Truyền thông y tế đã làm tốt nhưng còn trăn trở

22/06/2023 | 18:31 GMT+7

Lực lượng làm công tác truyền thông y tế đã thể hiện vai trò của mình góp phần vào thành quả của ngành y tế hàng năm, giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để người dân biết tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình mình và cộng đồng. Song, trong quá trình công tác còn nhiều trăn trở, cần được sự thấu hiểu, quan tâm hơn nữa.

Đa dạng hình thức truyền thông y tế đã được ngành y tế thực hiện nhằm nâng cao nhận thức người dân về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Chủ động, đa dạng hoạt động truyền thông

Với mạng lưới truyền thông y tế phủ kín từ tuyến tỉnh, huyện, xã, ấp, khu vực đã tạo điều kiện cho ngành y tế thực hiện các hoạt động truyền thông rộng khắp và bám sát các hoạt động trọng tâm của ngành trên các lĩnh vực thời gian qua. Ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Công tác truyền thông của ngành y tế luôn được quan tâm thực hiện một cách chủ động, đa chiều. Vừa tích cực truyền thông chiều rộng và tăng cường cả chiều sâu, đa dạng các hình thức như tuyên truyền qua báo, đài với các chuyên mục  “Vì sức khỏe mọi nhà” trên Báo Hậu Giang, chuyên mục “Sức khỏe mọi người”, “Alo cùng bác sĩ” trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Tuyên truyền qua loa phát thanh xã, phường, thị trấn; phát tờ rơi, treo băng rôn, tuyên truyền nhóm, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề. Ngoài ra, tại các cơ sở y tế đều tăng cường hoạt động truyền thông, phát thanh nội viện,… Truyền thông từ các trang web, trang mạng xã hội. Nhất là các đợt cao điểm truyền thông nhân các sự kiện liên quan ngành. Các hoạt động truyền thông được triển khai rộng khắp và đồng loạt trong cả tỉnh. Đặc biệt, thực hiện các chiến dịch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm hàng năm thì hoạt động truyền thông được triển khai với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.

Ngành cũng phối hợp với nhiều sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương để huy động các đơn vị, địa phương tham gia vào hoạt động truyền thông y tế. Ông Nguyễn Thái Dương, Trưởng phòng Quản lý chất lượng bệnh viện và công tác xã hội - Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, cho biết: “Hoạt động truyền thông luôn được đơn vị chủ động linh hoạt với nhiều hình thức, như: nói chuyện chuyên đề, thảo luận nhóm, phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể và chọn chủ đề phù hợp để truyền thông. Phối hợp các ngành khi tổ chức hội thảo, hội nghị lồng ghép tuyên truyền. Nhận được sự phối hợp tốt của các cơ quan, đơn vị đã giúp hoạt động truyền thông được tăng cường và nhiều người dân tiếp cận được kiến thức”.

Truyền thông giáo dục sức khỏe đã góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa, phòng tránh dịch bệnh, giúp mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, nhất là khi dịch bệnh xảy ra. Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, khẳng định: “Đại dịch Covid-19 vừa qua, việc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có vai trò, vị trí rất quan trọng. Đã tăng cường phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống dịch đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể Nhân dân. Tạo đồng thuận trong việc thực thi các biện pháp phòng, chống dịch để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Lực lượng truyền thông đã thực hiện tốt nhiệm vụ này”.

Nhiều trăn trở của lực lượng làm truyền thông y tế

Các cán bộ truyền thông giáo dục sức khỏe thời gian qua đã không ngừng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, góp vào kết quả chung của ngành y tế, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Song vẫn còn những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ cần được quan tâm tháo gỡ. Ông Đặng Bá Phát, Trưởng khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chia sẻ: “Kinh phí thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe còn hạn chế; nhân lực thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tuyến cơ sở thường xuyên thay đổi. Hầu hết cán bộ làm công tác truyền thông hiện trăn trở khi phụ cấp ưu đãi nghề hạn chế, nhất là liên quan đến Nghị định 05 của Chính phủ, cán bộ truyền thông giáo dục sức khỏe không phải là đối tượng được hưởng phụ cấp, nhưng trong thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua, cán bộ truyền thông giáo dục sức khỏe tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở luôn là lực lượng tiên phong tham gia phòng, chống dịch trên tất cả mặt trận, tất cả hoạt động”.

Cùng chung tâm trạng, bà Huỳnh Thị Đầm, nhân viên Phòng Quản lý chất lượng bệnh viện và công tác xã hội - truyền thông, Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ, bộc bạch: “Cán bộ truyền thông thực hiện nhiệm vụ cũng vất vả không kém các lĩnh vực chuyên môn khác, tất cả các hoạt động, chương trình mục tiêu của ngành đều có gắn với truyền thông. Phụ cấp bình thường 30% đã thấp hơn các bộ phận khác, đồng thời lại không được hưởng phụ cấp từ Nghị định 05 của Chính phủ. Hầu hết lực lượng làm nhiệm vụ truyền thông cảm thấy chạnh lòng”.

Còn những khó khăn khác khiến công tác truyền thông chưa thể phát huy hết hiệu quả. Ông Nguyễn Thái Dương cho biết thêm: “Một số thiết bị truyền thông ở trạm hư hỏng cần sửa chữa. Đối với các buổi truyền thông một số người dân chưa mặn mà, chưa quan tâm đến sức khỏe. Trong triển khai các đợt vận động tại cộng đồng, đa số hộ dân hợp tác tốt, còn một số hộ dân chưa quan tâm, chưa chú trọng khi các tổ truyền thông đến nhà tuyên truyền, vận động, hầu hết người dân hiểu, có kiến thức nhưng chưa quan tâm thực hành. Chúng tôi cần sự phối hợp tốt và sự chung tay của mỗi người dân”.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thông tin: “Sở Y tế đã có công văn gửi Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Nghị định. Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố khác để thực hiện hài hòa, hợp lý. Đối thoại với các cán bộ công đoàn cũng tiếp nhận những ý kiến kiến nghị liên quan thực hiện Nghị định 05, chúng tôi hiểu được sự đóng góp của lực lượng truyền thông y tế đối với ngành, truyền thông rất quan trọng, nhất là trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và tiếp tục đề xuất, kiến nghị đối với Bộ Y tế”.

Dù còn những khó khăn, trăn trở, nhưng ngành y tế khẳng định các hình thức truyền thông sẽ được duy trì và phát huy trong thời gian tới, tùy theo thời điểm, sự kiện y tế, tình hình bệnh tật ngành sẽ chủ động tập trung truyền thông. Truyền thông y tế cần được quan tâm nhiều hơn nữa bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân, không chỉ khuyến cáo phòng chống dịch bệnh hay tư vấn chăm sóc sức khỏe mà truyền thông y tế còn góp phần đưa chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực y tế đến với người dân và củng cố niềm tin của người dân đối với những chính sách đó.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>