Lòng quả cảm, nhân văn của bộ đội ta trong kháng chiến chống Mỹ

29/04/2022 | 08:21 GMT+7

Thành phố Vị Thanh ngày nay là một trong các địa phương giải phóng cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngoài mốc thời gian đặc biệt thì vùng đất này còn lưu dấu mãi lòng kiên cường, quả cảm, nhân văn của biết bao người lính cách mạng đã mang về thắng lợi hoàn toàn vào sáng ngày 1-5-1975.

Với thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Bùi Tiến Kiệt vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.

Cách nay 47 năm, thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về tổng công kích, tổng khởi nghĩa tháng 4-1975, Vị Thanh kịp thời, ráo riết chuẩn bị kế hoạch giải phóng thị xã. Dù lực lượng quân sự, chính trị của ta lúc này thêm lớn mạnh nhưng bộ máy quân sự, hành chính của địch tại Vị Thanh còn đông đảo, bố trí phòng thủ dày đặc, có xe tăng án ngữ. Tuy nhiên, trên tinh thần tiến công, các lực lượng vũ trang quân khu tỉnh Cần Thơ, địa phương quân huyện Long Mỹ, đội biệt động, đội an ninh và các đội du kích thị xã Vị Thanh, cùng hàng ngàn quần chúng sẵn sàng nổi dậy.

Trận chiến ác liệt trước ngày giải phóng

Khi nhắc đến thời khắc những ngày cuối tháng 4 lịch sử của 47 năm trước, ông Bùi Tiến Kiệt, 66 tuổi, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, bồi hồi kể lại rằng: “Lúc đó, tôi được tăng cường về Tiểu đoàn Quyết Thắng 2, lực lượng an ninh vũ trang của tỉnh chuẩn bị đánh vào tiểu khu của địch. Những trận đánh này luôn ác liệt lắm, bởi lính ngụy còn lại nơi đây đều thuộc dạng ác ôn nên bọn chúng kháng cự dữ dội. Nhất là tên đầu sỏ đại tá Hồ Ngọc Cẩn, tỉnh trưởng Chương Thiện thời bấy giờ”.

Trong số những trận đánh ác liệt đó, ông Kiệt nhớ mãi trận đánh cặp Hồ Sen. Bởi lúc này, ông cùng đồng đội mũi 2 đang tiến công ngoài lộ đá lởm chởm thì bất ngờ khẩu đại liên trong tiểu khu của địch bắn xuống dữ dội mà theo ông không thể nào chạy tiếp trên lộ được. Vì vậy, mũi trưởng 2 lệnh lực lượng phải phóng xuống Hồ Sen để tránh đạn kịp thời. Sau khi mũi 1 bắn hủy chiếc xe tăng của địch, nhưng lực lượng mũi 2 của ông vừa xong lên cách lô cốt địch khoảng 40m thì bên trong có đến 2, 3 khẩu AR15 chỉa thẳng ra bắn liên hồi đến nỗi cả mũi 2 không một ai có thể ngốc đầu lên.

“Do vậy, mũi trưởng 2 lệnh lực lượng phải lên hủy diệt mục tiêu ngay, không thể chậm trễ được, nên tôi cũng phóng lên theo mũi trưởng và nằm dưới gốc dừa hỗ trợ cầm khẩu B40 bắn ngay lô cốt, buộc địch quăng áo thun trắng ra hàng. Khi tiến vào lô cốt, ta bắt sống nhiều tên địch, trong đó có nhiều tên bị thương, được ta cho y tá băng bó; số còn lại 3, 4 tên đều đã chết. Rồi lực lượng ta tiếp tục tiến đánh vô trường học. Lúc này, đang đứng dưới tán cây bã đậu, bỗng trái cối từ tàn cây nổ, tôi bị thương và được đồng đội băng bó xong và đưa vào lô cốt tạm trú ẩn”, ông Kiệt kể tiếp.

Cũng theo lời ông Kiệt, mặc dù đại liên trên tiểu khu địch bắn thẳng xuống dữ dội, lực lượng mũi 2 đang trú ẩn trong lô cốt nếu lọt ra sẽ bị bắn gục ngay. Thế nhưng, ông cùng đồng đội buộc phải tranh thủ từng phút, từng giây để lòn ra phía sau đánh tới, vì khi đó, lực lượng mũi 1 đã đánh vô tiểu khu rồi. Lúc này, khẩu 12 ly 8 của trung đoàn ta chi viện lên tiếp ứng kịp. Sau khi ráp xong khẩu súng này, người của ta hy sinh hết 2. Ngoài khẩu 12 ly 8 còn có cả B40, 41 của lực lượng ta bắn chi viện vào nên buộc địch trong tiểu khu phải quăng áo thun trắng ra hàng.

Nhờ những trận đánh giành thắng lợi quyết định trước đó nên đến chiều ngày 30-4-1975, Đài Phát thanh Cần Thơ đã phát đi hiệu triệu của Ủy ban khởi nghĩa, kêu gọi binh sĩ ngụy buông súng, nên tinh thần bọn địch ở Vị Thanh gần như hoang mang, rệu rã. Đúng 5 giờ sáng ngày 1-5-1975, các cánh quân của ta đồng loạt nổ súng, tấn công vào thị xã theo nhiều hướng. Đến 9 giờ 30 phút, ngày 1-5-1975, ta giải phóng hoàn toàn thị xã Vị Thanh, góp phần hoàn thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng tỉnh Cần Thơ, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975.    

Và sự khoan hồng, độ lượng của chế độ ta

Nhớ lại thời khắc được cùng đồng đội tham gia hỗ trợ lực lượng quân chủ lực của ta giải phóng thị xã Vị Thanh, ông Phạm Văn Hùng, 72 tuổi, ở ấp Tư Sáng, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết, lúc đó, ông là cán bộ của Trại an dưỡng tỉnh Cần Thơ, được lệnh phân công theo đoàn làm nhiệm vụ hậu cần, phục vụ lãnh đạo trung đội. Khi trung đội ông đến nơi đây vào sáng sớm ngày 1-5, quân ta đã bao vây hoàn toàn tiểu khu Chương Thiện. Chỉ trong thời gian ngắn, quân ta bắt sống đại tá Hồ Ngọc Cẩn, rồi tràn vào chiếm dinh tỉnh trưởng.

“Bấy giờ, tư tưởng quân lính ngụy đều hoang mang, hết tinh thần chiến đấu. Tuy nhiên, để tránh thương vong, bắn giết lẫn nhau, lực lượng ta cố gắng kêu gọi địch đầu hàng. Nhờ vậy, khi tiến vào tiếp quản dinh tỉnh trưởng, quân ta chủ yếu là áp giải, bắt giữ địch sau này cho học tập, cải tạo và chỉ bắn hạ một số tên ngoan cố, tử thủ. Còn người dân xung quanh vừa thấy bộ đội ta tiến vào thì họ rất vui mừng, chào đón nhiệt tình. Mặc dù trước đó, bọn chúng tuyên truyền trong dân rằng bộ đội ta tiến vào sẽ bắn phá, giết hại dã man để trả thù thế này, thế nọ thì tôi không biết”, ông Hùng hồi tưởng.

Không chỉ trận chiến cuối cùng, tiến vào chiếm dinh tỉnh trưởng Chương Thiện mà suốt thời gian dài tham gia kháng chiến chống Mỹ, không ít lần đối mặt với cái chết trong gang tấc, nhưng những người lính cách mạng kiên trung, quả cảm như ông Hùng, ông Kiệt luôn có lòng cư xử nhân văn, nhân đạo với kẻ thù. “Trong chiến đấu sẽ không tránh khỏi cảnh bắn giết lẫn nhau. Song, đôi khi ta bắt sống hay địch đã buông súng đầu hàng thì mình còn bắn làm chi nữa”, ông Hùng tâm niệm.

“Thực sự do căm thù giặc nên tôi mới trốn gia đình tham gia du kích địa phương lúc 14 tuổi. Rõ ràng, khi xung trận thì buộc lòng phải bắn hạ kẻ thù; còn địch đầu hàng rồi thì mình cũng phải đối xử, băng bó vết thương cho đàng hoàng. Tôi nghĩ nếu Hồ Ngọc Cẩn không quá ác ôn thì cách mạng ta đâu xử bắn hắn làm gì. Bởi chế độ ta, cách mạng ta rất khoan hồng, độ lượng. Minh chứng cho điều đó là tất cả lính ngụy bình thường sau ngày giải phóng, đều được chế độ ta đưa đi học tập, cải tạo xong rồi cho trở về sinh sống với gia đình”, ông Kiệt bày tỏ.

Vậy nên, thỉnh thoảng gặp lại những người lính ngụy năm xưa, ông Kiệt vẫn ứng xử bình thường. Thậm chí gọi họ bằng anh khi ông gặp người lớn tuổi hơn mình. Bởi theo ông, chuyện cũ vốn dĩ đã qua 47 năm nay rồi, giờ nhắc lại đâu còn ý nghĩa gì. “Nói thẳng là Tổ quốc ai nấy thờ. Nếu họ đi sai con đường đã chọn thì họ sẽ có tội với nước, với dân”, ông Kiệt khẳng định.

Với những cống hiến to lớn trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Bùi Tiến Kiệt, vinh dự được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì và ông Phạm Văn Hùng vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>