Chú ý: 10 lầm tưởng về đột quỵ sau đây khiến bạn bỏ qua “Cơ hội vàng”

17/11/2023 | 13:00 GMT+7

 

Ảnh minh họa Báo Sức khỏe và đời sống.

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, tỉ lệ mắc ngày càng tăng và xu hướng trẻ hóa. Những lầm tưởng về đột quỵ có thể khiến bạn “tuyệt vọng” hoặc bỏ qua cơ hội vàng để điều trị. 10 sai lầm sau thường thấy khi nghĩ về đột quỵ.

1. Đột quỵ là vấn đề của tim

Mặc dù đột quỵ và nhồi máu cơ tim đều là kết quả của quá trình hẹp hoặc tắc động mạch gây thiếu máu nuôi, nhưng đột quỵ là vấn đề ở não bộ. Đột quỵ có 2 dạng: nhồi máu não và xuất huyết não.

Nhồi máu não: lòng động mạch hẹp/tắc nghẽn do huyết khối, co thắt, gây thiếu máu nuôi vùng mô não nhất định. Việc điều trị cần dùng thuốc chống huyết khối, can thiệp mạch máu.

Xuất huyết não: vỡ mạch máu não gây chảy máu trong não.

Hai tình trạng này rất khó phân biệt nếu chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài, vì vậy khi có dấu hiệu gợi ý đột quỵ, không được tự dùng thuốc chống đông máu vì nếu bạn bị đột quỵ xuất huyết, bạn sẽ làm bệnh nặng hơn.

2. Đột quỵ không thể phòng ngừa được

Các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của đột quỵ là tăng huyết áp, hút thuốc lá, cholesterol máu cao, béo phì, đái tháo đường, chấn thương đầu/cổ và rối loạn nhịp tim. Đây là những yếu tố chúng ta có thể nhận biết và kiểm soát được. Ví dụ tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, cholesterol cao, béo phì và đái tháo đường.

3. Đột quỵ không di truyền trong gia đình

Các đột biến gene, ví dụ đột biến gây bệnh hồng cầu hình liềm làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Những thành viên trong gia đình thường có lối sống và môi trường sống tương tự nhau hoặc ảnh hưởng lẫn nhau. Vì vậy, môi trường hoặc lối sống không lành mạnh kết hợp với bệnh di truyền làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ.

4. Triệu chứng đột quỵ khó nhận biết

Các triệu chứng phổ biến nhất của đột quỵ khá dễ nhận biết, chỉ cần bạn để ý bình thường cơ thể mình như thế nào, khi có bất thường bạn sẽ dễ nhận ra hơn. Các triệu chứng của đột quỵ:

Mặt không còn đối xứng hai bên: tê một bên mặt và nụ cười không đều.

Yếu hoặc tê một cánh tay: khi bạn nâng một cánh tay lên, cánh tay đó sẽ tự rớt xuống.

Đi lại khó khăn, bao gồm chóng mặt, mất thăng bằng.

Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.

5. Đột quỵ không thể điều trị

Rất nhiều người nghĩ rằng đột quỵ không thể điều trị và để lại di chứng suốt đời. Nếu bệnh nhân đến bệnh viện đủ sớm, trong vòng vài phút hoặc vài giờ, đột quỵ có thể điều trị được bằng cách tiêm thuốc làm tan cục máu đông hoặc can thiệp mạch máu bằng phẫu thuật.

Những người đến bệnh viện trong vòng 3 giờ kể từ lúc có triệu chứng đầu tiên, thường ít di chứng hơn và tỉ lệ sống sót cao hơn những người đến sau 3 giờ. Nói chung, càng đến trễ, tiên lượng càng xấu.

6. Đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi

Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Sau 55 tuổi, cứ thêm mỗi 10 năm, nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi. Tuy nhiên đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Dù bất kỳ tuổi nào, mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, mỡ máu cao thì đều có nguy cơ rất cao bị đột quỵ.

7. Tất cả trường hợp đột quỵ đều có triệu chứng

Không phải tất cả các cơn đột quỵ đều có triệu chứng, và một số nghiên cứu cho thấy đột quỵ không có triệu chứng phổ biến hơn có triệu chứng.

Mặc dù "đột quỵ thầm lặng" gây ra những tổn thương kích thước nhỏ, thường chỉ phát hiện trên chụp cộng hưởng từ não, tuy nhiên chúng nên được điều trị tương tự như đột quỵ có triệu chứng nếu được phát hiện. Vì "đột quỵ thầm lặng" làm tăng nguy cơ đột quỵ có triệu chứng, suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ trong tương lai.

8. "Đột quỵ nhỏ" thì không quan trọng

"Đột quỵ nhỏ" hay ministroke là một cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). Cách gọi "nhỏ" hoặc "thoáng qua" khiến chúng ta lầm tưởng rằng bệnh nhẹ nhưng thực chất chúng có thể là dấu hiệu báo trước một cơn "đột quỵ lớn". Bất kỳ triệu chứng nào của đột quỵ cấp tính, thoáng qua đều cần được quan tâm một cách cẩn trọng.

9. Đột quỵ luôn gây liệt

Không phải ai bị đột quỵ đều bị liệt hoặc yếu sức. Tùy vào số lượng mô não và khu vực nào của não bị ảnh hưởng, đột quỵ để lại các di chứng khác nhau.

Ví dụ đột quỵ não trái có thể có các di chứng như tê liệt ở bên phải của cơ thể và/hoặc chỉ gặp các vấn đề về lời nói và ngôn ngữ, hành vi chậm chạp, mất trí nhớ; đột quỵ não phải có thể gây tê/liệt bên trái cơ thể, hoặc có thể gây ra các vấn đề về thị lực, hành vi, mất trí nhớ.

10. Quá trình phục hồi đột quỵ diễn ra nhanh chóng

Thật ra quá trình phục hồi sau đột quỵ có thể mất vài tháng, thậm chí vài năm. Tuy nhiên, nhiều người có thể không hồi phục hoàn toàn. Trong đó:

10% sẽ phục hồi gần như hoàn toàn.

10% khác sẽ cần được chăm sóc tại viện dưỡng lão hoặc cơ sở dài hạn khác.

25% sẽ phục hồi nhưng còn di chứng nhẹ.

40% sẽ bị di chứng trung bình đến nặng.

2-3 tháng đầu sau khi đột quỵ là thời gian rất quan trọng vì nếu tích cực phục hồi chức năng chuyên sâu, khả năng hồi phục sẽ cao hơn. Sau thời gian này, nhất là sau 6 tháng, sự hồi phục sẽ diễn ra rất chậm.

Theo BS. Hải Đan – Tuổi trẻ online (Tít do Báo Hậu Giang đặt)

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>