Khoa học và công nghệ giải quyết các vấn đề thực tiễn: Vào cuộc nhưng chưa đi tới cùng

09/01/2024 | 16:53 GMT+7

Với mong muốn chung tay giải quyết những vấn đề từ thực tiễn đặt ra tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thời gian qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã nỗ lực vào cuộc với nhiều chương trình, đề tài, dự án.

Bài 2: Đề tài, dự án rất nhiều nhưng hiệu quả tới đâu?

Số lượng, quy mô của các chương trình, đề tài, dự án KH&CN đã khẳng định sự quan tâm, vào cuộc của lĩnh vực này đối với các vấn đề tại ĐBSCL nhưng hiệu quả mang lại trong thực tiễn vẫn còn là một vấn đề đáng bàn.

Có vào cuộc...

Thực tế, phải nhìn nhận là các nhiệm vụ KH&CN đã giúp nhiều người dân tiếp cận các tiến bộ khoa học – kỹ thuật và công nghệ mới.

“KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ (giai đoạn 2014 – 2020), là chương trình cấp quốc gia do Bộ KH&CN triển khai, dưới sự chủ trì của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo PGS. TS. Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: “Chương trình yêu cầu tiếp cận theo hướng liên ngành, liên vùng, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định, triển khai các chiến lược, mô hình và chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ. Đưa ngay những thành tựu KH&CN vào giải quyết các vấn đề bức xúc, mang lại hiệu quả tối ưu về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường sinh thái”.

Trong 6 năm thực hiện, chương trình đã triển khai 62 nhiệm vụ tại hầu hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trong đó, có 41 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và môi trường; 21 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Theo khung chương trình, có 19 nhiệm vụ phục vụ hoạch định chính sách, chiến lược; 17 nhiệm vụ nghiên cứu giải pháp KH&CN liên ngành; 26 nhiệm vụ ứng dụng giải pháp KH&CN vào thực tiễn. 100% nhiệm vụ triển khai trong chương trình đã và đang được chuyển giao, bàn giao cho các ban, bộ, ngành và địa phương.

Tiêu biểu là các đề tài “Khảo sát, đánh giá, xây dựng các giải pháp công nghệ hiện đại, tối ưu để sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm sinh khối (trấu) theo hướng sản xuất năng lượng bền vững” do Trường Đại học Bách Khoa chủ trì; “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý đồng bằng sông Cửu Long” do Trung tâm Ðịa Tin học, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì; đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ plasma lạnh trong nuôi trồng thủy sản” do Trường đại học Cần Thơ chủ trì,... bước đầu cung cấp cho ĐBSCL nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn. Xây dựng được các mô hình ứng dụng trong nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nông dân.

Đó là một trong nhiều chương trình KH&CN cấp quốc gia đã và đang triển khai tại ĐBSCL. Mỗi tỉnh, thành phố trong khu vực còn có các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp huyện, các hoạt động ứng dụng, chuyển giao KH&CN theo lĩnh vực trên địa bàn.

Qua đó, từng bước đưa KH&CN vào thực tiễn đời sống, sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách của vùng. Kết quả mà các mô hình, đề tài, dự án mang lại đã tiếp tục chứng minh, khẳng định vai trò nền tảng, động lực của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL và cả nước.

Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn nhận kết quả từ việc triển khai các mô hình, đề tài, dự án, có thể thấy, những gì mà KH&CN mang lại vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Đã đi tới đâu ?

Đề tài “Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị cho ngành hàng cây có múi (bưởi và cam sành) ở vùng Tây Nam Bộ”  được Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020. Trong bối cảnh hầu hết diện tích sản xuất bưởi và cam sành ở nơi đây đều có qui mô nhỏ, chưa tuân thủ các qui trình canh tác nông nghiệp sạch, dẫn đến sản lượng nông sản thiếu đồng bộ, khó để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp kinh doanh trái cây, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Sau khi triển khai, đề tài đã giúp cho hơn 150 diện tích đất trồng bưởi da xanh, bưởi Năm Roi và cam sành tại 3 hợp tác xã ở các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long và Bến Tre, đạt được tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng chuỗi giá trị cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng, sau khi nghiệm thu, tính lan tỏa của dự án chưa cao. Bằng chứ là đầu ra của các loại nông sản trên vẫn chưa thể cải thiện, nếu không muốn nói là kém ổn định hơn. Đỉnh điểm là trong năm 2023, cam sành và bưởi Năm Roi đều lần lượt rớt giá, khiến nhiều nông hộ rơi vào cảnh “khốn đốn”.

KH&CN chưa thể phục hồi và phát triển bền vững đặc sản quýt đường Long Trị của tỉnh Hậu Giang.

Tại Hậu Giang, nơi vốn nổi danh với đặc sản quýt đường Long Trị, bưởi Năm Roi Phú Hữu,… cũng đã tập trung triển khai nhiều nhiều vụ KH&CN các cấp trên những loại nông sản này. Năm 2014, khi tỉnh xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị”, cũng là thời điểm mà diện tích cây quýt đường tại xã Long Trị, thị xã Long Mỹ đã giảm đáng kể. Vừa nỗ lực phục hồi loại cây này, tỉnh vừa giao Trung tâm Tư vấn phát triển thương hiệu Việt Nam, chủ trì thực hiện dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị” dùng cho sản phẩm quýt đường của tỉnh Hậu Giang”.

Nhưng đến thời điểm nghiệm thu dự án vào năm 2022, diện tích quýt đường tại Long Trị chỉ còn 6ha, và tiếp tục giảm dần còn 4ha vào cuối năm 2023. Gắn bó hơn nửa đời người với cây quýt đường, ông Nguyễn Văn Thuấn, ở ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Những năm 2000, cây quýt đường trồng ở đây bắt đầu bị nhiễm bệnh vàng lá, vàng lá gân xanh. Tôi cũng kiên trì mấy năm, áp dụng nhiều biện pháp nhưng không có hiệu quả, nên đành chuyển sang trồng loại cây khác để đảm bảo cuộc sống gia đình”.

Đó cũng là lựa chn của nhiều hộ nông dân tại vùng trồng quýt đường Long Trị. Điều này đồng nghĩa với việc, dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị” dùng cho sản phẩm quýt đường của tỉnh Hậu Giang” tuy được nghiệm thu với đầy đủ sản phẩm, nhưng không thể áp dụng rộng rãi trong thực tế.

Từ một dự án được kỳ vọng sẽ giúp thương hiệu “Quýt đường Long Trị” của tỉnh Hậu Giang bay cao, bay xa, giờ đây, phải bất đắc dĩ cất vào ngăn tủ, chờ đợi một ngày nào đó quýt đường Long Trị được phục hồi.

Đây là thực trạng chung của nhiều nhiệm vụ KH&CN hiện nay. Tuy đề tài, dự án nào cũng được triển khai dựa trên tính cấp thiết, nhưng qua thời gian thực hiện, có nhiều yếu tố đã dần thay đổi.

Vì vậy khi nghiệm thu, một số sản phẩm của nhiệm vụ không còn phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến khó chuyển giao và ứng dụng, hoặc có ứng dụng nhưng lại chưa lan tỏa rộng rãi, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét. Ngoài ra còn có những nhiệm vụ không đạt kết quả như mong đợi, không thể đưa vào ứng dụng.

Thực tiễn đã cho thấy những gì mà KH&CN mang lại chưa thực sự hiệu quả như kỳ vọng. Vậy nguyên nhân do đâu và làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

ĐANG THƯ – HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>