Cần nghiên cứu bổ sung những hành vi cấm đối với công trình quốc phòng và khu quân sự

27/10/2023 | 08:07 GMT+7

Thảo luận ở Hội trường tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, đã tham gia đóng góp một số nội dung để dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thêm hoàn thiện và dễ thực hiện.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, phát biểu thảo luận ở Hội trường Quốc hội.

Bên cạnh thống nhất cao về báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua nghiên cứu dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cũng cơ bản thống nhất với các nội dung trong quy định của dự thảo luật.

Tuy nhiên, về bố cục, kỹ thuật lập pháp, dự thảo luật gồm có 6 chương, 34 điều, còn một số nội dung chung chung, các quy phạm pháp luật mang tính khái niệm rất là nhiều. Chẳng hạn như trong dự thảo luật có 9 điều (gần 1/3 các khoản, điều khoản trong luật) quy định giao Chính phủ, Bộ Quốc phòng quy định chi tiết là khá nhiều so với các bố cục, điều khoản của luật.

Vì vậy, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, luật hóa các vấn đề cần quy định chi tiết bằng quy phạm pháp luật trong dự thảo luật để thực hiện thống nhất, nhằm nâng cao tính khả thi trong thực tiễn khi luật được thông qua và có hiệu lực, tránh tình trạng khi luật có hiệu lực phải mất thời gian chờ các văn bản hướng dẫn áp dụng.

Về chính sách của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 4, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng, chính sách này rất phù hợp, nhưng để triển khai được thuận lợi, Ban soạn thảo cân nhắc luật hóa bằng quy định hoặc có cơ chế riêng theo việc đầu tư xây dựng các dự án, công trình quốc phòng, khu quân sự, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất rừng.

Chưa kể, việc đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sang đất quốc phòng để xây dựng các công trình quốc phòng, khu quân sự thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, thủ tục kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và giải ngân vốn đầu tư. Đây là vấn đề còn khá bất cập, vướng mắc trong thực tiễn. Bởi tại khoản 1 quy định “bảo đảm nguồn lực cho quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, ưu tiên địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, công trình quốc phòng, khu quân sự đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc”.

Đối với việc phân loại công trình quốc phòng, khu quân sự, kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung cụm từ “thành cổ, pháo đài cổ” vào phần giải thích từ ngữ tại Điều 2, để khi luật được ban hành sẽ dễ dàng áp dụng trong thực tiễn. Bởi theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam, tại Điều 5 khoản 2 điểm a quy định “công trình quốc phòng là công trình chỉ huy, công trình tác chiến, bảo đảm tác chiến, công trình sơ tán thời chiến của bộ, ngành Trung ương, sân bay quân sự, bến cảng quân sự, hang động tự nhiên được cải tạo hoặc quy hoạch sử dụng cho nhiệm vụ tác chiến, phòng thủ; thành cổ, pháo đài cổ, hầm, hào, lô cốt do lịch sử để lại”. Vậy, các cụm từ “thành cổ, pháo đài cổ” được hiểu như thế nào, cần phải được phân tích, làm rõ.

Với những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, phân tích, về tổng thể của điều luật này chủ yếu tập trung vào việc quy định những hành vi bị cấm đối với đối tượng là công trình quốc phòng và khu quân sự mà chưa đề cập tới những hành vi bị cấm đối với đối tượng là khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, công trình quốc phòng và khu quân sự, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật, hệ thống ăng ten quân sự.

“Tại Điều 18 quy định tương đối chi tiết chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, công trình quốc phòng và khu quân sự, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật, hệ thống ăng ten quân sự. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung những hành vi cấm đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, công trình quốc phòng và khu quân sự, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật, hệ thống ăng ten về quân sự để đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các điều luật”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam lý giải.

MỸ XUYÊN - GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>