Điều dưỡng ở Hậu Giang thấp hơn bình quân cả nước: Rào cản nâng chất lượng các cơ sở y tế

13/03/2024 | 09:50 GMT+7

“Một bệnh nhân, từ khi bắt đầu vào viện và suốt quá trình điều trị đến khi thực hiện thủ tục ra viện, đều có bàn tay chăm sóc của điều dưỡng”, quan trọng là vậy nhưng hiện nay nguồn nhân lực điều dưỡng đang thiếu ở hầu hết các cơ sở y tế của tỉnh. Đây là rào cản nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân ở các bệnh viện, trung tâm y tế.

Bài 1: Có nơi chỉ đáp ứng hơn 60% nhu cầu

Số liệu báo cáo mới nhất của Sở Y tế tỉnh, Hậu Giang đạt 10,56 điều dưỡng/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung cả nước là 15 điều dưỡng/10.000 dân, cá biệt một số nơi tình trạng thiếu nghiêm trọng.

Hầu hết bệnh viện, trung tâm y tế đều thiếu điều dưỡng.

Vừa thiếu, lại vừa lo điều dưỡng bỏ việc

Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A có quy mô 160 giường bệnh nhưng chỉ có 40 điều dưỡng. Theo ông Lê Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, cho biết: “Trung tâm đang thiếu rất nhiều điều dưỡng, đã đề xuất Sở Y tế tỉnh bổ sung thêm 20 điều dưỡng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, điều trị tốt hơn cho bệnh nhân, chúng tôi cần 60 điều dưỡng”.

Như vậy, với số lượng điều dưỡng như hiện nay, cơ sở này chỉ đáp ứng trên 60% nhu cầu. Thêm vào đó, là nỗi lo lực lượng điều dưỡng bỏ việc trong khi đang rất thiếu. Ông Khởi thông tin thêm: “Từ năm 2020 đến nay, trong 17 trường hợp nghỉ việc có 4 điều dưỡng”.

Tương tự, tại Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy cũng thiếu nhiều điều dưỡng. Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Giám đốc Trung tâm, cho hay: “Trung tâm có 46 điều dưỡng, chúng tôi mong muốn nhận thêm 27 điều dưỡng nữa mới đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn”. Như vậy, Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy cần thêm khoảng 37% nhân lực điều dưỡng. Con số này không nhỏ khi thực tế hiện tại các cơ sở y tế rất khó tuyển nguồn nhân lực điều dưỡng.

Không chỉ tuyến huyện, bệnh viện tuyến tỉnh cũng thiếu điều dưỡng phục vụ. Bà Huỳnh Thị Kim Khơi, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho hay: “Bệnh viện đang có 173 điều dưỡng nhưng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chúng tôi cần có 202 điều dưỡng. Nhưng thời gian qua, bệnh viện vừa khó khăn thu nhận điều dưỡng và giữ chân điều dưỡng, không ít trường hợp chuyển sang cơ sở khác làm việc vì nhiều lý do”.

Vấn đề hiện nay của các bệnh viện, trung tâm y tế là vừa khó tìm nguồn điều dưỡng mới và cần có giải pháp giữ chân điều dưỡng công tác lâu dài để khắc phục thực trạng thiếu.

Theo thống kê mới nhất của Sở Y tế tỉnh, tại 11 cơ sở bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh của tỉnh hiện có gần 600 điều dưỡng và nhu cầu bổ sung thêm 117 điều dưỡng để phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân.

Không thể làm tròn chuyên môn

Mỗi ngày, điều dưỡng nhận y lệnh của bác sĩ và thực hiện trên bệnh nhân, thực hiện thuốc cho người bệnh, theo dõi sát lấy dấu hiệu sinh tồn, hỏi thăm tình hình sức khỏe của người bệnh, ghi bệnh án, nhận bệnh nhập viện, làm thủ tục ra viện. Tình trạng thiếu điều dưỡng khiến nhiều nhiệm vụ chưa được thực hiện tốt.

Tại các cơ sở y tế, khoảng 70% công việc do điều dưỡng thực hiện. Ông Đỗ Văn Mới, Phó phòng Kế hoạch, nghiệp vụ điều dưỡng, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Điển hình tại khoa nội thiếu nhiều nhất, hiện tại chỉ có 12 điều dưỡng (trong đó hợp đồng 3 người) nhưng đang nghỉ hậu sản 1 người, mỗi ngày có các điều dưỡng ra trực, ra bù thì còn 8 điều dưỡng thực hiện nhiệm vụ ở khoa. Mỗi người chăm sóc trên 10 bệnh nhân, nhưng để có thể chăm sóc tốt thì mỗi người chỉ chăm sóc khoảng 6-8 bệnh nhân, mới có thời gian chăm sóc, thăm hỏi, quan tâm giải đáp thắc mắc của người bệnh, tăng sự hài lòng và hiệu quả chăm sóc”.

Thiếu người, nên điều dưỡng khoa ưu tiên thời gian làm việc hành chính, thời gian tiếp xúc trò chuyện, tư vấn bệnh nhân giảm lại, đôi khi không thực hiện được.

Cùng chung tình trạng này, ông Nguyễn Văn Toàn, điều dưỡng Trưởng khoa Nội thần kinh, hô hấp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Tại khoa có 10 điều dưỡng, mỗi ngày có 2 điều dưỡng ra trực, 2 làm hành chính, chỉ còn 6 điều dưỡng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh, trong khi lượng bệnh ở khoa luôn vượt chỉ tiêu giường bệnh thực kê. Những lúc cao điểm vượt trên 120% như tháng 1 vừa qua. Điều dưỡng ở khoa rất khó xin nghỉ phép, hầu như không được nghỉ đủ phép hàng năm. Có những ngày điều dưỡng đã được xếp lịch trực có việc đột xuất buộc điều dưỡng trực hôm trước phải ở lại hỗ trợ thêm buổi sáng mới được về”.

Việc không đủ điều dưỡng không chỉ thiếu thực hiện phần tư vấn, trò chuyện mà con gây sự chờ đợi của bệnh nhân.

Nhiều thời điểm bệnh nhân cần điều dưỡng đến gọi nhưng điều dưỡng đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân khác nên buộc phải chờ, việc chăm sóc chưa thể kịp thời, nhanh chóng, đôi khi bệnh nhân không hài lòng, thậm chí phản ứng mạnh.

 Trong khi đó, áp lực công việc nhiều đôi lúc ảnh hưởng đến thái độ chăm sóc của điều dưỡng, chưa thật sự chu đáo, niềm nở. Thực tế cho thấy thiếu nhân lực điều dưỡng rất khó để nâng chất lượng phục vụ tốt nhất, chưa thể thực hiện hết nhiệm vụ chuyên môn.

Điều dưỡng là cán bộ y tế theo suốt bệnh nhân từ khi vào viện đến ra viện, thực hiện khoảng 70% công việc trong quá trình điều trị bệnh nhân. Vì vậy, để nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, tạo niềm tin của người bệnh với các cơ sở y tế của tỉnh cần có những giải pháp bổ sung đầy đủ lực lượng điều dưỡng và cần giữ chân được lực lượng này công tác ở các cơ sở y tế công lập.

Theo thống kê mới nhất của Sở Y tế tỉnh, tại 11 cơ sở bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh của tỉnh hiện có gần 600 điều dưỡng và nhu cầu bổ sung thêm 117 điều dưỡng để phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

------------

Bài 2: Nên có chính sách đặc thù, thu hút riêng ?

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>