Đích đến chính quyền điện tử thêm gần

02/02/2022 | 15:35 GMT+7

Không ít ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin, thích ứng xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được Tỉnh đưa vào vận hành, khai thác gần đây cho thấy Hậu Giang tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, thể hiện khát vọng sớm xây dựng thành công chính quyền điện tử.

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang.

Hiện thực hóa những khát vọng đó, hàng loạt các nhiệm vụ, dự án, ý tưởng liên quan đến công nghệ thông tin được triển khai trên địa bàn. Nổi bật là triển khai hệ thống thư điện tử; ứng dụng cổng dịch vụ công trực tuyến; xây dựng hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của Tỉnh; app Hậu Giang, hệ thống quản lý văn bản điều hành… Tất cả đang từng bước làm thay đổi phương thức quản lý của chính quyền, tạo cầu nối hiệu quả hơn đến người dân, doanh nghiệp.

Đột phá trong sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo

- Kính chào quý ông/bà!

- Đây là tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công tỉnh Hậu Giang, xin hỏi quý ông/bà cần giải đáp dịch vụ nào ạ!”, giọng nữ tổng đài viên nhẹ nhàng tiếp chuyện khi anh Trần Văn Níc, ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, gọi điện đến số: 1900 86 68 95 vào tối của một ngày gần cuối năm.

Nữ tổng đài viên vừa dứt lời, anh Níc nói:

- Tôi cần biết thông tin về thủ tục “đăng ký kinh doanh hộ cá thể”.

Ngay lập tức, nữ tổng đài viên đáp:

- Vâng, để đăng ký thành lập hộ kinh doanh, ông/bà nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND cấp huyện hoặc qua hệ thống bưu chính. Thời gian giải quyết là 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Lệ phí thực hiện thủ tục là 50.000 đồng.

Cán bộ trực tiếp giám sát tại Trung tâm giám sát, điều  hành đô thị thông minh tỉnh.

- Ông/bà có muốn nghe tiếp hướng dẫn về trình tự thực hiện không ạ?

Cứ thế, mọi thắc mắc về thủ tục này của anh Níc đều được nữ tổng đài viên tự động giải đáp cặn kẽ.

“Hay thật, tuy là giải đáp tự động nhưng chưa đầy 3 phút mà mọi thắc mắc của tôi về trình tự các bước thực hiện, từng loại giấy tờ kèm theo, nơi tiếp nhận và trả kết quả, phí, lệ phí, thời gian giải quyết hồ sơ đều được tổng đài giải đáp cụ thể”, anh Níc tâm đắc kể về cuộc gọi này và cho rằng: “Có tốn cước phí chút ít, song chẳng đáng là bao so với việc chúng tôi phải mất công sức đi lại nhiều lần bổ sung hồ sơ nếu như thiếu giấy tờ cần thiết theo quy định”.

Cũng đúng thôi, bởi kinh nghiệm đôi lần liên hệ giải quyết hồ sơ hành chính giúp người thân, anh Níc tin chắc nếu không gọi tổng đài hoặc nhờ cán bộ chuyên môn hướng dẫn thì việc đăng ký thủ tục thành lập hộ kinh doanh như thế này không khéo sẽ bị thiếu sót. “Thực lòng mà nói, tỉnh ta gần đây đưa vào vận hành những dịch vụ mang tính tiện ích cao như tổng đài giải đáp tự động rất có lợi cho người dân chúng tôi”, anh Níc tâm sự.

Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công.

Việc sớm vận hành tổng đài: 1900 86 68 95 vào tháng 4 năm 2021, Hậu Giang là Tỉnh đầu tiên trên toàn quốc đưa ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào phục vụ cho tổ chức, cá nhân. Do hoạt động hoàn toàn tự động 24/24 giờ nên không cần đến con người vận hành, đáp ứng đồng thời 6.000 cuộc gọi cùng một thời điểm. Chỉ cần điện thoại có chức năng nghe gọi, người dân có thể gọi tổng đài tìm hiểu các thông tin liên quan dịch vụ công bất kể thời điểm nào và ở bất cứ đâu.

Điểm cộng nữa là dựa trên nền tảng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) nên tổng đài có thể hiểu được nội dung mà người gọi muốn truyền tải trong quá trình giao tiếp và tự động cải tiến hệ thống liên tục từ chính những tình huống thực tế. Với khả năng vượt trội về xử lý ngôn ngữ giúp giọng nói tự động đạt tới mức độ tự nhiên giống đến 96% giọng người thật, nhận diện được cảm xúc của người nói, các từ, loại từ, sắc thái… phân tích, xử lý và trả lời người hỏi trong thời gian nhanh nhất.

Người dùng điện thoại di động thông minh dễ dàng tiếp cận các tiện ích trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin mang lại.

Chia sẻ về tính năng tiện ích từ tổng đài giải đáp tự động này, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, khẳng định, đây là công nghệ mới mà tỉnh đã triển khai, giải đáp cho tất cả những thủ tục hành chính ở 3 cấp chính quyền chứ không riêng của trung tâm. Hiện có khoảng 300 thủ tục hành chính từ cấp tỉnh, cấp huyện cho đến cấp xã đã sẵn sàng được đưa vào tổng đài để phục vụ giải đáp cho người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu.

Chính quyền và người dân dễ dàng kết nối hơn

Đâu chỉ tổng đài giải đáp tự động mà người dân và doanh nghiệp ngày càng tiếp cận được các dịch vụ tiện ích trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tỉnh nhà mang lại.

Người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính mức độ 3, 4 trực tuyến thông qua cổng dịch vụ công của tỉnh tại nhà.

Cổng dịch vụ công trực tuyến từ địa chỉ website http://dichvucong.haugiang.gov.vn là một trong số dịch vụ tiện ích đó dần được mọi người sử dụng, đánh giá cao ở tính năng hỗ trợ giải quyết hồ sơ, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính.

Thông qua cổng, người dân trực tiếp tra cứu thông tin tất cả các thủ tục hành chính đang có hiệu lực, tự thiết lập tài khoản đăng nhập cho mình, tự tạo hồ sơ điện tử và nộp cho bất kỳ cơ quan hành chính nào muốn giao dịch.

Đặc biệt, với các dịch vụ công mức độ 4, người dân có thể thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính của từng hồ sơ bằng tài khoản ngân hàng, ví điện tử... Kết quả giải quyết hồ sơ sẽ được dịch vụ bưu chính công ích chuyển đến tận nhà nếu công dân có nhu cầu.

Nhiều việc cuối năm, lại thêm gia cảnh đơn chiếc nên anh Lê Tấn Lợi, ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, vào cổng dịch vụ công Hậu Giang làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến.

Ngoài nộp trực tuyến, người dân cũng có thể chọn dịch vụ chuyển kết quả giải quyết hồ sơ về tận nhà thông qua bưu điện.

Từ điện thoại thông minh của mình, anh truy cập website http://dichvucong.haugiang.gov.vn rồi tìm đến thủ tục phiếu lý lịch tư pháp và được hướng dẫn điền mẫu đơn, chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết. Sau khi hoàn thành hồ sơ, anh nộp trực tuyến và chọn dịch vụ chuyển kết quả giải quyết hồ sơ về tận nhà.

“Trình tự thủ tục các thứ tôi đều thao tác trên điện thoại và chuyển khoản lệ phí dịch vụ qua số tài khoản ngân hàng mà đơn vị tiếp nhận hồ sơ cung cấp. Ít ngày sau, kể từ lúc tôi nhận tin nhắn thông báo hồ sơ hợp lệ là phiếu lý lịch tư pháp của tôi về đến nhà thông qua đường bưu điện. Việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến quả thực quá thuận tiện, khỏi phải đi lại mất thời gian, công sức so với phương thức thực hiện truyền thống”, anh Lợi kể.

Tận dụng xu thế phát triển từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Hậu Giang xúc tiến đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh và các ứng dụng, nền tảng dùng chung, bước đầu mang lại kết quả tích cực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Điều đó đánh dấu những cột mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cho thấy bước chuyển mình lịch sử của Hậu Giang trong nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.

Tiến sĩ Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, nói trong xu thế chung Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình quản trị nhà nước sẽ hướng đến xây dựng một nền hành chính có trách nhiệm và minh bạch. Từ đó, Hậu Giang lấy ứng dụng công nghệ thông tin làm nền tảng xây dựng chính quyền điện tử để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp những dịch vụ tiện ích, không phụ thuộc thời gian, không gian và có thể đáp ứng yêu cầu của công dân một cách tức thời.

Những đột phá trên nền tảng ứng dụng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin của lộ trình xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số toàn diện các ngành, lĩnh vực mang lại, Hậu Giang đã chạm đến nhiều thành công trong hiện đại hóa cũng như cải cách nền hành chính. Việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử còn thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Tỉnh trong xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả; hướng đến xây dựng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại…

Hướng tới chính quyền số, chuyển đổi toàn diện các hoạt động lên môi trường số

Bước vào giai đoạn 2021-2025, Hậu Giang xác định “chìa khóa” phát triển là xây dựng thành công chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và thực hiện chuyển đổi toàn diện các hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số.

Cụ thể, Hậu Giang hướng đến đưa 100% dịch vụ công lên trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% phần mềm quản lý văn bản được triển khai cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh và được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử có ký số được luân chuyển trên phần mềm Quản lý văn bản của tỉnh.

Hậu Giang cũng hướng đến đưa 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp cơ sở được xử lý trên môi trường mạng. 100% báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh được thực hiện qua hệ thống báo cáo của tỉnh; 100% báo cáo Chính phủ định kỳ được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

 

GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>