Tăng cường kiểm soát vịt chạy đồng

28/03/2024 | 10:11 GMT+7

Khi những cánh đồng trên địa bàn tỉnh thu hoạch dứt điểm vụ lúa Đông xuân thì cũng là lúc những đàn vịt “chạy đồng” kiếm ăn. Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các đàn vịt chạy đồng trên địa bàn tỉnh, tổ chức tiêm vắc-xin bổ sung cho đàn gia cầm, không để dịch bệnh bùng phát.

Người dân chủ động kiểm soát và bảo vệ đàn vịt chạy đồng.

Chủ động phòng bệnh

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch gần dứt điểm vụ lúa Đông xuân nên một số chủ vịt đến mua đồng cho vịt ăn lúa, do vậy vịt chạy đồng đang tăng cao so với trước đây. Kèm theo đó là những nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn nếu không có biện pháp siết chặt quản lý. Trước tình hình này, Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo lực lượng thú y tăng cường quản lý, phòng bệnh để không xảy ra dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Bên cạnh những giải pháp mà ngành chức năng đang thực hiện thì quan trọng nhất là ý thức, sự chủ động bảo vệ đàn gia cầm của người chăn nuôi để tránh bị thiệt hại.

Ông Danh Tường, ở ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, đã gắn bó với nghề nuôi vịt từ nhiều năm nay. Đây được xem là nguồn thu nhập chính của gia đình. Trước đây, ông nuôi gần 2.000 con vịt, nhưng vụ này đàn vịt mới của ông chỉ còn khoảng hơn 800 con. Vào cuối vụ thu hoạch lúa Đông xuân, ông thường tìm mua đồng ở các địa bàn trong tỉnh như xã Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Viễn A thuộc huyện Long Mỹ, hay các xã của huyện Vị Thủy… để cho vịt ăn, các đồng thường được bán với giá khoảng 50.000 đồng/công. Bởi công việc đồng áng vất vả nên ông cậy nhờ cán bộ thú y địa phương nhắc nhở lịch tiêm phòng bệnh cúm gia cầm. Ngoài ra, hộ nuôi này cũng cảnh giác cao với các loại dịch bệnh theo mùa. Với ông Tường, đàn vịt mang về nguồn thu nhập chính nên không muốn xảy ra rủi ro, thất thoát. Ông cũng nắm rõ quy định về thủ tục khi đưa đàn di chuyển, nhờ vậy mà trong chăn nuôi giảm được nguy cơ hao hụt.

“Tôi rất sợ đàn vịt mình bị nhiễm bệnh, vì vậy nên vịt còn nhỏ tôi đã nhờ thú y địa phương đến tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn vịt. Cứ cách 6 tháng là tôi cho kiểm tra rồi tiêm đầy đủ vắc-xin cho an toàn. Hiện giờ đàn vịt dễ bệnh, mà tôi cũng sợ trong lúc chạy đồng bị lây nhiễm từ các đàn vịt khác nên chủ động phòng ngừa trước, vì phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ông Tường cho biết thêm.

Có cùng suy nghĩ đó, anh Nguyễn Hoàng Hận, ở ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cũng chủ động bảo vệ đàn vịt của mình để tránh thiệt hại. Anh Hận chia sẻ: “Chăn nuôi vốn nhiều rủi ro, đã nuôi thì mình phải chấp nhận và tự cảnh giác thì dịch bệnh ít xảy ra hơn, đàn vịt được an toàn thì vịt đẻ đều, lợi nhuận cũng tăng. Để tránh vịt bị bệnh, mỗi lần di chuyển sang các địa phương khác, tôi phải dự kiến thời gian lưu trú bao lâu. Rồi coi lại giấy tờ xem đàn vịt của mình có hết hạn tiêm phòng trong thời gian đó hay không để tiêm bổ sung cho đúng liều, đúng lịch. Tôi luôn chuẩn bị đủ giấy tiêm phòng, nếu có chạy đồng đi tỉnh khác thì xin giấy xuất tỉnh. Cứ trang bị cho đầy đủ, mình đi lúc nào cũng được, đến đâu cũng an tâm”.

Nỗi lo của người chăn nuôi hoàn toàn có cơ sở khi nhiệt độ thời tiết mùa này thường thay đổi đột ngột. Khi đó, cơ thể gia cầm khó thích nghi kịp với sự thay đổi của thời tiết, đề kháng giảm. Cộng với môi trường chăn nuôi luôn tiềm ẩn vi-rút làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh nếu người chăn nuôi không vệ sinh, khử trùng thường xuyên…

Tăng cường công tác quản lý

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, tình hình phát triển chăn nuôi thời điểm hiện tại duy trì ổn định, tổng đàn vịt trên địa bàn tỉnh hiện có 2.659.820 con, giảm 8,02% (tương đương 32.740 con) so với cùng kỳ. Để chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh cúm gia cầm phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, đặc biệt không để xảy ra trường hợp người bị nhiễm, tử vong vì bệnh cúm gia cầm (CGC) trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản đã phối hợp với các địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm; lực lượng thú y cơ sở kịp thời báo cáo về Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh để chủ động lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với vi-rút CGC, các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm.

Bên cạnh đó, triển khai rà soát, tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vắc-xin phòng bệnh CGC cho đàn gia cầm, đảm bảo đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Đồng thời, hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc-xin CGC cho đàn gia cầm.

Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ với các xã, phường, thị trấn để kiểm tra, giám sát các đàn vịt chạy đồng từ địa phương này sang địa phương khác trong tỉnh. Đặc biệt là các đàn vịt từ tỉnh khác vào địa bàn tỉnh, kiểm tra về số lượng, giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, giấy chứng nhận tiêm phòng CGC; xử lý nghiêm những đàn gia cầm không có giấy kiểm dịch, giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc không còn thời hạn miễn dịch sẽ kiên quyết cho quay về địa phương theo quy định để tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, cho biết: Hiện nay đang vào mùa thu hoạch lúa Đông xuân, nhằm chủ động kiểm soát tốt và có hiệu quả đàn vịt chạy đồng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần tuyệt đối tuân thủ quy trình tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn gia cầm, đặc biệt là vắc-xin cúm gia cầm H5N1 theo quy định, chú trọng công tác vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng đàn gia cầm. Đồng thời, khai báo khi di chuyển đàn vịt từ địa phương này sang địa phương khác, phát hiện sớm dịch bệnh, không được giấu dịch, bán chạy gia cầm bệnh… Các hộ chăn nuôi từng bước thay đổi tư duy, tập quán chăn nuôi từ phương thức chăn nuôi vịt chạy đồng chuyển đổi theo hướng trang trại. Xây dựng và công nhận cơ sở, vùng và liên vùng an toàn dịch bệnh, nhất là vùng có cơ sở sản xuất giống, chăn nuôi lớn. Quản lý chặt các đàn vịt trong tỉnh và ở tỉnh khác vào địa bàn. Trường hợp có đàn hết hạn miễn dịch cúm gia cầm sẽ yêu cầu tiêm phòng theo quy định để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên gia cầm trong mùa di trú này.

Bài, ảnh: MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>