NGĂN CHẶN “PHÍM CHIẾN” VÙNG MIỀN TRÊN MẠNG XÃ HỘI - KHÔNG ĐỂ BỊ LỢI DỤNG PHÁ HOẠI KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC

25/09/2023 | 14:15 GMT+7

Trên mạng xã hội, trong đó có Tik-Tok, mấy tháng nay xuất hiện nhiều tài khoản hoạt động chủ yếu mang nội dung “phím chiến” về vùng miền với thái độ của người dùng, người bình luận, trả lời bình luận đa số không mấy thiện cảm. Điều này đặt ra vấn đề về mối quan hệ, tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Qua theo dõi nhận thấy, có nhiều nick ảo trên mạng xã hội hoặc nick ẩn danh với những bình luận tiêu cực, công kích, miệt thị, kích động, gây ra nhiều phản ứng khác nhau, làm phức tạp thêm. Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm soát hiệu quả hơn để ổn định tình hình, không để bị bọn xấu lợi dụng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mạng xã hội ra đời góp phần rất lớn trong phát triển nhiều mặt của đời sống, để mọi người trên thế giới gần nhau hơn bởi ai cũng có thể trao đổi trực tiếp, gián tiếp trên không gian này. Cũng gì dễ trao đổi nên người dùng có điều kiện hiểu biết thêm nhiều điều về kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của các địa phương. Thấu hiểu là để yêu thương, nhưng không hoàn toàn như vậy.

Đăng lại bình luận làm gay gắt thêm tình hình

Trên tài khoản “D. C. K”. thường xuyên đăng lại bình luận của các nick khác, trong đó có 1 bình luận nội dung: “dân MT toàn làm thuê làm mướn”.  Sau đó, “D. C. K”. dịch nghĩa từ viết tắt, bình phẩm chuyện làm thuê, làm mướn có hay không kệ người ta... Rồi kêu gọi cộng đồng mạng vào có thái độ tiêu cực với nick mà “D. C. K”. nhắc đến.

Tài khoản “T. Đ …87” thì đăng comment của người dùng “1581…15”: “lũ nghèo”, rồi thể hiện chính kiến của mình về nghèo giàu; nói luôn nghèo hay giàu của miền mình đang sinh sống không “nhám nhúa” như đã xảy ra của miền khác.

“T. Đ…87” còn đăng lại của một user “…206” nội dung : “dân miền Tây làm không chịu làm suốt ngày lo nhậu…”, gián tiếp để số người theo dõi, tương tác với “T. Đ… 87” tăng lên, nội dung bình luận gay gắt hơn,

Một nick “L. L. L” cũng nhiệt tình về chuyện “vùng miền”, đăng bình luận của một nick… “hahaha”: “nhà bằng cái chuồng gà”, rồi thẳng thắn bình phẩm, thể hiện chính kiến cuộc sống quê mình, nói luôn ở quê hương khác; công kích miền nọ này kia…

Còn rất nhiều tài khoản hoạt động tương tự như trên. Đỉnh điểm của “phím chiến” vùng miền người viết tiếp cận được đó là so sánh nhà chỉ bằng “cái toilet”, quyết “không đội trời chung”, “bữa ni nam bạc chiến nhau” - (nam bắc chiến nhau)…

Với chức năng cho phép thấy nhau khi bình luận, nêu chính kiến, mặt trái của mạng xã hội đã gián tiếp làm cầu nối gây ra hệ quả, hệ lụy như đề cập và không loại trừ những chuyện phức tạp khác.

Về mặt chính trị, pháp lý, một số ý kiến, bình luận chưa đến mức chịu chế tài, song đăng/phát lại bình luận công kích vùng miền như vậy đã trực tiếp một lần nữa mang đến cho người dùng mạng xã hội thêm suy nghĩ, ít nhiều tổn thương; khơi lại lòng tự ái, tự trọng trong con người vốn trước đây đã bỏ qua; nhiều tài khoản sau khi đăng lại bình luận đã làm gay gắt thêm tình hình bởi họ có số người theo dõi nhiều, ảnh hưởng lớn trong thế giới ảo…

Những bình luận có trách nhiệm

Mặc dù có đầy rẫy những bình luận, bình phẩm, xỉa xói, miệt thị, công kích nhau trên mạng xã hội như đã thấy, nhưng cũng có không ít bình luận, câu từ, lời nói thể hiện trách nhiệm cao, đem đến cho người đọc cảm giác bình an, thêm thân ái, đoàn kết nhau hơn.

Tài khoản “hai lúa” viết: “thôi ae miền nào cũng chung đất nước lên tittok chơi vui thôi đừng phân biệt vùng miền”.

Bạn “tung luong” thì sâu sắc hơn: “tôi miền Bắc yêu hết 63 tỉnh thành, 54 dân tộc. mong rằng các bạn sẽ không còn phân biệt vùng miền. ở đâu cũng có người này người kia”.

Tài khoản “Ông Bầu store” nhận thức được động cơ của người viết các bình luận tiêu cực nên nhắc nhở người tham gia: “Đừng mắc mưu kế chia rẻ của bọn phản động nha anh em trong Nam ngoài Bắc không phân biệt tất cả chúng ta đều là anh em”.

“Hung Tran” cũng viết phản bác lại bình luận của những “phím chiến” trước đó: “Đừng nghe lời kích động phân biệt vùng miền của bọn xấu âm mưu của chúng nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam đó cháu!”.

Nhằm để khẳng định những khuyến cáo của các comment trên đúng, tài khoản “ok123” viết in hoa hết cả phần bình luận của mình: BỌN PHẢN ĐỘNG NÓ TẠO RA RẤT NHIỀU CÁI TIN NHẮN ĐỂ CHỬI BỚI, PHÂN BIỆT VÙNG MIỀN, MÀY HIỂU CHƯA?

Với trình độ hiểu biết nhất định, thái độ bình tĩnh nói lý nói tình, ứng xử văn minh, nhiều người dùng mạng xã hội đã có những câu nói dung hòa; nhận ra được hành vi của bọn xấu, thế lực thù địch, bọn cơ hội chính trị trong việc thâm nhập vào thế giới phẳng để xúc phạm tinh thần dân tộc, gây ra những ngờ vực về đoàn kết, thương yêu trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Cơ quan chức năng thông tin: trên mạng xã hội hiện nay, rất nhiều bình luận sai sự thật, bóp méo, xuyên tạc, miệt thị, công kích mang nội dung xấu về vùng miền là của các thế lực thù địch, bọn phản động, cơ hội chính trị…

Chúng tận dụng triệt để mạng xã hội để làm xấu hình ảnh quê hương, con người trên mọi miền Tổ quốc, gây ra tư tưởng hoài nghi, mâu thuẫn trong toàn dân, dẫn đến “phím chiến” trên mạng xã hội như thời gian qua; thậm chí chúng còn sử dụng các nick ảo để bình luận dẫn dắt, hướng lái dư luận làm phúc tạp vấn đề; kêu gọi tẩy chay, lạnh nhạt, chia rẻ cộng đồng… Đây là hành vi hết sức thâm độc của thế lực thù địch mà chúng ta cần hết sức bình tĩnh ứng phó.

Tài khoản “tung luong” bình luận mang tinh thần đoàn kết.

Hãy tinh nhuệ hơn

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 9-2022, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 - 2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỉ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%.

Đảng ta luôn xác định, “đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đảng ta cũng khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của Nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thế giới phẳng mà mạng xã hội hiện nay có sức ảnh hưởng khá lớn; với số người dùng mạng xã hội chục triệu (đại đa số là tích cực), nếu người dùng bình tĩnh hơn, xem nhiều hơn “phím chiến” thì sẽ có những bình luận sâu sắc như đã nói.

Để phát huy “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của Nhân dân trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay, hạn chế đến mức thấp nhất không bị tác động, lôi kéo, lên mạng “phím chiến” gây chia rẻ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thì các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cần quan tâm thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là: Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, làm cho toàn dân hiểu đầy đủ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta. Trong đó nhấn mạnh Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam bổ sung một số nội dung, phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Khẳng định hơn nữa “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của Nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; sự lãnh đạo của Đảng là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hai là: Đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền Hiến pháp 2013 quy định: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hành vi lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể bị phạt tiền theo Nghị định 15/2020 của Chính phủ; phân biệt, miệt thị vùng miền còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ba là: Phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong nắm bắt đoàn viên, hội viên sử dụng mạng xã hội và tương tác tích cực. Tuyên truyền trong nhân dân nâng cao hơn nữa ý thức ứng xử trên môi trường mạng; mọi người cần tế nhị, cân nhắc trước khi nhận xét, bình luận; có thái độ, cảm xúc phù hợp; không nói xấu, kéo bè kéo cánh hạ thấp danh dự, nhân phẩm người khác, vùng miền khác…

Bốn là: Thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an ninh mạng, an ninh phi truyền thống trong tình hinhg mới. Cơ quan chức năng (Công an, Sở Thông tin và Truyền thông…) cần phối hợp thường xuyên trong nắm các tài khoản, nhóm mạng xã hội hoạt động trong phạm vi mình biết, quản lý để kiểm soát, trao đổi kịp thời về hành vi chưa phù hợp của người dùng; cần thiết có thể xử phạt vi phạm hành chính để răn đen, phòng ngừa chung.

Năm là: Người dùng mạng xã hội cần hạn chế đăng lại các bình luận chưa chuẩn, chưa được kiểm chứng đầy đủ về cá nhân, tổ chức hay vùng miền nào đó. Người dùng mạng xã hội cần bình tĩnh, văn minh hơn trong ứng xử với các bình phẩm trái chiều để không bị lợi dụng kích động, lôi kéo, không khéo sẽ là công cụ cho bọn xấu.

Sáu là: Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, đơn vị có người dùng mạng xã hội hiệu quả cần xem họ là những “chiến binh” trong đội ngũ thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, xem đây là lực lượng tinh nhuệ trong “phím chiến”, góp phần đảm bảo cho môi trường mạng xã hội ngày càng lành mạnh hơn.

Thời đại 4.0 thì thế lực thù địch cũng tận dụng triệt để chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Khi chúng nhận thấy đại đa số người Việt nhanh tiếp cận với mạng xã hội thì chúng cũng nhanh chóng “chui rút” vào đây xuyên tạc, bóp méo, kích động… Với phương châm an ninh chủ động, phòng ngừa từ sớm, từ xa, chúng ta đã sớm nhận ra hành vi thâm độc của kẻ thù và đề ra các biện pháp ứng phó hiệu quả nhất, góp phần cho an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>