Đưa nghị quyết về khoa học công nghệ vào cuộc sống

14/12/2017 | 08:38 GMT+7

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ngành khoa học ứng dụng nhiều giải pháp giúp nông sản Hậu Giang bắt kịp xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cụ thể hóa nghị quyết

Để Nghị quyết được thực hiện hiệu quả, đúng yêu cầu, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 141a-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Chương trình số 141a). Bám theo nghị quyết và hướng dẫn cụ thể của Chương trình số 141a, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh đã cụ thể hóa qua những việc làm, hành động cụ thể.

Song song với việc nghiên cứu khoa học, tìm ra những cây, con giống mới, ngành KH&CN tỉnh quan tâm đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế. Những năm qua, các cán bộ khoa học công nghệ tỉnh đã làm tốt nhiệm vụ, đưa khoa học đến phục vụ sản xuất đáp ứng theo nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể như thực hiện các dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen sạch bệnh ở Hậu Giang”. Dự án này được triển khai tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh. Cán bộ ngành khoa học áp dụng hiệu quả của công nghệ sinh học cấy mô đỉnh sinh trưởng để tìm ra cây sạch bệnh vi-rút gây bệnh héo khô đầu lá. Nhờ vậy, người trồng khóm trong HTX và khu vực này đã phục hồi được 35ha khóm sạch bệnh. Bước đầu ổn định thu nhập và tiếp tục phát triển nghề trồng khóm. Ông Vu Suổi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, tâm đắc: “Nông dân trồng khóm ở đây rất sợ bệnh này, bởi khi cây mắc bệnh chỉ có chặt bỏ, trồng lại cũng không được. Nhưng nhờ các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất ra cây khóm sạch bệnh và hướng dẫn cách xử lý cây bệnh nên mới trồng, khôi phục được vùng khóm, phát triển ngành nghề cho đến nay”.

Theo nhu cầu đòi hỏi khắt khe của thị trường thì nông sản phải đảm bảo chất lượng, an toàn. Từ đó, ngành khoa học tiếp tục hỗ trợ người trồng khóm xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, sản xuất theo chuẩn an toàn VietGAP. Bên cạnh đó, còn phối hợp cùng các ngành, địa phương nên năm 2015 nhãn hiệu “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang” được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu. Ngoài ra, khóm Cầu Đúc còn được xây dựng và sản xuất theo chuẩn an toàn VietGAP với quy mô 50ha. Cũng nhờ những hỗ trợ này, đến nay khóm Cầu Đúc của Hậu Giang nói riêng và của nông dân xã Hỏa Tiến, HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng nói chung nổi danh cả nước, khi sản phẩm được tin dùng. Hơn nữa, khóm Cầu Đúc còn đa dạng hóa sản phẩm thành mứt khóm, nước khóm ép, nước khóm chanh dây, rượu vang, bánh khóm nướng... Các sản phẩm này phục vụ nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của người tiêu dùng ở mọi lĩnh vực, mọi độ tuổi và vùng miền.

Thu hút đầu tư cho khoa học

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại học Cần Thơ, nhận định: “Tỉnh Hậu Giang thời gian qua đã phát hiện được nhiều vấn đề, tiến hành nghiên cứu theo yêu cầu, bức xúc của người dân; quan tâm khai thác tiềm lực khoa học công nghệ của các viện, trường để vực dậy tiềm lực kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư chủ yếu là ngân sách nhà nước, sự vào cuộc của các tổ chức ngoài nhà nước, doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ còn khiêm tốn. Vì vậy, khả năng phát triển khoa học công nghệ để đáp ứng theo sự phát triển của xã hội chưa xứng với tiềm năng”. Đồng ý với nhận định trên, ngành khoa học và công nghệ tỉnh nhận thấy mức tăng giá trị giao dịch của thị trường khoa học công nghệ vẫn còn yếu, thiếu. Tỉnh ta đang tích cực kêu gọi, tìm kiếm các doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp KH&CN để tăng giá trị giao dịch của thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, qua công tác kêu gọi, tỉnh đã nhận được nhiều sự tham gia, tìm hiểu của các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã tìm đến đưa sản phẩm công nghệ vào ứng dụng thực tế trên ruộng lúa của nông dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đang dự kiến mở rộng thêm trên các loại cây ăn trái như xoài, quýt, bưởi... Theo ông Chang Hyeok Chang, đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc, ngoài cây lúa, Tổ chức chuyển giao công nghệ và thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp Hàn Quốc (Tổ chức FACT) muốn mở rộng đầu tư thêm trên cây ăn trái là khóm, quýt, bưởi và xoài.

Tiến sĩ Lee SangHuyk đến từ Tổ chức FACT cũng đã đến trực tiếp để tìm hiểu, đầu tư và dự kiến sẽ đưa những ứng dụng mới vào Hậu Giang. Ngoài ra, Tổ chức FACT đã chọn vị trí và sẽ đầu tư dây chuyền công nghệ mới để sản xuất phân bón vi sinh, phân hữu cơ phục vụ nhu cầu sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Dự kiến, sản phẩm này được sử dụng trên những loại nông sản mà Tổ chức FACT sẽ thử nghiệm tại Hậu Giang. Nếu đạt kết quả tốt, các sản phẩm này sẽ được hướng đến xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đây là hướng gợi mở mới, giúp nông sản Hậu Giang thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc, tăng doanh thu cho nông dân và kinh tế của tỉnh.

Trong 5 năm qua, bằng những việc làm, ứng dụng cụ thể cho thấy vai trò của KH&CN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được nâng cao. Sự đóng góp này góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế. Công tác quản lý KH&CN được đổi mới theo hướng coi trọng, hiệu quả, hợp tác quốc tế về KH&CN được mở rộng. Từ đó, đã khuyến khích mở rộng các dự án KH&CN có sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng để tỉnh từng bước thực hiện mục tiêu phát triển theo hướng hiện đại hóa của cả nước.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>