Chổi quê lên đời…

12/11/2020 | 10:26 GMT+7

Từ một cái nghề chưa được nhiều người biết đến, bó chổi bông cỏ (chổi bông đót) trên địa bàn tỉnh đang tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

Cơ sở bó chổi của ông Trần Văn Hậu, ở ấp Phương Quới C, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, giải quyết việc làm cho gần 30 lao động địa phương.

Tạo nhiều việc làm cho lao động

Bàn tay thoăn thoắt, gương mặt lấm lem bụi, tiếng cười nói rôm rả nhưng lúc nào cũng cho ra sản phẩm… đây là hình ảnh có thể dễ dàng bắt gặp ở những xóm chuyên bó chổi bông cỏ trên địa bàn tỉnh. Đang nhanh tay làm quấn từng lọn bông cỏ, chị Trần Thị Hạnh, ở ấp Phương Quới C, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tâm sự: “Do không có nghề nghiệp gì, cách đây khoảng 2 năm, khi biết trên địa bàn có cơ sở bó chổi bông cỏ, tôi mới đến xin học nghề rồi nhận gia công sản phẩm để kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày, tại cơ sở phải cho ra hàng trăm cây chổi để đáp ứng nhu cầu thị trường, nên ở đây tôi cũng như nhiều lao động khác nhận gia công theo từng công đoạn không à. Tùy theo công đoạn, mỗi người cũng sẽ có mức thu nhập khác nhau, trung bình từ 70.000-150.000 đồng/ngày”. Để làm ra một cây chổi bông cỏ thành phẩm, phải qua rất nhiều công đoạn như: xé đót, vọng tua, quấn lọn, dọng cán, lên quạt… Mỗi công đoạn sẽ có những cái khó riêng, đòi hỏi người làm nghề phải tỉ mỉ. Theo bà Hạnh, để làm được nghề, thì chỉ cần học 3 ngày, nhưng để làm ra sản phẩm đẹp phải học khoảng 1 tháng.

Tuy mới mở được khoảng 5 năm nay, nhưng cơ sở bó chổi của ông Trần Văn Hậu, ở ấp Phương Quới C, xã Phương Bình, đã và đang tạo việc làm cho gần 30 lao động tại địa phương. Ông Hậu chia sẻ: “Trước đây, trong những lần đem bán trúc cho các công ty trên Thành phố Hồ Chí Minh, thấy nghề này cũng dễ làm, ở địa phương lại chưa có, nên tôi đã xin học. Ban đầu, chủ yếu là các thành viên trong gia đình làm thôi, nhưng sau thấy nhu cầu thị trường khá lớn, tôi cũng chủ động dạy nghề cho người dân địa phương có nhu cầu. Nghề này, tuổi nào làm cũng được, phù hợp nhất là với lao động nữ”. Hiện trung bình mỗi ngày, tại cơ sở của ông Hậu phân phối ra các chợ, tiệm tạp hóa trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Cần Thơ… khoảng 400 cây chổi thành phẩm. Ngoài dạy nghề, cơ sở còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nam với công việc phân phối và bán chổi trực tiếp.

Ông Trần Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Bình, cho biết: “Khoảng vài năm nay, cơ sở bó chổi bông cỏ của anh Hậu đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm hiệu quả cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Với những hiệu quả trên, chúng tôi đã chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tham mưu xin mở các lớp dạy nghề bó chổi cho lao động có nhu cầu tại các ấp trên địa bàn, để đẩy mạnh phát triển thêm ngành nghề cho lao động địa phương và góp phần cải thiện thu nhập cho bà con”.

Có thu nhập nhưng người làm ít dần…

Do nguồn nguyên liệu tại địa phương không có, nên đa phần các cơ sở bó chổi thường mua bông cỏ từ các tỉnh miền ngoài. Vì vậy, thường có giá khá cao khoảng 30.000 đồng/kg loại chưa chuốt bông và 50.000-70.000 đồng/kg loại đã chuốt bông thành phẩm. Thông thường 1kg bông cỏ bó được từ 2-3 cây chổi tùy theo độ dày mỏng khác, trung bình mỗi cây sẽ nặng khoảng 250-300 gram.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, sau khi học và làm nghề tại tỉnh Đồng Nai cách đây hơn 8 năm, ông Trần Văn Út, ở ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, đã chủ động tìm nguồn nguyên liệu để về địa phương mở cơ sở bó chổi xuất khẩu. Ông Út bộc bạch: “Do chổi ở cơ sở tôi chủ yếu là xuất khẩu sang nước ngoài, nên đòi hỏi chổi phải đẹp và đạt chất lượng. Khác với cây chổi bán ở chợ, một cây chổi để xuất khẩu phải làm gần 10 công đoạn. Vì vậy, ở đây tôi thường thuê nhân công làm theo từng công đoạn không à. Tuy nhiên, hiện số thợ giỏi và biết làm nghề bó chổi này không nhiều, tôi chỉ lo rằng vài năm nữa sẽ không còn thợ như bây giờ”. Mỗi tháng, cơ sở sẽ cung ứng hơn 2.000 cây chổi để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Trước đây, cán chổi được làm bằng cọng đót, nhưng ngày nay đã được thay thế bằng cán nhựa, cán trúc có độ bền cao hơn. Tuy nhiên, tại cơ sở của ông Út hiện chổi đều được làm bằng cán trúc, vì theo người nước ngoài vật liệu tự nhiên là sản phẩm thân thiện với môi trường.

Được xem là người khai sinh nghề bó chổi ở địa phương, ông Trần Văn Lăng, người có hơn 20 năm kinh nghiệm với nghề ở ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Nghề này tuy nhìn đơn giản, nhưng để cho ra một cây chổi thành phẩm phải qua rất nhiều công đoạn, máy móc hiện đại cũng không thể nào thay thế bàn tay người thợ. Bởi vậy, nhiều người cũng muốn học nghề để có thêm thu nhập, nhưng chỉ học được một thời gian, thấy khó quá thì nghỉ à. Nghề bó chổi này có thể phát triển được, nhưng theo tôi cái khó hiện nay là không có thế hệ kế thừa”. Với nhiều năm kinh nghiệm, ông Lăng đang nhận gia công từ công đoạn móc kẹp lên cán và lên chổi thành phẩm… đây được xem là những công đoạn khó nhất của nghề bó chổi.

Để phát triển nghề làm chổi, ở các địa phương tạo điều kiện cho các cơ sở vay vốn sản xuất và đào tạo nghề, nhằm nhân rộng cho người dân trong các ấp trên địa bàn để họ tạo ra những sản phẩm chất lượng góp phần cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>