Khoa học và công nghệ giải quyết các vấn đề thực tiễn: Vào cuộc nhưng chưa đi tới cùng

08/01/2024 | 16:44 GMT+7

Trong bối cảnh hiện nay, khoa học và công nghệ (KH&CN) phải gắn liền với thực tiễn, tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo của sự thành công.

 Tuy nhiên, dù rất được kỳ vọng nhưng thực tế chưa có những sự bứt phá, khi nhiều vấn đề KH&CN hiện nay đa phần nằm trên bàn giấy hoặc nghiên cứu là chính...

Bài 1: Miền Tây và những nỗi lo lớn...

Những năm gần đây, thực tiễn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang đặt ra nhiều vấn đề. Vậy KH&CN có thể giải quyết hiệu quả những vấn đề này ?.

BĐKH đang gây ra nhiều tác động tiêu cực cho đời sống cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL.

Thiên nhiên “lên tiếng”

Hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở,… là những “từ khóa” thường được nhắc đến khi nói về ĐBSCL trong thời gian gần đây. Được xem là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước, nhưng hiện nay, khu vực này đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, với diễn biến ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và khó lường, gây tác động tiêu cực đến tất cả các ngành, lĩnh vực và thành phần kinh tế.

Với hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt và hơn 740 km bờ biển, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuất hiện gần 800 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.100 km. Cũng trong khoảng thời gian này, nước ta đã đầu tư và có kế hoạch đầu tư hơn 16.200 tỉ đồng để vùng xây dựng gần 220 công trình kè chống sạt lở, với chiều dài trên 300 km. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở tại đây vẫn diễn biến ngày càng nghiêm trọng.

Hậu Giang là tỉnh nằm trong nội địa, có vị trí trung tâm của ĐBSCL. Dù ít chịu tác động từ chế độ thủy triều biển Đông, biển Tây, nhưng tình trạng sạt lở tại tỉnh khá phức tạp. Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 63 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 1.550m, diện tích mất đất 9.362 m2, tăng 46 điểm so với cùng kỳ năm 2022, gây thiệt hại trên 5,6 tỉ đồng. Những tháng đầu năm 2024, sạt lở liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy.

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, nhận định: “Tình trạng sạt lở tại ĐBSCL đang ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, những giải pháp để ứng phó hoặc là quá tốn kém, hoặc là không hiệu quả. Có những giải pháp lại không bền vững về mặt thời gian, có giải pháp mang lại hiệu quả được một thời gian đầu, thời gian sau thì tình trạng sạt lở tiếp tục lặp lại”.

Những tháng đầu năm 2024, ĐBSCL còn phải đối mặt với vấn đề hạn mặn. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 10-3, các tỉnh trong khu vực bước vào cao điểm của đợt nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn,... Hiện tượng này đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng. Đáng chú ý là hạn mặn đang có chiều hướng nghiêm trọng hơn qua mỗi năm, trở thành một vấn đề “đau đầu” của vùng.

Bên cạnh những “bài toán” khó giải trên, hiện nay ĐBSCL vẫn đang đối mặt với những nguy cơ do nước biển dâng, mà tiêu biểu là tình trạng mưa lớn kèm theo triều cường đã làm nhiều vùng trũng thuộc các tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu,… bị ngập sâu. Tuy nhiên, trong dòng chảy sông Mê Kông về đồng bằng những năm gần đây, lượng phù sa màu mỡ cho sản xuất nông nghiệp đang giảm dần.

Trước những vấn đề trên, người dân ở ĐBSCL chỉ còn biết “than trời”!

Cần sớm tìm các giải pháp KH&CN hữu hiệu để ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL.

Người dân “than trời”

Sống dọc theo bờ sông Nước Đục, ông Trần Minh Hiền, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, đang nơm nớp lo sợ xâm nhập mặn sẽ làm ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái gần 2ha của gia đình mình. Ông chia sẻ: “Mấy hôm nay, ngày nào tôi cũng xem thời sự để theo dõi tình trạng xâm nhập mặn ở địa phương. Dù các cống ngăn mặn tại địa phương đã được đóng từ sớm, nhưng nghe nói nước mặn đã xâm nhập ở gần đây làm tôi cũng thấy lo lắng. Vào mùa khô này, ngày nào tôi cũng phải tưới cho cây, lỡ mặn vào tới thì tôi không biết phải làm sao”.

Nỗi lo của ông Hiền cũng là nỗi lo chung của nhiều người nông dân tại ĐBSCL trong giai đoạn hiện nay. Là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước, khu vực này đang đóng góp trên 31,3% GDP toàn ngành nông nghiệp, với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại,… Sản xuất nông nghiệp đang là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nơi đây.

Sản xuất nông nghiệp đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi BĐKH.

Thời gian qua, các điều kiện thời tiết cực đoan đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL. Không chỉ làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm, biến đổi khí hậu còn là “tác giả” của những “bức tranh” đồng ruộng khô cằn, nứt nẻ hay vườn cây ăn trái bị nhấn chìm trong nước. Đã có những người nông dân phải bất lực đứng nhìn công sức chăm bón của mình dần lụi tàn. Kéo theo đó là nỗi lo về kinh tế từng hộ gia đình, rồi kinh tế - xã hội tại địa phương, xa hơn nữa là của vùng và cả nước.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước, hiện nay, nhiều nông sản tại ĐBSCL phải đạt các tiêu chuẩn về nông nghiệp sạch như VietGAP, GlobalGAP,… Đồng thời, liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm để tạo thành chuỗi giá trị nông sản; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nông nghiệp,… Thế nhưng, với phần lớn nông dân vốn đã quen sản xuất theo hướng truyền thống, không dễ để họ tiếp cận và thay đổi. Điều này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản trong vùng. Điệp khúc “được mùa, mất giá” cũng vì thế mà thường xuyên diễn ra.

Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, khẳng định: “ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế. Việc xây dựng và triển khai các giải pháp với tầm nhìn dài hạn, bền vững, phù hợp, mang tính khả thi để thích ứng với những biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay”. Ngoài ra, khu vực này còn tồn tại nhiều vấn đề về công nghệ hiện đại; vốn nhân lực; kết nối hạ tầng; môi trường đầu tư, kinh doanh; cơ chế quản trị, hợp tác liên vùng,…

 Trước những vấn đề trên, thời gian qua, KH&CN đã nỗ lực vào cuộc nghiên cứu, ứng dụng. Tuy nhiên, tính khả thi, khả năng lan tỏa và hiệu quả của các đề tài, dự án còn là câu hỏi mà có lẽ chưa ai dám trả lời một cách khẳng định.

ĐANG THƯ – HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>