Bệnh tay - chân - miệng giảm nhưng có chủng vi-rút lưu hành cực kỳ nguy hiểm

19/06/2023 | 08:17 GMT+7

Tình hình dịch tay - chân - miệng những tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên, đáng quan ngại khi chủng vi-rút EV71 đang lưu hành gây bệnh ở các tỉnh phía Nam, có động lực mạnh, dễ chuyển nặng và tử vong.

Trẻ cần được khám, phát hiện và điều trị sớm nếu mắc bệnh tay - chân - miệng.

EV71 có động lực mạnh, dễ chuyển nặng và tử vong

Theo ông Võ Chí Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: “Từ đầu năm đến ngày 14-6, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 113 ca bệnh tay - chân - miệng, giảm 16 so với cùng kỳ năm 2022. Chưa ghi nhận ca bệnh tay - chân - miệng tử vong. Bệnh xảy ra ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố, trong đó thành phố Vị Thanh và huyện Phụng Hiệp có số mắc cao nhất lần lượt là 24 và 21 ca, thấp nhất là huyện Long Mỹ với 5 ca và thành phố Ngã Bảy 6 ca.

Song, không vì tình hình dịch giảm mà chủ quan, lơ là với căn bệnh này. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thông tin: “Theo Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chủng Enterovirus 71 (EV71) đang lưu hành ở các tỉnh khu vực phía Nam qua xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm. Chủng này động lực rất mạnh, có thể gây biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, dễ chuyển nặng nguy kịch và tử vong. Hiện nay, dịch giảm nhưng không chủ quan, chúng tôi chỉ đạo các cơ sở y tế không lơ là trong điều trị cho trẻ”.

Ghi nhận tại các cơ sở y tế có rất ít bệnh nhi mắc tay - chân - miệng đang nằm viện điều trị, nhưng có những ca bệnh có dấu hiệu chuyển độ nặng hơn đã được chủ động chuyển tuyến trên điều trị. Bác sĩ Trần Kỷ, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Tính đến sáng ngày 16-6, khoa chỉ còn 2 ca bệnh tay - chân - miệng, nhưng có một bệnh nhi qua theo dõi có các dấu hiệu dự báo chuyển độ 2b, chúng tôi đã liên hệ và chuyển bệnh nhi đến điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Do bệnh tay-chân- miệng diễn biến rất nhanh nên cần theo dõi sát, nếu có dấu hiệu nguy cơ chuyển độ nặng hơn chúng tôi chủ động chuyển viện sớm. Các bệnh viện tuyến cuối có đầy đủ điều kiện trang thiết bị, thuốc để điều trị bệnh để đảm bảo an toàn cho trẻ”.

Khâu phòng bệnh chưa được gia đình quan tâm nhiều

Ông Võ Chí Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trăn trở: “Nguyên nhân dịch bệnh tay - chân - miệng lưu hành tại tỉnh là do khâu phòng bệnh chưa được gia đình quan tâm nhiều. Đối với bệnh này, việc rửa tay bằng xà phòng thường xuyên với nước sạch có ý nghĩa rất lớn, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ giúp phòng, chống dịch hiệu quả. Không ai làm tốt hơn điều này ngoài bản thân của mỗi gia đình, phải ý thức được và tự giác thực hành để bảo vệ sức khỏe cho người thân trong gia đình và cả cộng đồng, góp phần thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh: “Vì sao thời điểm dịch Covid-19 dịch bệnh tay - chân - miệng giảm? Chính vì chúng ta thường xuyên sát khuẩn tay, rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh cho trẻ tốt. Đối với đồ chơi của trẻ nếu không vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, khi trẻ mắc bệnh chơi, đến trẻ khác chơi sẽ dễ lây nhiễm bệnh tay - chân - miệng. Khi chúng ta không thực hiện thường xuyên việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ chơi của trẻ, vật dụng nơi ở, vệ sinh môi trường sẽ tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi cho bệnh lây lan. Ngành sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về các biện pháp phòng bệnh tay - chân -miệng để chủ động phòng bệnh và biểu hiện, các triệu chứng, đường lây và sự nguy hiểm của bệnh, những dấu hiệu nhận biết trẻ chuyển nặng để chủ động nhận biết sớm và đưa đi điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trẻ nhập viện muộn. Chỉ đạo các cơ sở y tế không chủ quan, lơ là trong điều trị bệnh, theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để điều trị hiệu quả. Quan tâm tập huấn cho cán bộ y tế ở xã, các trường mẫu giáo, nhà trẻ tự phát để chủ động phòng dịch. Đồng thời, cũng sẽ tập huấn cho cán bộ y tế ở các phòng khám tư nhân để lưu ý khi chẩn đoán bệnh”.

Nâng cao năng lực điều trị bệnh tay - chân – miệng

 

Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế  vừa tổ chức tập huấn trực tuyến Tăng cường công tác điều trị bệnh tay - chân - miệng cho ngành y tế 31 tỉnh, thành trong cả nước. Các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện của tỉnh đã dự tập huấn.

Qua hội nghị tập huấn, các y, bác sĩ bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã được nghe các bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị bệnh tay - chân - miệng, đặc biệt chỉ ra những nguyên nhân liên quan dẫn đến tử vong ở bệnh nhân mắc tay - chân - miệng, như do nhập viện trễ; không nhận ra dấu hiệu nặng, chuyển độ; xử trí chưa thích hợp; chuyển viện không an toàn. Với 4 vấn đề đặt ra, các y, bác sĩ đã đưa ra các hướng xử trí nhằm điều trị hiệu quả, giảm thấp nhất tử vong ở trẻ bệnh tay - chân - miệng.

Theo các bác sĩ, các dấu hiệu gợi ý khả năng có biến chứng, như: Sốt cao khó hạ, sốt trên 390C, sốt trên 2 ngày; ói nhiều, như nhợn ói, ói không kèm tiêu chảy, ói không sau ho; số lượng sang thương da; hoảng hốt, quấy khóc;…

Ngoài ra, các bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương cũng chia sẻ các bệnh án từ thực tế điều trị cho thấy bệnh tay - chân - miệng diễn tiến rất nhanh, chỉ trong vài giờ, cần nhận biết sớm dấu hiệu chuyển độ, điều trị kịp thời, để giảm tử vong ở trẻ mắc bệnh này.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>