Điều dưỡng ở Hậu Giang thấp hơn bình quân cả nước: Rào cản nâng chất lượng các cơ sở y tế

14/03/2024 | 06:10 GMT+7

Thiếu điều dưỡng đã ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, áp lực, quá tải trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này. Trong khi đó, vẫn chưa có nhiều chính sách để thu hút, giữ chân điều dưỡng, tâm tư, nguyện vọng của điều dưỡng chưa được quan tâm giải quyết kịp thời...

Cần có chính sách đặc thù, thu hút riêng đối với lực lượng điều dưỡng là kiến nghị của nhiều cơ sở y tế.

Bài 2: Nên có chính sách đặc thù, thu hút riêng ?

Vấn đề đặt ra hiện nay là song song bổ sung nguồn nhân lực, phải giữ chân được điều dưỡng cho các cơ sở y tế và quan tâm nâng cao chuyên môn điều dưỡng viên. Có nhiều kiến nghị nên có chính sách đặc thù, thu hút riêng.

Nguồn đào tạo hạn chế, người học xong ít xin về tỉnh

Hàng năm, tỉnh nhận rất ít điều dưỡng, tổng số hợp đồng từ 2019 đến nay là 80 người, nếu không có giải pháp hiệu quả sẽ khó khăn trong gia tăng số lượng điều dưỡng trong những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: “Nguồn đào tạo chuyên ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên rất hạn chế, nên cần có chính sách đặc thù, thu hút dành riêng cho chuyên ngành này để khuyến khích học sinh THPT đăng ký tham gia. Học phí các trường đào tạo nên có chính sách riêng cho ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, hiện nay học phí rất cao nhưng khi học ra trường thì tiền lương không đáp ứng nên càng ngày càng ít người đăng ký học. Số lượng người đăng ký học các ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên càng ngày càng ít cho nên các năm tiếp theo sẽ mất nguồn lực này”.

Điều dưỡng sau khi học tập ra trường, ít lựa chọn về tỉnh để xin việc.

Tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, thời gian gần đây đã có những giải pháp để giữ chân điều dưỡng, nhất là đối với những điều dưỡng mới về. Ông Phùng Văn Kha, Trưởng phòng Kế hoạch, nghiệp vụ điều dưỡng, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, thông tin: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi luôn tăng cường đào tạo để có nguồn điều dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực tế, không phải nhận điều dưỡng là trực được, các điều dưỡng chưa có chứng chỉ hành nghề chỉ trực phụ. Trung tâm quan tâm ký hợp đồng sớm hơn đối với điều dưỡng mới về để tạo sự an tâm, ở lại phục vụ lâu dài, xem xét điều tiết các điều dưỡng khác hỗ trợ nhằm giảm bớt áp lực cho điều dưỡng khoa nội”.

Những giải pháp như tại trung tâm trên đã được quan tâm để giữ chân điều dưỡng, nhưng có thật sự đủ mạnh để mọi người lựa chọn ở lại phục vụ lâu dài?

Nỗi lòng điều dưỡng: Mong sớm được thi tuyển viên chức và chuyển ngạch...

Lực lượng điều dưỡng đang phải làm việc với áp lực nhiều hơn do thiếu nhân lực, thêm vào đó có những quyền lợi, tâm tư, nguyện vọng của lực lượng này chưa được thực hiện kịp thời không khỏi khiến mọi người chạnh lòng.

Thực tế từ các bệnh viện, trung tâm y tế có rất nhiều điều dưỡng đã hợp đồng làm việc rất lâu nhưng chưa được xét tuyển viên chức, nên có một số trường hợp đã bỏ việc đi đến các đơn vị y tế tư nhân. Tổ chức xét tuyển bổ sung biên chế sớm cho các đơn vị là vấn đề đặt ra. Ông Đỗ Văn Mới, Phó phòng Kế hoạch, nghiệp vụ điều dưỡng, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Cần có những giải pháp giữ chân lực lượng điều dưỡng. Có những điều dưỡng đã làm việc theo hợp đồng tại trung tâm nhiều năm đang trông chờ được xét tuyển viên chức. Đề nghị Sở Y tế sớm tổ chức thi xét tuyển viên chức để điều dưỡng cảm thấy vững tin, an tâm ở lại trung tâm phục vụ”.

Không riêng câu chuyện thi tuyển viên chức, nỗi lòng trong mạng lưới điều dưỡng đang trăn trở câu hỏi: Vì sao mình vẫn chưa được chuyển ngạch dù đã học xong trình độ đại học? Điều dưỡng Lâm Hữu Nghĩa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Tôi đã tốt nghiệp trình độ đại học vào năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa được chuyển ngạch. Do yêu cầu nâng cao trình độ, bản thân cũng muốn học tập nâng cao trình độ nên đã tự bỏ chi phí đi học từ cao đẳng lên đại học. Mong muốn được chuyển ngạch sớm, mà giờ cũng không biết đến khi nào?”.

Nhiều trường hợp sau khi học về chưa được chuyển ngạch ngay, việc chuyển ngạch càng chậm trễ càng thiệt thòi và chưa khích lệ lực lượng điều dưỡng học tập nâng cao chuyên môn. Đáng nói hơn, trong gần 600 điều dưỡng của tỉnh vẫn còn không ít trường hợp hiện có trình độ trung cấp cần được quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Khó khăn hiện nay chưa thể phê duyệt xong Đề án vị trí việc làm nên chưa thể xét tuyển. Sau khi vị trí việc làm được phê duyệt, chúng tôi sẽ làm Đề án xét tuyển viên chức y tế, dự kiến trong quý II sẽ tổ chức Kỳ thi xét tuyển viên chức ngành y tế. Đối với mong muốn chuyển ngạch của các điều dưỡng đã học tập nâng cao trình độ cũng chờ Đề án vị trí việc làm được phê duyệt sẽ thực hiện chuyển ngạch. Vì vậy, theo Sở Y tế tỉnh phải chờ thêm một thời gian nữa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 25 điều dưỡng, đến năm 2030 đạt 33 điều dưỡng và tầm nhìn đến năm 2050 hình thành một số cơ sở y tế hiện đại ngang tầm quốc tế, phấn đấu đạt  90 điều dưỡng trên 10.000 dân.

Hiện tỉnh Hậu Giang đang có số điều dưỡng/10.000 dân ở mức thấp nên cần có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả để thu hút nguồn nhân lực này, đáp ứng nguồn nhân lực điều dưỡng theo mặt bằng chung của cả nước, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong thời gian tới.

Hàng năm, tỉnh nhận rất ít điều dưỡng, tổng số hợp đồng từ 2019 đến nay là 80 người, nếu không có giải pháp hiệu quả sẽ khó khăn trong gia tăng số lượng điều dưỡng những năm tiếp theo.

Trong gần 600 điều dưỡng của tỉnh vẫn còn không ít trường hợp hiện có trình độ trung cấp cần được quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>