Sổ tay tuyên truyền

21/12/2021 | 06:59 GMT+7

Đề án: Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

1. Mục đích và tầm quan trọng của Đề án

- Nhằm triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tổ chức các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo nhu cầu thị trường, khắc phục dần tình trạng manh mún, nhỏ lẻ; nâng cao nhận thức và hành động của người nông dân về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hiện đại và thông minh.

2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh

Đề án phát triển nông nghiệp bền vững áp dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh (lúa, mít, chanh không hạt, bưởi, khóm, mãng cầu, heo, lươn, cá thát lát, cá tra).

b) Đối tượng áp dụng

- Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp (gọi chung là HTXNN).

- Người dân có nhu cầu thành lập HTXNN, thành viên và người lao động của HTXNN.

- Doanh nghiệp, các tổ chức, hộ gia đình trực tiếp thực hiện hoặc tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản.

- Cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và hợp tác xã; công chức của cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, hợp tác xã; Liên minh HTX và công chức, viên chức của Liên minh HTX; các cá nhân, đơn vị, tổ chức hoạt động trong hoặc có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã.

3. Mục tiêu cụ thể

* Mục tiêu đến năm 2025

(1) Xây dựng 15 mô hình HTXNN và 03 liên hiệp HTXNN được đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, máy móc, thiết bị và phát triển toàn diện, hoạt động hiệu quả.

(2) Xây dựng 01 mô hình cung ứng dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp và 03 Trung tâm thu gom, phân loại, sơ chế, đóng gói và phân phối hàng nông sản.

 (3) Xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

* Định hướng đến năm 2030

Nhân rộng các mô hình HTXNN đạt hiệu quả cao trong giai đoạn 2021 - 2025 để đến năm 2030 lĩnh vực nông nghiệp đạt các mục tiêu sau:

+ Về kinh tế: Tốc độ tăng GRDP nông nghiệp đạt trên 3%/năm.

+ Về xã hội: Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020.

+ Về môi trường: Tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%; tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý hiệu quả đạt 100%; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được tưới tiêu hiện đại, tiết kiệm nước, thân thiện môi trường đạt trên 30%.

4. Danh mục các dự án và hoạt động sẽ được triển khai thực hiện

(1) Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ mô hình HTX, liên hiệp HTX phát triển toàn diện, hoạt động có hiệu quả.

 (2) Dự án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX và hỗ trợ lao động có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc tại HTX.

(3) Dự án xây dựng Trung tâm thu gom, phân loại, sơ chế, đóng gói và phân phối hàng nông sản tỉnh Hậu Giang.

(4) Dự án đầu tư máy móc nông nghiệp, thiết bị, phương tiện cho Tổ cung ứng dịch vụ cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp.

(5) Dự án xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

(6) Hoạt động hỗ trợ tín dụng và tiếp cận các nguồn vốn tín dụng cho HTX.

(7) Hoạt động xúc tiến liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản tỉnh Hậu Giang.

(8) Hoạt động khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và lựa chọn các HTX đáp ứng tiêu chí đầu vào để tham gia đề án và vận động, thúc đẩy thành lập 03 liên hiệp HTX; đánh giá hiệu quả hoạt động và mức độ đáp ứng các tiêu chí đầu ra.

(9) Hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung và kết quả thực hiện đề án.

5. Nội dung các chính sách hỗ trợ

a) Chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện 15 mô hình hợp tác xã và 03 liên hiệp hợp tác xã

(1) Hỗ trợ thành lập mới 8 HTX, 3 liên hiệp HTX và củng cố 7 HTX.

(2) Hỗ trợ thuê lao động trẻ có trình độ từ cao đẳng trở lên về làm việc tại HTX (tham gia quản trị HTX và thực hiện nhiệm vụ kế toán).

(3) Hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ trình độ từ cao đẳng trở lên cho cán bộ quản lý HTX, trong đó ưu tiên đào tạo đối tượng là thành viên Ban Giám đốc và kế toán của HTX.

(4) Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý HTX và thành viên HTX về kỹ năng lập kế hoạch, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, liên kết, tiếp thị, quảng bá sản phẩm của HTX; kiến thức về chính sách, pháp luật, thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch hại...

(5) Hỗ trợ HTX thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và thị trường; áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng theo chuỗi, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), kiểm soát an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, xây dựng các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước...

(6) Hỗ trợ liên kết, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường: tư vấn xây dựng dự án liên kết; thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác sản phẩm; tham gia hội chợ, triển lãm, diễn đàn trong và ngoài nước; tổ chức các điểm giới thiệu, bán sản phẩm...

(7) Hỗ trợ đăng ký chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

(8) Hỗ trợ xây dựng website và tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.

(9) Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng: xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế, chế biến và mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng...

(10) Hỗ trợ tín dụng: cho HTX vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh; tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các Ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng và Ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

b) Chính sách thí điểm xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp

- Xây dựng thí điểm 03 mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp với quy mô tối thiểu 3ha.

- Mô hình được hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu, tập huấn, hội thảo đánh giá, tổng kết và nhân rộng mô hình.

c) Chính sách đầu tư phát triển dịch vụ cung ứng cơ giới hóa

Tổ chức thực hiện thí điểm “Tổ cung ứng dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp” với các loại máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại phục vụ cho các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, các HTX có nhu cầu áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất.

d) Chính sách hỗ trợ sau thu hoạch

- Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và máy móc, thiết bị, phương tiện cho 03 Trung tâm sơ chế, phân loại nông sản, quy mô tối thiểu 1 - 1,5ha/trung tâm. Trong đó, Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư các hạng mục công trình ngoài hàng rào; doanh nghiệp đầu tư các hạng mục công trình bên trong hàng rào.

- Các Trung tâm sau khi được xây dựng sẽ là điểm để các HTX thực hiện giao dịch mua bán nông sản, là nơi tập kết nông sản hàng hóa để thực hiện khâu phân loại, sơ chế, đóng gói và phân phối đến nơi tiêu thụ.

6. Điều kiện tham gia và thực hiện đề án

Các HTX xã tham gia đề án phải:

- Đáp ứng đủ 08 tiêu chí đầu vào.

- Cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung của đề án, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả để đến năm 2025 phải đạt được 08 tiêu chí đầu ra và được đánh giá xếp loại TỐT (từ 80 điểm trở lên, theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX các tiêu chí đầu ra).

7. Kinh phí thực hiện

Tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 là 608.049 triệu đồng. Trong đó:

+ Ngân sách nhà nước (vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) và vốn ODA: 427.761 triệu đồng (chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu vốn).

+ Vốn tư nhân, HTX, doanh nghiệp đối ứng thực hiện các nội dung đầu tư, hỗ trợ của nhà nước theo quy định: 180.288 triệu đồng (chiếm khoảng 30% tổng nhu cầu vốn).

8. Trách nhiệm thực hiện

- Ban Chỉ đạo tỉnh: Chỉ đạo triển khai thực hiện hoàn thành tất cả các nội dung của Đề án; chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ HTX tham gia đề án thực hiện đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang: Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện để các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia đề án tiếp cận nguồn vốn vay.

- Ban Chỉ đạo cấp huyện: Tổ chức thực hiện các nội dung chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo tỉnh; chỉ đạo triển khai thực hiện đề án trên địa bàn được giao quản lý; phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh hỗ trợ các HTX tham gia đề án thực hiện đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra.

- Cấp xã: UBND cấp xã tổ chức thực hiện các nội dung chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp tỉnh.

- HTX và các tổ chức tham gia đề án: Thực hiện đầy đủ các nội dung, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và quy định của pháp luật; đối ứng đủ vốn theo quy định.

 

Phụ lục

Danh mục một số văn bản, tài liệu liên quan

I. Văn bản phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án

1. Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc thông qua Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

2. Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 27 tháng 04 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc Thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” trong giai đoạn 2021 - 2025.

3. Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 18 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc Thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” trong năm 2021. 

II. Văn bản liên quan đến các chính sách, quy định trong đề án

1. Thông tư số 01/2020/TT-KHĐT ngày 19 tháng 02 năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã.

2. Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.

3. Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang Quy định chính sách khuyến khích đầu tư; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

4. Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang Quy định nội dung chi và mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

5. Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang Quy định chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

6. Quyết định số 51/2016/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quy định về mức hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

7. Quyết định số 1852/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2020 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc ban hành danh mục các nông sản chủ lực tỉnh Hậu Giang.

ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ HỖ TRỢ, TƯ VẤN

Cấp tỉnh:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang

- Địa chỉ: Số 05 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 5, TP.Vị Thanh,

Hậu Giang.

- Điện thoại: 0293.650 6138 - 0293.3877977

2. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang

- Địa chỉ: Số 55 đường Võ Văn Kiệt, Phường 5, thành phố Vị Thanh,

Hậu Giang.

- Điện thoại: 0293.3878880

Cấp huyện:

Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>