Huyện Vị Thủy phát triển nông nghiệp theo chiều sâu

03/11/2023 | 10:29 GMT+7

Khai thác tài nguyên bản địa, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu kết hợp du lịch cộng đồng là hướng đi mà huyện Vị Thủy đang hướng đến.

Lãnh đạo huyện Vị Thủy rất quan tâm cho lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ các HTX phát triển.

Từ nâng chất mô hình

Những ngày này, Hợp tác xã (HTX) sản xuất dưa hấu đạt chuẩn VietGAP, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, đang bơm nước, chuẩn bị làm đất để kịp xuống giống vụ dưa hấu rằm tháng 10 âm lịch phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2024. Năm nay, đơn vị trồng các giống: mặt trời đỏ, lộc phát, ruột vàng và superman phục vụ thị trường. Ông Võ Văn Năng, Giám đốc HTX cho hay, từ ngày địa phương đầu tư và đưa vào vận hành trạm bơm nước, bà con trong HTX không còn lo chuyện nước ruộng nên công việc cũng đỡ vất vả phần nào.

Được biết, HTX có 11ha, 15 thành viên, trung bình mỗi héc-ta cho thu hoạch từ 3,5-4 tấn trái. Tuy chưa xuống giống nhưng toàn bộ được các doanh nghiệp bao tiêu với mức giá từ 15.000-20.000 đồng/kg, tùy loại dưa và kích cỡ. Dự kiến khoảng 23 tết, HTX của ông Năng sẽ sẵn sàng có dưa cung ứng cho thị trường.

Ông Võ Văn Năng, Giám đốc HTX sản xuất dưa hấu đạt chuẩn VietGAP, thông tin: “Đây là năm thứ 12 HTX gắn bó với cây trồng này. Dưa hấu của HTX đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh và có mã số vùng trồng, tem nhãn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nên đầu ra luôn ổn định. Trong quá trình trồng, HTX sử dụng chế phẩm sinh học và phân, thuốc theo danh mục Nhà nước cho phép và trồng theo hướng công nghệ cao do nhà khoa học phổ biến, tập huấn, chuyển giao. Việc mua bán rất khỏe, đầu ra ổn định nên nông dân chỉ có việc trồng theo quy trình để đảm bảo chất lượng dưa, không phải lo về kỹ thuật và đầu ra…”.

Không riêng dưa hấu, việc canh tác lúa của nông dân Vị Thủy giờ cũng lên bước tiến mới. Bà con ở đây đang đẩy mạnh sản xuất lúa gạo theo hướng an toàn thực phẩm, góp phần đạt 3 tiêu chí quan trọng là kinh tế, xã hội và môi trường. Ngoài ra, nông dân đang từng bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị.

Ngoài dưa hấu, lúa, người dân Vị Thủy còn khai thác thế mạnh khai thác nông nghiệp theo cách làm ăn mới. Đó là câu chuyện của làng trầu Vị Thủy. Nghề trồng trầu tại đây hình thành và phát triển gắn liền với tên gọi của địa phương (ấp 5 Vườn trầu).

Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã Trầu Vàng, xã Vị Thủy, cho biết HTX có 22 thành viên, canh tác tổng cộng 16ha. Tính chung toàn xã Vị Thủy có khoảng 32ha trồng trầu. Làng nghề truyền thống trồng trầu được UBND tỉnh Hậu Giang công nhận năm 2019. Ở xã Vị Thủy, trầu là cây trồng chủ lực, tập trung chủ yếu ở ấp 5, ấp 7 và ấp 8 với khoảng 200 hộ theo nghề.

“Trầu của HTX chủ yếu xuất lá tươi đi Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Loan (Trung Quốc)… Nhằm đa dạng thị trường đầu ra cho lá trầu, một số đơn vị có hướng nghiên cứu chiết xuất tinh dầu từ trầu, đặc biệt là phát triển du lịch. Nếu có khách du lịch và những sản phẩm chiết xuất từ trầu thì đời sống người dân sẽ ổn định hơn”, ông Nguyễn Văn Đời thông tin.

Đến tích hợp nhiều giải pháp

Theo báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vị Thủy giữa nhiệm kỳ, cho thấy về nông nghiệp, địa phương tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng bộ, đã đầu tư 61 công trình thủy lợi. Trong đó, xây dựng cống hở là 27 cái; nạo vét 34 con kênh; diện tích khép kín mới 373ha/100ha đạt 373%... Qua đó, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, kinh tế tập thể từng bước phát triển và hoạt động có hiệu quả, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác và mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã tác động tích cực đến sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho thành viên. Toàn huyện hiện có 30 hợp tác xã (27 hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp, 3 hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp); 40 tổ hợp tác; 5 kinh tế trang trại; 1 làng nghề truyền thống trồng trầu tại ấp 5, xã Vị Thủy; 1 làng nghề đan đát tại ấp 10, xã Vị Thắng. Xây dựng nhiều mô hình sản xuất thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, hoạt động kinh tế hợp tác với nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và phát triển kinh tế hộ gia đình làm tiền đề phát triển mô hình liên hiệp hợp tác xã.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Bí thư Huyện ủy Vị Thủy, cho biết: Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với địa phương tập trung xây dựng nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Từ đó, góp phần đưa các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP ra thị trường. Huyện có 18 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao.

“Hướng tới, cơ quan chức năng của huyện tập trung phối hợp với Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức hỗ trợ HTX nông nghiệp xây dựng cơ sở sơ chế biến sản xuất. Đồng thời, thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản; chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý đồng bộ theo chuỗi; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn và kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi liên kết; hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm; liên kết, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường”, ông Nguyễn Thanh Phong thông tin.

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Vị Thủy, để hỗ trợ bà con nông dân, ngành chuyên môn địa phương sẽ cập nhật thông tin và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện lên website kinh tế tập thể của tỉnh; tham gia các sàn thương mại điện tử; kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Hy vọng với sự chung tay, vào cuộc của lãnh đạo địa phương và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi của nông dân Vị Thủy, thời gian tới, những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả sẽ ngày càng được nhân rộng, góp phần cùng tỉnh thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới, tiến tới một nền nông nghiệp sạch và bền vững, thân thiện môi trường.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>