Đẩy mạnh khơi thông các động lực phát triển

09/02/2024 | 04:32 GMT+7

Mùa xuân này, Hậu Giang tròn 20 tuổi - dấu mốc son quan trọng đánh dấu hành trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà. Với những thành quả đạt được, Hậu Giang tỉnh trẻ đang cùng hòa nhịp trong sự phát triển chung với các địa phương trong cả nước.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, có những chia sẻ với Báo Hậu Giang nhân dịp năm mới.

Ông Võ Văn Thưởng (bìa phải), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước và ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,  thăm hỏi, tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Nhìn lại những chặng đường 20 năm phát triển với muôn vàn khó khăn, thách thức, mới thấy thành quả hôm nay thật ý nghĩa và đáng trân trọng.

Để lại ấn tượng nhất giai đoạn 10 năm đầu là cả hệ thống chính trị trong tỉnh tập trung cho nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách, người có công và các hộ gia đình nghèo khó. Cùng với đó là tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Hậu Giang có trọng tâm, trọng điểm với nguồn lực rất lớn từ tranh thủ được nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương. Cùng với đó từng bước hoàn thiện mạng lưới trường lớp, tuyến y tế từ tỉnh đến cơ sở. Bước đầu hình thành các khu, cụm công nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tạo nền móng cho sự tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách cho nhiều năm sau này.

Ông Vương Đình Huệ (thứ 2 từ trái qua), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Minh Khái (bìa trái), Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng lãnh đạo tỉnh chứng kiến giao - nhận bảng tượng trưng kinh phí xây dựng 100 căn nhà đại đoàn kết cho Tỉnh.

Những thành quả có tính nền tảng trên tạo tiền đề quan trọng để Hậu Giang tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn 5 năm tiếp theo. Trong giai đoạn này, nhiều chủ trương, giải pháp về tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã được triển khai thực hiện đồng bộ và xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản (chủ lực là lúa gạo, mía đường, thủy sản, cây ăn quả) đạt hiệu quả kinh tế cao. Chương trình nông thôn mới được chú trọng đầu tư; giải quyết việc làm cho trên 90 ngàn lao động; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân trên 2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,6 lần so với năm 2015, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2020 tăng trên 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (thứ 4 từ trái qua), cùng Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành (thứ 2 từ trái qua) tham quan gian hàng OCOP tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang.

Chính những thành quả to lớn đạt được trong từng giai đoạn phát triển của Tỉnh là nền tảng quan trọng cho giai đoạn tăng tốc phát triển bứt phá sau này.

Với tinh thần “đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, chương trình hành động của tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu tổng quát là nâng tầm và phát triển Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực và tiến tới cả nước. Với những định hướng chiến lược đúng đắn, bám sát các chủ trương, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, huy động được sức mạnh cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIV đến nay, tỉnh Hậu Giang đã đạt được những thành tựu toàn diện, ấn tượng, thể hiện sinh động qua những con số “biết nói”:

- Năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng Tỉnh có nhiều điểm sáng: kinh tế tăng trưởng dương 3,08%, cao hơn tăng trưởng cả nước 0,5%; kinh tế khu vực I (nông - lâm - thủy sản) tăng 4,04%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới thời điểm này; lần đầu tiên thu ngân sách trên địa bàn vượt qua 4.000 tỉ đồng, đạt mức 4.900 tỉ đồng.

Đến năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt 13,94%, đứng thứ tư cả nước về tỷ lệ tăng trưởng (tăng trên 30 bậc so với năm 2021). Cũng trong năm này, còn có dấu ấn đáng nhớ là Chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) lần đầu tiên tăng 26 bậc lên hạng thứ 12 trong bảng xếp hạng. Điều này minh chứng cho kết quả nỗ lực thực hiện các chỉ số cạnh tranh để góp phần đưa Tỉnh phát triển, thu hút nhà đầu tư, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Tiếp đà phát triển ấn tượng đó, năm 2023 đạt mức tăng trưởng 12,27%, năm thứ 2 liên tiếp đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên xếp thứ hai cả nước. Các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Đóng góp nhiều nhất trong tăng trưởng của Tỉnh là khu vực công nghiệp, xây dựng với mức đóng góp 8,22 điểm phần trăm, trong đó ngành công nghiệp đóng góp cao nhất với mức 7,59 điểm phần trăm; tiếp đến là khu vực dịch vụ với sự tăng trưởng mạnh của các ngành thương mại, dịch vụ ăn uống và một số dịch vụ khác, đóng góp 3,22 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,79 điểm phần trăm. Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm tăng cao vượt bậc, nằm trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng cao nhất cả nước, khoảng 20%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 80,33 triệu đồng, tăng 21,34% so với cùng kỳ. Quy mô nền kinh tế đạt 58.505 tỉ đồng (theo giá hiện hành), cao hơn 10 lần lúc thành lập Tỉnh…

Một sự kiện cũng mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, đó là lễ khánh thành bàn giao 1.400 căn nhà đại đoàn kết được tổ chức đúng vào Ngày kỷ niệm 20 năm thành lập Tỉnh (1-1-2024). Nếu tính bình quân mỗi hộ có 4 người thì khi xây dựng hơn 1.400 căn nhà, sẽ có trên 5.000 người được an cư lạc nghiệp. Như vậy đến nay, Hậu Giang đã cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát trên khắp địa bàn; lúc thành lập Tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30%, hiện giảm chỉ còn 3,8%.

Cũng phải kể đến các phong trào thi đua hướng đến kỷ niệm 20 năm thành lập Tỉnh trong năm qua đã diễn ra sôi nổi, lan tỏa rộng khắp. Cùng với kinh tế - xã hội bứt phá với nhiều chỉ số “chưa từng có” trước đó, thì trong năm qua đầy ắp các sự kiện “chưa từng thấy” về nội dung, ý nghĩa và quy mô mang tầm khu vực và quốc tế. Cụ thể như: Tuần lễ NASA Việt Nam - Hậu Giang, Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong delta; Giải marathon Mekong delta; Festival Áo bà ba; Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam; Lễ kỷ niệm và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất cùng với chương trình nghệ thuật chào mừng 20 năm thành lập Tỉnh… Những sự kiện trên không chỉ làm nức lòng người dân trong Tỉnh mà còn góp phần tích cực giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước về những tiềm năng, thế mạnh, thành tựu, hình ảnh đất và người Hậu Giang đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động.

Cùng với kết quả phát triển kinh tế - xã hội nổi bật, công tác xây dựng Đảng ở Hậu Giang với nhiều đổi mới, Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kết quả của công tác này?

- Thời gian qua, công tác xây dựng Đảng được tăng cường triển khai và tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, tạo nhiều chuyển biến thực chất trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Công tác quán triệt các văn bản của Trung ương kịp thời, bài bản đi liền với cụ thể hóa các văn bản của Tỉnh đảm bảo nội dung thiết thực và hiệu quả thực chất. Chỉ riêng năm 2023, Tỉnh ủy đã ban hành 6 Chỉ thị, 8 Nghị quyết; 3 Đề án. Trong đó có những văn bản có tính chiến lược như: Nghị quyết Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ… Cùng với đó, chất lượng thể chế hóa, ban hành các nghị quyết, đề án được nâng lên, đảm bảo đồng bộ, đúng quan điểm, nguyên tắc chung và phù hợp với điều kiện triển khai trong thực tiễn.

Tỉnh ủy cũng tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt đột phá chiến lược về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; nâng cao hiệu quả trong đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên. Coi trọng và triển khai nghiêm túc, bài bản công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ, đảm bảo đúng quy định, quy trình, đúng người. Tỉnh cũng đi đầu trong xây dựng Đề án vị trí việc làm và khung năng lực cán bộ (năm 2023 đã hoàn thành và chính thức triển khai trong các cơ quan đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị trong Tỉnh từ tháng 1-2024). Chủ động nghiên cứu và đưa vào triển khai vận hành Sổ tay đảng viên điện tử Đảng bộ tỉnh. Thành lập Hội đồng khoa học các cơ quan đảng tỉnh Hậu Giang.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp được thực hiện toàn diện, đồng bộ. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên rõ nét.

Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị theo hướng ngày càng sát thực tiễn. Công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân được thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả, hình thức và nội dung không ngừng đổi mới.

Công tác tuyên giáo và hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Bám sát chủ trương, nghị quyết của cấp trên, chương trình, kế hoạch năm và cả nhiệm kỳ của từng tổ chức, gắn với nhiệm vụ chính trị của Tỉnh để tổ chức triển khai với các phong trào, hoạt động thiết thực, hiệu quả, có chiều sâu.

Thưa Ông, nhiều người ấn tượng với những bứt phá kể trên và cũng muốn được giải mã “công thức phát triển” của Hậu Giang: Vì sao một tỉnh nhỏ, xuất phát điểm thấp lại có sức bật mạnh mẽ như vậy ?

- Để đánh giá một cách toàn diện thì phải phân tích ở nhiều góc độ. Nhưng theo Tôi, tỉnh Hậu Giang đang hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đặc biệt là khát vọng muốn nâng tầm phát triển phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Tinh thần đổi mới, quyết tâm cao và khát vọng lớn; xác định cho được các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt cũng như lâu dài để tập trung thực hiện.

Trên tinh thần đó, thời gian qua Tỉnh luôn bám sát chặt chẽ các nghị quyết, chỉ thị, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đổi mới thực chất phương thức lãnh đạo của Đảng, trọng tâm là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương, các nghị quyết, chương trình của Tỉnh, tập trung triển khai các đột phá chiến lược, hiện thực hóa các nghị quyết, chương trình, đề án đã ban hành với nhiều định hướng mới, sáng tạo, làm kim chỉ nam cho sự phát triển của Tỉnh.

Minh chứng rõ nhất là trong xây dựng Chương trình số 50-CTr/TU (Chương trình 50) thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đã thể hiện sâu sắc tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”. Đây là chương trình hành động của các chương trình hành động, với ý chí quyết tâm và khát vọng lớn, tích hợp đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực. Chương trình đề ra mục tiêu là nâng tầm và phát triển Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực và tiến tới cả nước. Tạo dựng các nền tảng bền vững cho tăng trưởng, với các nhiệm vụ: Gia tăng bền vững thu ngân sách để tăng nguồn lực đầu tư phát triển. Chuẩn bị hạ tầng tăng tốc phát triển. Cải thiện môi trường kinh doanh. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu…

Qua hơn 2 năm Chương trình số 50 đi vào cuộc sống, Tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Nhận thức và tư duy phát triển của cán bộ, đảng viên và người dân có sự thay đổi rõ nét, tạo ra động lực mới cho quá trình thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Và với đà kết quả này, trong năm nay, Tỉnh sẽ tự tin về đích trước phần lớn các chỉ tiêu chủ yếu của cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Quy hoạch phát triển Hậu Giang thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch sẽ có nhiều động lực mới tạo đột phá cho sự phát triển, vậy việc triển khai thực hiện quy hoạch này thế nào, thưa Ông ?

- Quy hoạch của Tỉnh nhận được sự đánh giá rất là cao của các chuyên gia và Hội đồng quy hoạch, trong đó thể hiện khát vọng lớn cho phát triển, có chiến lược rất là cụ thể, rõ ràng, xác định mục tiêu đưa Hậu Giang vươn lên phát triển nhanh, bền vững, toàn diện và bao trùm.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Tỉnh trong quy hoạch đều đón đầu, tận dụng tiềm năng cơ hội mới, vượt trội để tăng tốc. Trong đó có 4 mục tiêu lớn vừa là thách thức vừa là động lực mới, thể hiện đúng tinh thần của Tỉnh là “đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”:

Thứ nhất, mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá về công nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay quy mô kinh tế của Tỉnh đang đứng thứ 13 ở vùng, muốn đạt mục tiêu này, Hậu Giang phải vươn lên vị trí thứ 7 trở lên.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 8%/năm; đến năm 2026-2030 tăng lên 10-12%. Như vậy cả hai giai đoạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hậu Giang đạt khoảng 9%, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn hiện nay, tăng 1,5 lần so với đồng bằng sông Cửu Long và tăng 1,4 lần so với cả nước.

Thứ ba, từ một tỉnh phụ thuộc ngân sách trung ương gần 70%, đến năm 2030, Hậu Giang phấn đấu cân đối được thu, chi ngân sách, không phụ thuộc quá lớn vào nguồn Trung ương hỗ trợ.

Thứ tư, tỉnh Hậu Giang phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 150 triệu đồng, bằng 85% mức bình quân của cả nước và tương đương 103% mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trong Quy hoạch, Tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Thực hiện đồng bộ các giá trị cốt lõi của Quy hoạch tỉnh, đó là: Phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường phải là quan điểm chủ đạo, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến. Thuận thiên trên cơ sở chủ động thích ứng, kiểm soát…

- Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nông nghiệp là trụ đỡ, công nghiệp là trụ cột phát triển; thương mại - dịch vụ là động lực tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

- Đầu tư là giải pháp tối quan trọng. Phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển tạo thay đổi tình hình. Phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững. Ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng như giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ.

- Quyết tâm đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện rõ nét chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường chuyển đổi số; kiến tạo phát triển và đồng hành với người dân, doanh nghiệp.

- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án ngành, nghề trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển của Tỉnh; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ.

- Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ.

Tựu chung, nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề, vì vậy rất cần sự vào cuộc đồng bộ của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang quyết tâm phát huy truyền thống đoàn kết gắn bó, tiếp tục vượt qua khó khăn thử thách để đổi mới, hội nhập và phát triển toàn diện, tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn Ông đã dành cho Báo Hậu Giang cuộc phỏng vấn này !

NGUYỄN TẤN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>