Sắp triển khai nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ

07/10/2021 | 07:05 GMT+7

Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đang tiến hành xét duyệt thuyết minh, tuyển chọn các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện những đề tài, dự án là nhiệm vụ KHCN của tỉnh năm 2021. Các bản thuyết minh đã cho thấy tâm huyết của nhóm nghiên cứu và triển vọng đóng góp của các đề tài, dự án cho sự phát triển của tỉnh.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm triển khai bằng nhiều đề tài, dự án. Ảnh: TRUNG QUÂN

Lựa chọn được 10 tổ chức chủ trì thực hiện 10/11 nhiệm vụ KHCN

Từ đầu tháng 5, Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh đã chọn 11 nhiệm vụ đưa vào danh mục thực hiện trong năm 2021. Ngay sau đó, Sở KHCN đã thông báo tuyển chọn các tổ chức, cá nhân đăng ký chủ trì thực hiện các đề tài, dự án này. Với 11 nhiệm vụ, sở đã nhận được 22 hồ sơ đăng ký. Trung bình, mỗi nhiệm vụ có 2 hồ sơ. Đặc biệt, một số nhiệm vụ có đến 3 hồ sơ, như: “Nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu mít trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”; “Xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP ở tỉnh Hậu Giang”; “Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ công chức cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; “Xây dựng mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang”. Qua đó, thấy được sự quan tâm, mong muốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động nghiên cứu khoa học của tỉnh.

Để tìm ra các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện các đề tài, dự án, Sở KHCN tỉnh đã tiến hành tổ chức các hội đồng KHCN để xét duyệt thuyết minh, tư vấn, tuyển chọn những tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, trình độ nghiên cứu, có điều kiện phù hợp để thực hiện. Mỗi đề tài, dự án sẽ có một hội đồng KHCN khác nhau.

Đến nay, sở đã tổ chức xét duyệt và lựa chọn được 10 tổ chức chủ trì thực hiện 10/11 nhiệm vụ. Theo ông Huỳnh Trường Vĩnh, Giám đốc Sở KHCN tỉnh: “Đa phần các tổ chức có hồ sơ gửi đến đều được Hội đồng KHCN tư vấn tuyển chọn đánh giá cao về năng lực và kinh nghiệm chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN. Tuy nhiên, chỉ có tổ chức, cá nhân có số điểm cao nhất và đáp ứng đồng thời các điều kiện theo quy định hiện hành mới trúng tuyển và được lựa chọn chủ trì thực hiện nhiệm vụ”.

Bám sát thực tế phát triển tỉnh nhà

Xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh là một trong những chủ trương lớn của tỉnh trong thời gian tới. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mạng lưới các thiết bị IoT của tỉnh Hậu Giang phục vụ phát triển Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh” nhằm thực hiện chủ trương này. Đề tài sẽ nghiên cứu xây dựng nhiều mạng lưới như: Mạng lưới các thiết bị cảm biến chất lượng không khí; Mạng lưới các thiết bị cảm biến độ mặn; Mạng lưới camera thu thập dữ liệu về tình hình an ninh trật tự; Mạng lưới camera thu thập dữ liệu về lĩnh vực giao thông. Theo TS. Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, chủ nhiệm đề tài: “Bên cạnh những nội dung nghiên cứu đã đưa ra, sắp tới, đề tài có thể bổ sung, mở rộng thêm các lớp thiết bị khác khi cần. Ví dụ như thiết bị cảm biến nước, cảm biến độ sụt lún,... Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến của hội đồng để hoàn thiện thuyết minh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài trong thời gian tới”.

Cũng như những năm trước, năm nay, các nhiệm vụ KHCN thuộc lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số trong danh mục thực hiện. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực và triển vọng của tỉnh đã xem xét, nghiên cứu để mang lại hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà. Đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu mít trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”, do TS. Dương Thị Phượng Liên làm chủ nhiệm và Trường Đại học Cần Thơ là tổ chức chủ trì, sẽ nghiên cứu quy trình chế biến các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu mít Hậu Giang như: mít tách múi đóng khay/hộp, mít sấy giòn, mít sấy dẻo, bột mít hòa tan, mít non đóng hộp,... Những sản phẩm này sau khi đưa vào sản xuất rộng rãi, dự đoán là sẽ tạo nên thương hiệu đặc sản. Từ đó nâng tầm trái mít, một trong 6 loại nông sản chủ lực của tỉnh, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm và giải quyết việc làm.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là định hướng phát triển của nền nông nghiệp Hậu Giang trong thời gian tới. Do đó, tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, sẽ thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang” và dự án “Xây dựng mô hình, chuyển giao công nghệ sản xuất dưa lưới trong nhà màng và chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ trái dưa lưới tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang”. Từ những mô hình trồng dưa lưới, măng tây, cải xoăn kale, cải cầu vồng được thực hiện tại khu, các nhóm nghiên cứu sẽ rút ra được quy trình, kỹ thuật trồng trọt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Hậu Giang. Là cơ sở để nhân rộng các mô hình này và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cả tỉnh.

Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng thực hiện hai đề tài: “Nghiên cứu quy trình “quản lý bệnh tổng hợp” trên lươn đồng (Monopterus albus Zuiew, 1973) ương giống và nuôi thương phẩm ở tỉnh Hậu Giang”; “Giải pháp phát triển bền vững đàn heo tại Hậu Giang”. Các đề tài đều tập trung nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh và giải pháp phòng trị bệnh trên các loại vật nuôi, như bệnh truyền nhiễm (do vi khuẩn, nấm, vi-rút, ký sinh trùng) trên lươn đồng và dịch tả heo châu Phi trên đàn heo ở tỉnh Hậu Giang. Qua đó, giúp hạn chế thấp nhất những thiệt hại trong chăn nuôi, giúp người nông dân đạt được năng suất, chất lượng và lợi nhuận cao hơn.

Ngoài ra, còn có nhiều đề tài, dự án phục vụ sự phát triển kinh tế, du lịch, thủy lợi,... của tỉnh nhà.

Các nhiệm vụ KHCN năm 2021 hứa hẹn sẽ đưa KHCN gắn liền với thực tế đời sống, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân.

Thực hiện chủ trương lớn của tỉnh

 

Xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh là một trong những chủ trương lớn của tỉnh trong thời gian tới. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mạng lưới các thiết bị IoT của tỉnh Hậu Giang phục vụ phát triển Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh” nhằm thực hiện chủ trương này.

Theo TS. Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, chủ nhiệm đề tài: “Bên cạnh những nội dung nghiên cứu đã đưa ra, sắp tới, đề tài có thể bổ sung, mở rộng thêm các lớp thiết bị khác khi cần. Ví dụ như thiết bị cảm biến nước, cảm biến độ sụt lún,... Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến của hội đồng để hoàn thiện thuyết minh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài trong thời gian tới”.

 

ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>