Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin

26/09/2023 | 10:13 GMT+7

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên đều từ Nhân dân mà ra, dân là “gốc” của nước, “gốc” của cách mạng. Để phục vụ sự nghiệp cách mạng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, lắng nghe ý kiến quần chúng, phải hiểu dân, phải học từ dân.

Thực hiện lời Bác dạy, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn gần dân, coi dân là chủ. Đặc biệt là thông qua việc thực hiện mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” đã tạo ra sự gắn kết hơn giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở cơ sở với Nhân dân, giúp ổn định tình hình trong dân và hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.

Mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” ra mắt thực hiện vào ngày 20-6-2014 tại xã Đông Phước A, huyện Châu Thành. Một mô hình được duy trì tổ chức đều đặn trong hơn 9 năm...

Bài 1: Nghe dân nói để hiểu dân hơn, giải quyết nhiều việc dân còn khó khăn, bức xúc

Nhắc tới quá trình ra đời và hiệu quả hoạt động của mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói”, có lẽ ông Nguyễn Thanh Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đông Phước A, hiểu rõ nhất. Năm 2014, khi mô hình đi vào hoạt động, ông Việt là Phó Chủ tịch UBND xã, đã trực tiếp ghi nhận, trả lời nhiều ý kiến người dân đặt ra. Sau đó làm Chủ tịch UBND, rồi Bí thư Đảng ủy xã như hiện nay, ông Việt luôn chỉ đạo duy trì thực hiện hiệu quả.

Cầu nông thôn ở ấp Phước Hòa, xã Đông Phước A được xây dựng theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm.

Theo ông Việt, có một thực tế là người dân muốn phản ánh vấn đề khó khăn, bức xúc nhưng ngại gặp cán bộ, ngại va chạm. Tình trạng người dân kiến nghị vượt cấp cũng xuất phát từ việc những kiến nghị, bức xúc của người dân chưa được xem xét kịp thời. Chính từ những lý do này nên Đảng ủy xã Đông Phước A đã trăn trở, suy nghĩ và đi đến quyết định xây dựng mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” với phương châm cán bộ, công chức của xã phải chủ động xuống tận ấp nghe dân nói, xem việc của dân là việc của mình để cùng bàn bạc, giải quyết.

Nghe dân nói

Như một thói quen, hễ tới ngày thứ sáu tuần cuối tháng là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, cán bộ phụ trách các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã Đông Phước A xuống 1 ấp để đối thoại với dân. Tháng sau lại luân phiên ở một ấp khác, cứ thế trong năm sẽ đối thoại giáp hết các ấp trên địa bàn. Khi tổ chức ở ấp nào sẽ thông tin rộng rãi để người dân biết.

Một buổi đối thoại “Ngày thứ sáu nghe dân nói” do xã Đông Phước A tổ chức.

Mỗi cuộc đối thoại thu hút nhiều người dân tham gia. Sau khi nghe lãnh đạo UBND xã Đông Phước A báo cáo về hoạt động lãnh đạo, điều hành các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị trong xã, thì người dân thẳng thắn bày tỏ quan điểm cũng như những tâm tư, nguyện vọng của mình. Các kiến nghị tập trung vào giải quyết các thủ tục hành chính một cửa, chính sách nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, lộ giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ nhà tình nghĩa, tình thương, bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường ở nông thôn…

Với cách làm trên, trong hơn 9 năm qua, cán bộ, công chức xã Đông Phước A tổ chức đối thoại với Nhân dân được gần 100 cuộc, có hơn 3.820 lượt người dân tham dự, với gần 400 lượt hộ dân phát biểu, gần 1.000 lượt ý kiến.

Qua đó, Đảng ủy, UBND xã đã kịp thời xử lý, giải quyết những kiến nghị chính đáng của Nhân dân từ cơ sở, hạn chế các kiến nghị vượt cấp. Từ đó, đã nâng cao hơn trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm và hiểu rõ tình hình, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Người dân hài lòng, tin tưởng

Hầu hết người dân ở xã Đông Phước A xem các cuộc đối thoại “Ngày thứ sáu nghe dân nói” là hoạt động quen thuộc, là hình thức sinh hoạt dân chủ thực sự, là diễn đàn để người dân trực tiếp nói lên tiếng nói của mình đối với cấp ủy, chính quyền.

Khi lãnh đạo xã tổ chức đối thoại ở ấp Phước Tân, người dân mạnh dạn phản ánh tuyến lộ của ấp bị xuống cấp cần sửa lại; đồng thời đề nghị lắp đèn chiếu sáng trên tuyến lộ này. Không lâu sau đó, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức họp dân để xin ý kiến bà con về việc nâng cấp tuyến lộ ấp Phước Tân theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Nhờ “ý Đảng - lòng dân” hòa hợp nên tuyến lộ dài 1.200m đã được nâng cấp xong vào tháng 3 năm nay. Trên tuyến lộ này còn lắp 60 bóng đèn chiếu sáng theo ý kiến của dân. Đêm xuống, đèn bật sáng rực cả vùng quê.

Ông Lê Thanh Tòng, người dân ấp Phước Tân, xã Đông Phước A, tấm tắc khen lãnh đạo xã “giữ đúng lời hứa”. Ông Tòng cho biết: “Cấp ủy, chính quyền hứa sẽ giải quyết sớm khi nghe chúng tôi phản ánh tuyến lộ của ấp bị xuống cấp, đến nay đã làm được. Chúng tôi tin tưởng nên đã tự nguyện đóng góp tiền, ngày công lao động để cùng với chính quyền sửa lộ, lắp đèn”.

Còn người dân ấp Phước Hòa nêu mong muốn xây dựng mới cây cầu trên địa bàn, vì cầu cũ gây khó khăn cho việc đi lại. Không lâu sau, cũng với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, cầu mới được xây dựng trị giá hơn 100 triệu đồng.

Nhìn cây cầu rộng rãi, kiên cố, mới toanh, ông Lê Văn Năm, ở ấp Phước Hòa, xã Đông Phước A, vui mừng chia sẻ: “Không riêng chuyện xây cầu, tôi thấy nhiều ý kiến phản ánh của người dân đã được giải quyết thỏa đáng. Chính quyền đã làm thực chất, chứ không hứa suông”.

Tại các cuộc đối thoại với dân ở các ấp, lãnh đạo xã Đông Phước A còn nghe phản ánh tình trạng nhiều thanh niên chạy xe gắn máy không an toàn, việc đánh bắt cá bằng xung điện vẫn diễn ra. Để giải quyết bức xúc của dân, UBND xã chỉ đạo cho lực lượng công an có biện pháp xử lý kịp thời, đến nay tình hình được cải thiện nhiều.

Ở góc độ khác, từ khi mô hình được thực hiện tới nay thì cán bộ, công chức xã Đông Phước A đã biết nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn trong công việc, biết giữ gìn tác phong, thái độ khi tiếp xúc với người dân. Họ tránh làm những việc sai trái hoặc có thái độ quan liêu, hách dịch, vì một khi bị người dân phản ánh sẽ bị xử lý theo quy định.

Còn nhớ lần tổ chức đối thoại ở ấp Phước Hòa, khi nghe người dân phản ánh cán bộ địa chính xã lợi dụng công việc để trục lợi, sau đó Đảng ủy, UBND xã tiến hành điều tra, xác minh và xác định phản ánh của người dân là đúng. Từ đó, đưa ra hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cán bộ vi phạm.

Lần khác, nhân viên Trạm y tế xã bị người dân phản ánh có thái độ chưa tốt, chưa làm tròn nhiệm vụ được giao. Cá nhân này sau đó bị chấn chỉnh và cam kết không tái phạm.

Đảng ủy xã Đông Phước A cho biết trong vài năm gần đây không còn nghe người dân phàn nàn về thái độ làm việc của cán bộ, công chức xã. Có lẽ, cán bộ, công chức ở địa phương biết sợ nên gương mẫu và “giữ mình”.

Làm thực chất, không hứa suông

Hơn 9 năm duy trì hoạt động nhưng mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” ở xã Đông Phước A không bị “lãng quên” như nhiều mô hình khác, thậm chí ngày càng tạo được uy tín với dân. Đem chuyện “giữ lửa” của mô hình này trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Đông Phước A Nguyễn Thanh Việt, thì ông cho biết không có bí quyết gì to tát, chỉ cần có tinh thần gần dân, trọng dân và phải làm thực chất, không hứa suông.

Tinh thần gần dân, trọng dân thể hiện ở thái độ cầu thị, gần gũi, chân thành và thực sự muốn lắng nghe những vấn đề mà người dân chưa hài lòng ở địa phương; tạo điều kiện để người dân thể hiện những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc với cán bộ, công chức, những điều mà trước đó họ không thể nói hoặc không dám nói, không muốn nói hoặc không có điều kiện để nói.

Còn làm thực chất và không hứa suông là mỗi ý kiến của người dân dù lớn, dù nhỏ phải được lắng nghe, ghi nhận và xử lý giải quyết theo thẩm quyền. Nếu chỉ lắng nghe, ghi nhận mà không giải quyết thì người dân sẽ mất dần sự tín nhiệm, tin tưởng vào lời hứa của cấp ủy, chính quyền.

Từ nhận thức đó nên khi tổ chức đối thoại với người dân ở các ấp, lãnh đạo xã Đông Phước A yêu cầu cán bộ, công chức phụ trách các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải tham dự đầy đủ. Họ có trách nhiệm lắng nghe, ghi chép các ý kiến của người dân. Vấn đề phản ánh thuộc trách nhiệm của ngành nào, đơn vị nào thì cán bộ phụ trách phải giải trình, trả lời cho dân ngay tại buổi đối thoại. Nội dung trả lời phải rõ ràng, nếu thấy cán bộ trả lời chung chung thì lãnh đạo xã sẽ nhắc nhở và yêu cầu đưa ra mốc thời gian cụ thể để giải quyết công việc cho dân.

“Có những việc khi chỉ đạo nhiệm vụ mà cán bộ làm chậm trễ, thiếu sót thì bản thân Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cũng phải nhận khuyết điểm với dân, sau đó sẽ chỉ đạo quyết liệt để giải quyết cho xong, không để dân phải phiền lòng”, Bí thư Đảng ủy xã Đông Phước A Nguyễn Thanh Việt nói.

Với sự quyết liệt và cách làm thực chất như vậy nên ông Nguyễn Thanh Việt khẳng định 100% vấn đề người dân phản ánh thuộc thẩm quyền của xã đã được giải quyết đến nơi đến chốn. Nhờ có mô hình mà nhiều vấn đề bức xúc phát sinh ở địa phương được giải quyết từ sớm. Sự đồng thuận, tin tưởng của người dân với cấp ủy, chính quyền tăng lên. Bà con đoàn kết, đồng lòng ủng hộ thực hiện mọi phong trào ở địa phương. Sức mạnh từ Nhân dân chính là chìa khóa để xã Đông Phước A xây dựng thành công xã nông thôn mới, tiếng cười rộn rã khắp nơi.

Rời xa nơi khởi nguồn của mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” nhưng thâm tâm không quên được những lời khen của ông Lê Thanh Tòng (ấp Phước Tân), ông Lê Văn Năm (ấp Phước Hòa) dành cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Dường như khoảng cách giữa lãnh đạo xã với người dân được rút ngắn, càng cảm thông, thấu hiểu nhau hơn trong chung tay thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển quê hương.

Lòng vui hơn khi biết mô hình này đã được nhân rộng, tạo ra cầu nối giúp gắn kết hơn nữa mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền ở cơ sở với người dân, để Đảng, Nhà nước với dân là một khối, ý Đảng, lòng dân là một.

Bài, ảnh: T.SƠN - C.LÌNH

------------------

Bài 2: Nhân rộng và lan tỏa

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>