Phát huy thế mạnh địa phương trong đào tạo nghề

21/11/2023 | 08:45 GMT+7

Từ khi thành lập đến nay, tỉnh luôn quan tâm và triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giảm nghèo bền vững. Hơn 151.000 lao động được đào tạo nghề gần 20 năm qua đã minh chứng điều này.

Thông qua các lớp đào tạo nghề phù hợp, đúng với thế mạnh địa phương, giúp người dân có việc làm ổn định.

Chuyện từ một loạt bèo trôi thành sản phẩm được đón nhận

Là một trong những người tham gia lớp đào tạo nghề đan lục bình cho lao động nông thôn, bà Hồ Thị Nhi, ở ấp 4, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp đã có cuộc sống ổn định. Bà Nhi cho biết: “Nghề đan lục bình thấy vậy mà hay lắm, tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho mọi người lúc nông nhàn mà không bị gò bó về thời gian. Tuy chỉ là nghề phụ, nhưng nếu khéo tay và chịu khó, đến khi đã quen tay thạo việc thì thu nhập từ nghề đan lục bình lại cao hơn thu nhập chính là nghề nông. Cái hay nữa là công việc này luôn có quanh năm. Nói thật, tất cả đồ đạc trong nhà tôi có được đều nhờ thu nhập từ nghề này hết”.

Nói xong bà Nhi kể, trước đây gia đình bà là hộ nghèo, cuộc sống rất khó khăn túng thiếu. Rồi được học nghề đan lục bình, khi đó bà chỉ mong có thêm một phần thu nhập để nuôi con và chăm lo cuộc sống tốt hơn. Không ngờ sau vài năm gắn bó với nghề, nhờ chịu khó và biết tích góp không những giúp gia đình bà thoát nghèo mà cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

Lục bình vốn là loại bèo quen thuộc mọc nhiều ở các vùng sông nước. Không giống những loại cây khác, lục bình sinh trưởng rất nhanh, trước đây người dân phải tìm cách phá bỏ vì chúng gây ách tắc giao thông đường thủy nội địa. Thế nhưng, mấy ai nghĩ rằng, loại cây chỉ biết xuôi mình theo dòng nước đã được khai thác cho hiệu quả kinh tế khá cao. Thông qua việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngành chức năng đã tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có này để tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo một cách bền vững.

Bằng khả năng sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, nhiều lao động trên địa bàn tỉnh đã biến những cây bèo bình dị ấy thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng về mẫu mã, đẹp mắt, mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Nghề đan lục bình phù hợp với điều kiện sống của nhiều gia đình ở nông thôn, không bị gò bó về thời gian. Không riêng gì phụ nữ, nhiều nam giới cũng tận dụng những lúc không có việc đồng áng, cùng tham gia đan lục bình kiếm thêm thu nhập. Nhiều người không đủ sức khỏe làm những công việc nặng nhọc đã chọn nghề đan lục bình. Nhờ nghề này, cuộc sống của bà con cũng đỡ vất vả”.

Nghề đan lục bình ngày càng thu hút nhiều lao động tham gia. Những năm qua, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước trên thế giới. Từ đó, giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

 Không riêng nghề đan lục bình, thời gian qua Hậu Giang thực hiện hiệu quả nhiều lớp đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu của xã hội, thực tế đời sống của người dân. Những lớp nghề được mở gắn liền với điều kiện tự nhiên và thế mạnh của địa phương. Từ đó, số hộ thoát nghèo, hộ khá tăng lên đáng kể, bộ mặt nông thôn được nâng lên rõ nét.

Đào tạo theo lợi thế địa phương

Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cấp, các ngành và địa phương đã tập trung tuyên truyền giúp người dân nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học nghề. Khảo sát nhu cầu học nghề của lao động, qua đó tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Địa phương thường xuyên tuyên truyền đến người dân về lợi ích khi tham gia các lớp đào tạo nghề, bởi khi học nghề người dân sẽ có việc làm và nguồn thu nhập ổn định. Ngoài ra, phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề linh hoạt thời gian tổ chức lớp, để người dân thuận lợi trong quá trình tham gia khóa học”.

Đáp ứng xu hướng đào tạo nghề phải phù hợp với thị trường lao động, tỉnh đã chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo đáp ứng với nhu cầu của người học và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và người lao động. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, tổ chức đào tạo nghề gắn với việc làm cho người lao động; nghề nông nghiệp phải đào tạo theo quy hoạch vùng chuyên canh gắn với phát triển nông thôn mới, nghề phi nông nghiệp phải có đơn vị sử dụng lao động hoặc bao tiêu sản phẩm sau học nghề. Tỉnh còn tổ chức đào tạo nghề tại doanh nghiệp, khi đó, người lao động được đào tạo ngay trên dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Với cách làm này, người lao động có trình độ, tay nghề thực tế theo yêu cầu của doanh nghiệp, được doanh nghiệp tuyển dụng. Từ đó, góp chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là ở các vùng nông thôn.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2004-2022, toàn tỉnh có trên 151.300 người tham gia các lớp đào tạo nghề, đạt 110% so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2022 đạt 65,3%, tăng 51,7% so với năm 2004 (năm 2004 là 13,6%).

Nhìn chung, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngay sau khi hoàn thành khóa học, người lao động có trình độ, tay nghề được doanh nghiệp tuyển dụng, góp phần tăng tính hiệu quả trong công tác hỗ trợ đào tạo lao động, nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đem lại hiệu quả rõ rệt khi làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của người dân. Người lao động sau khi học nghề đã có việc làm, hoặc áp dụng những kiến thức, kỹ thuật vào lao động, sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ đó, không chỉ góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, mà còn nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo”.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2004-2022, toàn tỉnh có trên 151.300 người tham gia các lớp đào tạo nghề, đạt 110% so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2022 đạt 65,3%, tăng 51,7% so với năm 2004 (năm 2004 là 13,6%).

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>