Olympic Rio de Janeiro 2016: Mong đợi Việt Nam có huy chương

28/07/2016 | 08:10 GMT+7

Thế vận hội mùa hè (Olympic) 2016 sẽ khai mạc tại Brazil vào ngày 5-8 tới, đoàn thể thao Việt Nam được hy vọng sẽ có huy chương tại đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh này.

Lực sĩ Thạch Kim Tuấn là một trong những hy vọng lớn tại Olympic 2016. Ảnh: INTERNET

Kỳ vọng bắn súng làm nên chuyện

Ở môn bắn súng, xạ thủ kỳ cựu Hoàng Xuân Vinh đang nuôi hy vọng ghi tên mình vào bảng xếp hạng huy chương Olympic, sau khi mất chiếc huy chương đồng đáng tiếc (chỉ kém tấm huy chương đồng 0,1 điểm trước đối thủ người Trung Quốc) vào 4 năm trước tại nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Trước thềm Olympic, xạ thủ quê gốc Hà Nội cũng đã giành huy chương đồng nội dung 10m súng ngắn hơi nam tại World Cup bắn súng ở Munich (Đức) vào tháng 5, giải đấu được xem là màn sát hạch quan trọng để các xạ thủ chuẩn bị cho Olympic 2016. Còn trước đó, tại Cúp bắn súng thế giới ở Mỹ năm 2014, anh đã giành huy chương vàng và tạo nên cột mốc mới với điểm số 202,8 điểm ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Với nhiều môn thể thao đỉnh cao, cái tuổi 42 hầu như đã… “hết thời”, nhưng riêng bắn súng lại khác. Người hâm mộ đang kỳ vọng “củ gừng già” này sẽ thật sự “cay” và đứng trên bục nhận huy chương tại Rio de Janeiro.

Mong mỏi cử tạ bước lên bục vinh quang

Thạch Kim Tuấn đang là 1 trong 3 đô cử xuất sắc thế giới ở hạng cân 56kg. Sự nghiệp Kim Tuấn ngày càng tốt lên khi có điều kiện tập luyện, chế độ dinh dưỡng và chăm sóc y tế khá lý tưởng. Từ trước thời điểm diễn ra vòng loại Olympic, Kim Tuấn đã có những đợt tập huấn ở nước ngoài. Muốn cạnh tranh huy chương Olympic, anh phải đạt mức tổng cử tối thiểu 295kg và số ký này hoàn toàn có thể. Liên tục từ năm 2014 đến nay, chàng trai quê ở Bình Thuận này liên tục đoạt huy chương vàng, bạc, đồng tại các giải vô địch thế giới, khu vực. Bên cạnh đó, Vương Thị Huyền cũng là nhân tố bí ẩn của môn cử tạ nữ, bởi chị đã giành được 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng giải vô địch thế giới mới đây.

Ngoài ra, hai cái tên Vũ Thị Hằng và Nguyễn Thị Lụa ở môn vật nữ cũng gây được chú ý, vì lần đầu tiên có 2 đô vật nữ tham dự Olympic. Tuy đi thi đấu với tinh thần học hỏi, nhưng 2 đô vật ở hạng cân 48kg và 53kg này được hy vọng sẽ tạo bất ngờ ngoạn mục, vì có chiến thuật rõ ràng và liên tục nằm trong top 3 của các giải đấu khu vực, thế giới và vòng loại Olympic mới đây. Những cái tên khác cũng đã cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm ở đấu trường thể thao thế giới, như vận động viên (VĐV) bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên, VĐV môn thể dục dụng cụ Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh…

Tính từ năm 1980 đến nay, thể thao Việt Nam chỉ giành được vỏn vẹn 2 huy chương bạc qua 8 lần dự Olympic. 2 VĐV mang vinh quang về cho Việt Nam là võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân tại Olympic Sydney 2000 và lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn tại Olympic Bắc Kinh 2008.

Còn tại Olympic 2016, lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam có 23 VĐV tham dự ở 10 bộ môn. Nếu như các kỳ Olympic trước đây, Việt Nam chỉ có 1 đến 2 VĐV tranh tài ở một môn thi đấu, thì Olympic lần này, phần lớn các môn đều có từ 2 đến 4 VĐV. Đây cũng là cơ hội để Đoàn thể thao Việt Nam có thể giành huy chương tại Olympic 2016.

Thưởng cao dành cho VĐV đoạt huy chương Olympic

Mức thưởng dành cho HCV, HCB, HCĐ tại Olympic lần lượt là 180 triệu đồng, 80 triệu đồng và 60 triệu đồng. Công ty Thể thao Động Lực (nhà tài trợ trang phục chính thức cho đoàn) treo thưởng 500 triệu đồng, 200 triệu đồng, 100 triệu đồng cho mỗi VĐV đoạt HCV, HCB, HCĐ tại Olympic 2016.

 

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>