cấp công đoàn cần xây dựng phương án phát triển mới các tổ chức công đoàn; đảm bảo nguyên tắc nơi nào có công nhân, người lao động, nơi đó có tổ chức công đoàn”, ông Trần Văn Huyến yêu cầu.

Phát huy tinh thần quốc tế lao động bất diệt, cán bộ, công chức và nhân dân lao động tỉnh nhà đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy nội lực, tận dụng thời kỳ vàng, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, quyết tâm trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

 

1-5 còn là ngày toàn dân đoàn kết

Tại Việt Nam, ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1930, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế. Đồng thời, đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện Luật Lao động ngày làm việc 8 giờ.

Đó là điểm bắt đầu cho cả cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c ngày 18-2-1946 về những ngày nghỉ tết, lễ kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1-5 là một trong những ngày lễ chính thức của công nhân lao động cả nước sẽ được nghỉ 1 ngày hưởng nguyên lương. Đến ngày 1-5-1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Nhân dịp kỷ niệm mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi, trong đó nhấn mạnh: “Ở nước ta lần này, là lần đầu mà đồng bào ta, anh, chị, em lao động được tự do đón tiếp ngày 1-5. Vậy nên, nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta, nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này, chẳng những là ngày tết lao động mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do, dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>