Cần công chứng, chứng thực khi giao dịch bất động sản ?

09/05/2024 | 07:07 GMT+7

Các giao dịch liên quan đến bất động sản thường giá trị lớn, phức tạp, do đó việc công chứng, chứng thực trong giao dịch không chỉ bảo đảm an toàn về mặt pháp lý mà còn giúp cung cấp chứng cứ cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp tranh chấp.

Người dân đến một văn phòng công chứng hồ sơ liên quan đến đất đai.

Chia sẻ với phóng viên, bà Bùi Thị Ngọc, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, nói muốn lập hợp đồng tặng cho nhà và đất cho con do lớn tuổi; bà thắc mắc không biết quy định có phải đi công chứng hay chứng thực việc lập hợp đồng tặng cho nhà, đất hay không ?

Công chứng, chứng thực được thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch liên quan tới việc chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế bất động sản; đồng thời, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức liên quan.

Công chứng, chứng thực còn có chức năng tạo lập và cung cấp các chứng cứ cho hoạt động tố tụng trong giải quyết vụ án, vụ việc khi các bên phát sinh tranh chấp.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, nói tại khoản 3, Điều 27, Luật Đất đai năm 2024 quy định hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.

Cũng theo ông Thắng, luật còn quy định với trường hợp hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản thì được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên. Riêng văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

Bên cạnh đó, Điều 164 Luật Nhà ở năm 2023 quy định, trường hợp mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở thì phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng. Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; mua bán, thuê mua nhà ở thuộc tài sản công… thì không phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng (trừ trường hợp các bên có nhu cầu). Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

Luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, cho biết, Điều 459, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định.

Do đó, theo ông Hùng, trường hợp bà Bùi Thị Ngọc muốn làm hợp đồng tặng cho nhà và đất cho con, có thể căn cứ Bộ luật Dân sự và khoản 3 Điều 27, Luật Đất đai năm 2024 để thực hiện công chứng, chứng thực theo luật.

Khoản 1, Điều 2 Luật Công chứng năm 2014: Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

 

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>