Bồi dưỡng những nhà khoa học tương lai...
Xuất sắc đoạt 2 giải ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học là kết quả nổi bật của tỉnh trong các năm qua. Từ cuộc thi này, là bệ phóng cho nhiều em bước vào lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu.
Đoạt 2 giải ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học là kết quả nổi bật của tỉnh trong các năm qua.
Hai dự án của học sinh Hậu Giang đoạt thành tích cao đó là: Dự án “Hệ thống quản lý học sinh trong trường học bằng công nghệ nhận dạng tự động qua sóng vô tuyến tầm xa RFID-UHF” và Dự án “Nghiên cứu và khảo sát tác dụng giảm cân của nước có gas tự nhiên từ khóm (Ananas comosus)”.
Nghiên cứu xuất phát từ chuyện thực tế
“Tận dụng ưu điểm của công nghệ 4.0 và muốn góp một phần thực hiện chuyển đổi số trong trường học, chúng em đã thực hiện Dự án “Hệ thống quản lý học sinh trong trường học bằng công nghệ nhận dạng tự động qua sóng vô tuyến tầm xa RFID-UHF”, với mục tiêu giúp nhà trường quản lý giờ giấc của học sinh dễ dàng hơn thông qua việc quét thẻ học sinh có gắn chip điện tử”, Nguyễn Lê Phương Trân, học sinh lớp 11A6, Trường THPT Vị Thanh, một trong hai tác giả của dự án chia sẻ.
Xuất phát từ thực tế, với số lượng học sinh của trường hơn 1.300 học sinh đang theo học, việc quản lý giờ giấc, điểm danh học sinh, nắm được tình trạng học sinh đi học có đúng giờ, trễ, vắng đều nhờ vào thầy cô giám thị nên khá khó khăn. Năm 2022 nhà trường đã thí điểm máy điểm danh bằng cách quét mã QR Code thông qua thiết bị ghi hình kỹ thuật số. Máy hiển thị họ tên, lớp học và thời gian học sinh có mặt tại trường.
Tuy nhiên, việc điểm danh bằng cách quét mã QR Code khá chậm, phải mất 3 giây mới quét được một thẻ, trong khi học sinh của trường lại khá đông. Từ đó, em Nguyễn Lê Phương Trân, học sinh lớp 11A6 và em Nguyễn Trọng Phúc, học sinh lớp 11A7, Trường THPT Vị Thanh, đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng cải tiến hệ thống quản lý học sinh của trường bằng công nghệ nhận dạng tự động qua sóng vô tuyến tầm xa RFID-UHF. Sau khi đem ý tưởng trình bày với thầy Đỗ Thành Nhân, giáo viên toán của trường, các em được thầy hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dự án. Sau nhiều tháng say mê nghiên cứu một “Hệ thống quản lý học sinh trong trường học bằng công nghệ nhận dạng tự động qua sóng vô tuyến tầm xa RFID-UHF” hoàn chỉnh ra đời.
“Nếu trước đây quét bằng mã QR Code điểm danh phải mất 3 giây/thẻ, thì giờ có thể quét được 3 thẻ học sinh/giây, nhanh hơn trước rất nhiều. Trên mỗi thẻ học sinh đã được cập nhật hình ảnh, ngày tháng năm sinh và niên khóa học đầy đủ, nên khi các bạn quét thẻ sẽ giúp nhà trường, giáo viên chủ nhiệm quản lý tốt sĩ số từng lớp. Để khai thác tối ưu hiệu quả của dự án, hiện tại chúng em còn tích hợp thêm app để kiểm tra tác phong của các bạn học sinh như: đồng phục, nề nếp… Tận dụng ưu điểm nhanh, chính xác mỗi ngày sau 7 giờ sáng điểm danh xong, hệ thống sẽ gửi thông tin học sinh vắng đến từng phụ huynh thông qua zalo OA”, em Phúc, tác giả dự án bộc bạch.
Mong muốn đưa đặc sản địa phương vươn tầm
Xuất thân là con nhà nông, sống gần vùng chuyên canh trồng khóm của tỉnh, nên em Lê Phụng Nhi, học sinh lớp 10SV và em Trình Phúc Duy, học sinh lớp 11A, Trường THPT Chuyên Vị Thanh, không khỏi băn khoăn với chuyện được mùa mất giá của những người trồng khóm và làm gì để tăng giá trị đặc sản địa phương. Cũng chính những băn khoăn ấy thôi thúc đôi bạn trẻ thực hiện Dự án “Nghiên cứu và khảo sát tác dụng giảm cân của nước có gas tự nhiên từ khóm (Ananas comosus)”.
Là người đồng hành, hướng dẫn Nhi và Duy thực hiện dự án, cô Phạm Trút My, giáo viên sinh học, Trường THPT Chuyên Vị Thanh, thông tin: “Sau khi biết ý tưởng của các em khá hay, cô và trò cùng nhau tìm hiểu nhiều tài liệu, các sản phẩm từ khóm. Qua quá trình nghiên cứu nhận thấy trái khóm có thành phần dinh dưỡng phù hợp để giảm cân, nhưng sản phẩm trà, mứt từ khóm đã có người làm, vì vậy cô trò đã hướng tới tạo nên sản phẩm nước có gas tự nhiên từ khóm, phù hợp với thị hiếu của nhiều người hiện nay”.
Nghiên cứu khoa học, nhất là với học sinh không bao giờ dễ dàng. Nhưng với niềm đam mê và ý chí quyết tâm, sau nhiều nỗ lực, dự án của Nhi và Duy đã thành công bước đầu. Nhi và Duy cho biết để thực hiện được nước có gas tự nhiên từ khóm, chúng em phải trải qua khá nhiều công đoạn như: ủ làm kombotra, ép lấy nước khóm, lên men… phải mất khoảng 1 tháng để cho ra thành phẩm. Một trong khó khăn lớn nhất của chúng em, là quá trình thử nghiệm sản phẩm trên chuột để kiểm chứng kết quả giảm cân. Hiện tại, sản phẩm đã được nhiều người sử dụng và đánh giá hiệu quả khá cao.
Từ cuộc thi khoa học kỹ thuật, nhiều học sinh đã định hình cho mình hướng nghiên cứu, gắn bó, chắt chiu niềm đam mê với nghiên cứu khoa học.
Bài, ảnh: AN NHIÊN
- Phổ cập trực tuyến kỹ năng số đến 525 tổ công nghệ số cộng đồng ấp, khu vực
- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ chuyển đổi SIM 2G sang 4G ở các xã, phường, thị trấn
- Sẽ thực hiện 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa
- Infographic: MỨC ĐÓNG BHYT ĐƯỢC NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 10 CỦA HĐND TỈNH
- Điểm tin sáng 5-10: Người dân gửi hơn 6,8 triệu tỉ đồng vào ngân hàng
- Cùng Sunlife Việt Nam tìm hiểu 3 loại hình bảo hiểm phổ biến
- Infographic: TRÌNH TỰ XÁC ĐỊNH HỘ LÀM NÔNG, LÂM, NGƯ VÀ DIÊM NGHIỆP CÓ MỨC SỐNG TRUNG BÌNH
- Điểm tin sáng 4-10: Khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp
- BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO BÁO HẬU GIANG
- “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”
- Chúc tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lành
- Huyện Vị Thủy: Xây dựng 41 tuyến đường đẹp
- Điểm tin sáng 17 – 5: Bốn người Việt Nam vào top gương mặt trẻ nổi bật châu Á
- Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
- Nâng cao kỹ năng cho các “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”
- Bảo hiểm xã hội tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp ra mắt mô hình mới
- Xét xử 16 bị cáo liên quan đến “tín dụng đen”
- Nguy cơ ùn tắc kiểm định khi gần 300 đăng kiểm viên ra tòa