Khoác áo mới cho dưa hấu tết

07/02/2024 | 10:51 GMT+7

Bên cạnh trưng dưa hấu truyền thống, những năm gần đây, dưa hấu được “trang điểm” hoa văn, chữ thư pháp mang ý nghĩa tài lộc cũng được nhiều gia đình ưu tiên lựa chọn để dâng lên gia tiên hoặc làm quà tặng.

Chị Nguyễn Thị Thúy Kiều chăm chút tỉ mỉ cho từng sản phẩm dưa khắc chữ của mình.

Công phu và tỉ mỉ

Được người bạn giới thiệu, chị Trần Thị Thu Trang, ở thành phố Vị Thanh vui mừng vì tìm được những mẫu dưa hấu khắc chữ ưng ý để đặt hàng. Chị Trang cho biết, mấy năm trước, thấy nhà người quen trưng đẹp và lạ nên năm nay chị muốn mua cho gia đình vài cặp dưa khắc chữ. Chị Trang tâm sự: “Hồi xưa, không ai vẽ hết. Dưa trưng thì lựa trái nào lớn đều, đẹp, tròn là mình mua rồi dù có hơi đắt chút. Còn bây giờ, những trái họa tiết đẹp mình chọn thôi. Mình nói ý thích của mình là người ta vẽ tại chỗ”.

Gần đây, ngoài việc chọn cặp dưa nhất đẹp, đều để trưng trên bàn thờ gia tiên, người tiêu dùng còn hướng đến sự lạ mắt và ý nghĩa của nó. Có cung ắt có cầu, nhiều thợ “nghiệp dư” đã tìm đến công việc này. Ngồi một góc, cẩn thận phác họa nhánh mai vàng trên trái dưa hấu, chị Nguyễn Thị Thúy Kiều, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh chia sẻ, đã mấy cái tết rồi chị gắn bó với công việc này. Khách quen có, khách lạ cũng có cứ cận tết là khách lại gọi điện đặt hàng. Với chị, đây vừa là đam mê vừa giúp chị mở rộng đầu ra dưa hấu cho nông dân.

Để có sản phẩm ưng ý, theo chị Kiều dưa nguyên liệu phải đẹp, cân đối và quan trọng phải là dưa sạch, đạt chuẩn VietGAP. Nói về cơ duyên đến với việc vẽ, viết thư pháp lên dưa hấu, chị Nguyễn Thị Thúy Kiều cho biết: “Trước đây, những lần mình đi thăm rẫy dưa của nông dân, tôi thấy dưa trưng rất quan trọng cái da. Những trái dưa mà da lỡ bị sâu cạp hoặc bị gì đó khó bán. Mà dưa hấu khắc chữ là đẹp nhất nên tôi quyết định sử dụng những trái dưa đó để biến nó thành những tác phẩm để nâng cao giá trị cho trái dưa. Từ từ thì phát triển lên”.

Ngoài khắc chữ lên dưa hấu, chị Kiều còn vẽ các họa tiết trang trí như: hình rồng, phượng, hoa mai, hoa cúc hoặc trang trí theo yêu cầu của khách. Gần đây, chị còn ứng dụng dán chữ hay khắc laser lên dưa với các mẫu độc đáo, bắt mắt. Dừng tay một chút chị Kiều, bày tỏ: “Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, ai có tình yêu nông sản và sự sáng tạo thì có thể theo nghề. Nhiều bạn trẻ trẻ bây giờ làm nhanh lắm, cũng thích học nghề này”.

Vì làm thủ công nên thời gian hoàn thành cũng tùy theo độ khó của mẫu. Cách "làm đẹp" cho dưa hấu này chỉ tác động bên ngoài vỏ trái dưa nên chất lượng bên trong không bị ảnh hưởng, do đó có thể trưng suốt dịp tết.

“Mẫu dưa dán chữ tiện lợi và đẹp, bảo vệ được chất lượng của trái dưa hơn so với việc phun sơn hoặc có tác động lên trái dưa nhưng mà nhiều người vẫn thích mẫu khắc truyền thống. Mẫu truyền thống thì công phu, mất thời gian. Thí dụ như những cái mẫu hoa mai, rồng phượng thì đôi khi làm hơn 2 tiếng mới hoàn thành một cặp. Mỗi cái đều có ưu, khuyết điểm nên mình cứ sử dụng những ưu điểm, khắc phục những khuyết điểm rồi kết hợp nhiều phương pháp”, chị Kiều bày tỏ.

Giá cao, chất lượng cao

Vì được làm thủ công nên dưa khắc chữ thư pháp được xem là độc bản, bởi người thợ sẽ sáng tác dựa trên cảm hứng của mình, chứ không đều tăm tắp như dưa in họa tiết bằng máy. Để có những trái dưa tròn, đều đánh số theo cặp để chuẩn bị khắc chữ cho khách, chị Kiều đã phải lên kế hoạch đặt hàng dưa từ sớm.

“Giống dưa Lộc Phát da nó màu đen truyền thống, mình khắc nữa thêm cái nét hiện đại để nâng giá trị lên. Tôi thường gắn bó với những HTX trồng dưa hấu. Trong đó, có HTX dưa hấu ở Vĩnh Thuận Tây, sản xuất dưa hấu theo chuẩn VietGAP, có sự hướng dẫn của cơ quan nhà nước, có phân tích mẫu, truy xuất nguồn gốc, chịu trách nhiệm sản phẩm của mình luôn. Sản phẩm mình có vấn đề gì thì HTX sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm với người tiêu dùng”, chị Kiều chia sẻ.

Để có sản phẩm đẹp, đòi hỏi người “trang trí” có tay nghề, kỹ thuật cao nên giá cũng khá đắt đỏ, dao động từ 250.000-550.000 đồng/cặp tùy theo mức độ phức tạp và độ lớn của dưa. Với kinh nghiệm nhiều năm nên được nhiều người biết đến và lựa chọn để đặt làm dưa trưng, nhờ vậy, công việc này đã mang về cho chị Kiều thu nhập tốt vào những ngày cận tết. Việc sáng tạo của những nông dân miền Tây, trong đó có chị Kiều đã khiến thị trường tết năm nay thêm phần phong phú, đa dạng.

Trưng dưa hấu là nét văn hóa độc đáo của dân tộc ta. Trái dưa hấu tròn trịa, ruột đỏ vỏ xanh, mọng nước căng tròn, là biểu tượng cho những gì viên mãn trong năm mới. Nay, với sự phát triển của cuộc sống, dưa hấu còn được mặc áo mới với các ý nghĩa cầu tài, cầu lộc, mang đến sự may mắn, thuận lợi. Công việc mặc áo mới cho dưa trở thành nét đặc trưng và khá độc đáo chỉ có dịp tết vừa giúp tăng thu nhập cho thợ, đa dạng lựa chọn cho khách hàng. Đặc biệt và quan trọng hơn cả là mở rộng đầu ra, nâng cao thu nhập mùa dưa hấu tết cho bà con nông dân.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>