Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Điểm tựa của tuổi già

26/11/2021 | 08:22 GMT+7

Với mức tham gia chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, khi đến tuổi nghỉ hưu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hàng tháng gấp nhiều lần so với mức đóng, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.

Người lao động hãy chủ động tham gia BHXH tự nguyện, để có lương hưu và được cấp thẻ BHYT hưu trí. (Ảnh chụp trước đợt dịch)

Công tác ở trường học và tham gia BHXH bắt buộc được 8 năm 11 tháng, do sức khỏe không tốt nên bà Trần Kim Loan, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy xin nghỉ. Tuy nhiên, số năm đóng BHXH bắt buộc chưa đủ để bà được hưởng chế độ hưu trí. Qua tìm hiểu thông tin và được cán bộ ngành BHXH tư vấn về tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện, bà quyết định đóng tiếp số năm còn thiếu, để được hưởng lương hưu theo quy định. Bà Loan chia sẻ: “Trước mắt, tôi đóng trước 3 tháng, sau đó đóng 2 lần nữa mỗi lần cho 5 năm liên tục. Số tiền này tôi coi như tích lũy để khi về già có thể tự mình trang trải chi phí cho cuộc sống, không phải phụ thuộc hay trở thành gánh nặng cho gia đình, con cháu, với lại còn có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hỗ trợ thanh toán tiền khám, chữa bệnh khi chẳng may ốm đau, bệnh tật. Nói thật, khi về già, không đi làm kiếm tiền được thì lương hưu không chỉ có giá trị vật chất mà còn có ý nghĩa lớn về tinh thần, giúp mình an tâm sống vui, sống khỏe”.

Còn chị Thạch Thị Á Si, ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, sau khi hiểu hết những quyền lợi của chính sách BHXH tự nguyện cũng quyết định tham gia cho cả hai vợ chồng. Dẫu hoàn cảnh khá khó khăn, mỗi ngày đi làm thuê, làm mướn, nhưng chị Á Si cũng dành ra khoản tiền để tham gia BHXH tự nguyện. Chị Á Si chia sẻ: “Đây là chính sách của Nhà nước tôi yên tâm, với lại còn được hỗ trợ mức đóng. Bây giờ còn sức khỏe, còn đi làm kiếm tiền được nên đóng BHXH tự nguyện coi như để dành. Khi đóng đủ số năm và đến tuổi nghỉ hưu theo quy định cả hai vợ chồng đều có lương hàng tháng để chi tiêu, lúc đó con cái cũng đỡ phải lo”.

BHXH tự nguyện được ví như “điểm tựa” cho những người lao động tự do khi về già. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và thu nhập gia đình, người lao động có thể lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp, có thể đóng 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 5 năm và đóng một lần tối đa cho 10 năm còn thiếu để hưởng chế độ hưu trí... Cùng với đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần phí đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc BHXH tỉnh, BHXH tự nguyện là chính sách ưu việt, giúp người tham gia, nhất là người lao động tự do có lương hưu bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động và được cấp thẻ BHYT hưu trí. Ngoài ra, tiền lương đóng BHXH tự nguyện được tính trượt giá khi tính lương hưu, lương hưu được điều chỉnh tăng theo lộ trình hàng năm của Chính phủ, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất và mai táng phí. Có thể nói, đây là chỗ dựa tin cậy cho người lao động khi về già có thu nhập cơ bản bảo đảm cuộc sống.

Chính sách BHXH như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động khi về già, đúng với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Để giúp người dân hiểu rõ những lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh đề nghị BHXH các huyện tiếp tục phối hợp với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, đưa chính sách BHXH tự nguyện đến gần với người dân, nhất là người lao động tự do, từ đó mọi người tích cực tham gia để về già được có điểm tựa về tài chính, ổn định cuộc sống, không phải cậy nhờ, dựa dẫm vào con cháu...

Mức đóng, phương thức đóng BHXH tự nguyện

 

Mức đóng: Bằng 22% thu nhập hàng tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (700.000 đồng x 22%) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Phương thức đóng: Người tham gia đóng 1 tháng, 3, 6, 12 tháng/lần hoặc 1 lần cho nhiều năm (tối đa 5 năm) hoặc 1 lần cho những năm còn thiếu (tối đa 10 năm).

 

Nhà nước hỗ trợ một phần phí đóng

 

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ một phần phí đóng. Cụ thể, hỗ trợ 30% phí đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; hỗ trợ 25% phí đóng với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và hỗ trợ 10% phí đóng với các trường hợp khác.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>