Quả ngọt từ các phong trào khởi nghiệp của phụ nữ

27/10/2023 | 08:09 GMT+7

Với phẩm chất cần cù, năng động, sáng tạo, vượt khó, cùng sự chung tay tiếp sức của các ngành, các cấp, nhiều chị em phụ nữ của tỉnh đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến thử thách thành cơ hội và khẳng định được vị thế trong gia đình và xã hội.

Chị Lê Thị Diễm Ái (giữa) khởi nghiệp thành công từ sản xuất, kinh doanh bánh mì mặn, ngọt.

Những dự án chất lượng

Mang về giải Ba chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023, dự án “Mô hình sản xuất và kinh doanh hoa sáp” của chị Bùi Thị Yến Nhi, ở ấp Thị Trấn, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành đã làm nhiều người khâm phục. Bởi mô hình không chỉ giúp chị khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình mà quan trọng là mọi người thấy được năng lực, bản lĩnh của cô gái tuy thân hình nhỏ bé nhưng khát vọng vươn lên vô cùng mạnh mẽ.

Chị Yến Nhi chia sẻ: “Nhận được giải thưởng tôi vui lắm. Tham gia cuộc thi, tôi luôn muốn mọi người biết đến mình là một cô gái giàu ý chí và có năng lực. Tôi muốn phát huy giá trị những gì tốt đẹp ở địa phương mình để giới thiệu cho bạn bè cả nước. Mong từ dự án của mình sẽ truyền năng lượng tích cực cho những hoàn cảnh khó khăn. Các bạn đừng mặc cảm, tự tin, cứ sống và làm việc bằng chính đam mê và năng lực của bản thân”.

Chị Yến Nhi đã biến những bông hoa sáp đơn sơ thành những thiết kế rất riêng biệt, lung linh sắc màu; mang đến cho cuộc thi một nét riêng độc đáo.

Mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh, tuy cơ thể ốm yếu nhưng nghị lực phi thường của chị đã vượt lên số phận. 4 năm trước vì mê hoa sáp, thấy cánh hoa đẹp mềm mại y như những bông hoa tươi thắm nên chị mới mày mò sáng tạo. Nghề dạy nghề, giờ nó trở thành mô hình khởi nghiệp nuôi sống gia đình của chị.

Nhớ lại những ngày đầu, chỉ có vài đơn hàng, đến nay, khách hàng của chị đến từ nhiều vùng, miền trong cả nước.

Chủ động nghiên cứu thị trường hoa sáp hiện nay và nắm bắt thị hiếu của khách, mỗi ngày chị đều cho ra những sản phẩm với mẫu mã mới, đẹp mắt… nhằm tăng sức cạnh tranh, giữ chân khách hàng.

Hiện cơ sở của chị có khoảng 10 chị em theo học nghề và làm công. Chị Yến Nhi chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy tự tin vì cơ thể của mình, vì vẻ bề ngoài thì mỗi người mỗi khác. Tôi cũng không buồn khi mọi người gọi mình là “nàng út ống tre”, mà vui hơn. Vì nó là động lực để bản thân vượt khó mỗi ngày. Tôi sẵn lòng hỗ trợ chị em có cùng đam mê với mình, nhất là những bạn khuyết tật giống mình muốn kinh doanh nhưng ít vốn, không có vốn, không biết làm từ đâu thì tôi có thể hỗ trợ, tư vấn, tạo việc làm cho chị em”.

Còn chị Lê Thị Diễm Ái, ở khu vực 4, phường I, thành phố Vị Thanh, khởi nghiệp thành công từ nghề “tay trái”: sản xuất, kinh doanh bánh mì mặn, ngọt.

Chị Ái chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi lúc trước rất khó khăn, nếu ngày người ta làm việc 8-10 tiếng thì tôi gần như gấp đôi từ 18-20 tiếng. Nhiều khi tôi cũng không biết sao mình phải cực vậy, nhưng vì muốn phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện tốt nhất cho con trai đi học đại học nên tôi phải cố gắng”.

Nói về việc khởi nghiệp, chị Ái bộc bạch: “Mới đầu tôi chỉ có tiệm bánh nhỏ để bán trước nhà, nguồn vốn không nhiều. Rồi thấy khách hàng ưa chuộng đặt hàng nhiều, một mình tôi làm không kịp nên rủ các anh chị em cùng làm, mua sắm thêm trang thiết bị làm bánh... Sau giờ dạy ở trường về, tôi mày mò học hỏi thêm mẫu mã công thức làm bánh trên mạng, chọn lựa mua nguyên liệu chất lượng, tốt nhất để tạo được những chiếc bánh ngon, đảm bảo sức khỏe cho người dùng.

Dự án “Bánh Pizza, Hamburger, bánh mì ngọt/mặn” của chị Ái đã đạt giải khuyến khích Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang lần thứ III năm 2023. Hiện ngoài cửa hàng chính ở khu vực 4, chị còn đặt thêm các tủ bánh tại huyện Vị Thủy, mở thêm chi nhánh tại thành phố Cần Thơ… Chị đã tạo công ăn việc làm cho 6 chị và 3 thợ làm bánh nam. Thu nhập của mỗi lao động làm tại tiệm bánh Lê Ái từ 3-7 triệu đồng tùy theo năng lực, tay nghề.

Nâng tầm giá trị phụ nữ

Khơi nguồn sáng tạo bằng những ý tưởng lóe lên từ những nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương, Dự án “Dầu gội dược liệu N22 - Siêu sạch gàu, ngăn rụng tóc” của chị Đặng Thị Kim Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tâm Phúc Thành, ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, đã tạo điều kiện công ăn việc làm cho hơn 20 chị em trong khu vực.

Chị Kim Ngọc cho biết: “Mỗi chị em tham gia làm việc, thu nhập hàng tháng cũng từ 4 triệu đồng trở lên. Làm ở công ty tôi, nếu chị em nào có ý tưởng và muốn kinh doanh tôi sẵn sàng chia sẻ bí quyết và hỗ trợ khởi nghiệp. Tôi thấy phụ nữ mình phải mạnh mẽ, tự tin, khi có ý tưởng nên chủ động chia sẻ cùng nhau. Một mình sẽ làm không được nên mình cùng hợp tác, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ địa phương để biến ý tưởng thành sản phẩm, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, khẳng định năng lực bản thân”.

Theo chị Kim Ngọc, chính việc thấy được huyện Vị Thủy có nguồn nguyên liệu là các vườn trầu rất rộng, nên đã hình thành ý tưởng và thực hiện khởi nghiệp từ trầu. Chị đã tạo nên các sản phẩm hữu ích từ nguồn nguyên liệu có sẵn của quê nhà. Dự án “Dầu gội dược liệu N22 - Siêu sạch gàu, ngăn rụng tóc” của chị Kim Ngọc cũng đã xuất sắc mang về giải Ba chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023.

Hay với dự án “Sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm thịt thực vật từ mít” của chị Cao Thị Cẩm Nhung, chủ cơ sở Mai Dương, phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy cũng được đánh giá cao.

Những sản phẩm làm từ mít được chị Nhung làm vào năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc kinh doanh của cơ sở gặp nhiều khó khăn. Vậy là chị quyết định thử đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và giới thiệu với một số khách hàng thân thiết, được mọi người đón nhận nhiệt tình. Từ đó, chị đã góp phần giúp người trồng mít có đầu ra ổn định hơn.

Dự án “Sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm thịt thực vật từ mít” đạt giải khuyến khích chung kết cấp vùng khu vực miền Nam, Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: “Các cuộc thi đã mang đến một sân chơi ý nghĩa để mỗi chị em phụ nữ khẳng định bản lĩnh, sức sáng tạo và khả năng của mình. Hoạt động khởi nghiệp bước đầu tạo ra những thay đổi trong tư duy, ý thức và cách thức khởi nghiệp phù hợp, giúp phụ nữ có khát vọng phát triển kinh doanh, khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo, tiếp sức cho nhiều chị em thay đổi nhận thức, mạnh dạn đổi mới, vượt qua thách thức để vươn lên làm chủ cuộc sống”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>