Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL đạt mức cao hơn bình quân chung của cả nước

22/04/2022 | 16:41 GMT+7

Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa tổ chức tổ Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 qua hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ giúp vùng ĐBSCL phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế đang có.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị.

Vùng ĐBSCL là vùng cực Nam của Tổ quốc - một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước. Vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới, đồng thời, trong vùng cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thuỷ triều…

Tuy nhiên, việc phát triển của vùng ĐBSCL thời gian qua còn nhiều hạn chế. Đó là tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng; GRDP bình quân đầu người còn thấp; công nghiệp còn phụ thuộc quá lớn vào ngành chế biến thực phẩm và đồ thủ công mỹ nghệ; công nghiệp công nghệ cao phát triển chậm; tỷ trọng xuất khẩu ngày càng giảm dần…

Từ thực tế trên, nhiều giải pháp đồng bộ, căn cơ sẽ được triển khai thực hiện để vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới...

Cần tăng cường liên kết vùng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển vùng ĐBSCL. Mặc dù đã có sự quan tâm nhưng thực trạng về sự liên kết vùng của vùng ĐBSCL thời gian qua còn tồn tại khá nhiều hạn chế. Để thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị, nhằm thúc đẩy liên kết phát triển vùng ĐBSCL lên tầm cao mới, các tỉnh cần chú trọng thực hiện các nội dung liên kết vùng, bám sát các mục tiêu liên kết vùng theo quy hoạch đã được phê duyệt, nhằm chuyển đổi từ sự phát triển phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung liên kết và thông qua các chuỗi liên kết sản xuất. Công tác lập quy hoạch của mỗi tỉnh phải đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, không để xảy ra xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các tỉnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung ương sẽ tiếp tục hoàn thiện về thể chế, cơ chế chính sách về điều phối phát triển liên kết vùng ĐBSCL, trọng tâm là rà soát sửa đổi, bổ sung xây dựng các thể chế một cách đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương trong liên kết vùng ĐBSCL. Trong đó, trên cơ sở huy động các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành, địa phương sẽ thành lập các tiểu vùng như: Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tiểu vùng ven biển phía đông, Tiểu vùng tứ giác Long Xuyên, Tiểu vùng bán đảo Cà Mau, qua đó để tận dụng hết các tiềm năng, thế mạnh của các tiểu vùng; đồng thời tăng cường hoạt động điều phối, giám sát, giải quyết xung đột lợi ích giữa các vùng, nhất là trong việc khai thác, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quang cảnh tại điểm cầu Tỉnh ủy Hậu Giang.

Còn Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong 5 loại hình vận tải thì ĐBSCL thiếu loại hình đường sắt, 4 loại hình còn lại chỉ đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân nhưng không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Điều đáng mừng là trong nhiệm kỳ này Đảng và Nhà nước rất quan tâm phát triển vùng ĐBSCL, trong đó có lĩnh vực giao thông.

Cụ thể, trong 5 năm tới, nếu thực hiện đúng theo kế hoạch thì toàn vùng sẽ có hơn 400km đường cao tốc, tăng gấp 10 lần so với hiện nay. Đường rộng, vận chuyển hàng hóa thuận lợi là cơ hội để các tỉnh trong vùng thu hút được các nhà đầu tư. Hiện tại, trong vùng có một số cảng nhưng công suất nhỏ, do đó Bộ Giao Thông Vận tải đang nghiên cứu xây dựng phát triển cảng Trần Đề ở Sóc Trăng với công suất lớn nhằm giúp việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu lên thực trạng đáng trăn trở khi vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp của quốc gia nhưng thu nhập của người nông dân còn thấp. Nhận diện thực trạng này, các địa phương trong vùng đã mạnh dạn thí điểm điều chỉnh, đổi mới mô hình canh tác như: lúa – tôm; chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng đa canh, xen canh; nuôi tôm dưới tán rừng; làm dịch vụ du lịch, ẩm thực trên cánh đồng lúa. Qua đó giúp nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên sống khỏe hơn, thu nhập cao hơn.

Ông Lê Minh Hoan cho biết, sông Cửu Long có 9 cửa, 2 dòng, nguồn nước sông Tiền, sông Hậu dồi dào, đất đai màu mỡ tạo nên thương hiệu vùng đất trù phú và hào sảng, nhưng đấy là chuyện của những ngày đã qua. Bởi, hiện tại, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, suy giảm tài nguyên nguồn nước, một số cửa sông bị bồi lắng, dòng chảy bị tác động nhiều bởi các công trình đặp nước, hồ chứa ở thượng nguồn đã gây ra hệ lụy sụt lún, sạt lở, liên tục gửi đi hàng loạt cảnh báo đáng lo ngại về những ngày cuối của dòng MêKông hùng vĩ.

Xác định tính cấp thiết của thách thức này, Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị nhấn mạnh đến quan điểm phát triển vùng là lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, không chỉ giới hạn ở nước ngọt mà còn nước lợ, nước mặn. Trong đó, các công trình thủy lợi trong vùng sẽ tiếp tục được khai thác hiệu quả, tổ chức quản lý vận hành thống nhất, an toàn, phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Ông Lê Minh Hoan tin tưởng rằng một khi hệ thống giao thông thuận lợi thì nông sản sẽ đến với thị trường nhanh hơn, sức cạnh tranh hàng hóa sẽ cao hơn; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở vùng ĐBSCL sẽ ngày một nhiều hơn.

“Tuy nhiên, dù hạ tầng được đầu tư đến mức nào đi nữa nhưng nếu không giải quyết thỏa đáng những vấn đề tồn tại của vùng nguyên liệu, thiếu sự liên kết bền chặt, tình hình mất cân đối cung cầu nông sản thì nông nghiệp của vùng cũng sẽ khó phát triển như kỳ vọng. Chỉ khi nào hàng hóa nông sản của người dân đến được thị trường một cách thông suốt, đáp ứng được yêu cầu của thị trường với mức giá cạnh tranh, chi phí sản xuất tối ưu thì nông nghiệp vùng ĐBSCL mới giải quyết “lời nguyền” được mùa, mất giá”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vùng ĐBSCL thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là “Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc”, cửa ngõ phía tây nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn và tiềm năng, lợi thế to lớn cho phát triển cần được khai thác có hiệu quả hơn trên cơ sở tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị.

Để tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, toàn vùng, từng địa phương trong vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Cần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các địa phương trong vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm, trung bình chủ nghĩa; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác”.

Đồng thời vùng cần tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn, giàu có, trù phú hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn bình quân chung của cả nước.

Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành, triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng.

Xây dựng, tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; hình thành được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng.

Vùng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi cực Nam của Tổ quốc.

Tổng Bí thư yêu cầu ngay sau hội nghị này, căn cứ vào nghị quyết, kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh.

Ban cán sự đảng Chính phủ cần chỉ đạo, khẩn trương xây dựng, ban hành chương trình hành động triển khai nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của nghị quyết, bảo đảm sát hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng. Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng cần cụ thể hóa nghị quyết và chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao…

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>