Thiếu thuốc điều trị bệnh kéo dài: Đừng đổ lỗi cho cơ chế!

21/03/2023 | 18:20 GMT+7

Hệ lụy của tình trạng thiếu thuốc điều trị đã thấy rõ. Giải pháp khắc phục thực trạng này đảm bảo cần có tính bền vững tránh tình trạng cứ tiếp diễn trong thời gian tới.

Bài 2: Khi nào giải quyết dứt điểm ?

Trong khi thiếu thuốc, bệnh nhân cần thuốc điều trị, các cơ sở y tế đã tìm nhiều giải pháp để chắp vá, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế vẫn khó đảm bảo được yêu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Không chủ động thì vẫn sẽ tái diễn...

Như đã nhận định từ trên, nguyên nhân tình trạng thiếu thuốc được nhận định là do đấu thầu thuốc chậm trễ.

Ông Đoàn Văn Phước, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Nguyên nhân là do hiện nay thầu thuốc quốc gia và thầu thuốc địa phương đều hết hiệu lực. Cuối tháng 12-2020 thầu thuốc quốc gia hết hiệu lực, bệnh viện đã được cho mua thuốc sử dụng thêm 6 tháng và từ giữa năm 2021 đến nay chờ hoài thầu quốc gia cũng không có. Thầu địa phương hết hạn tháng 9-2021, được cho mua thêm 3 tháng về thuốc chủ lực. Còn thuốc hỗ trợ hết hiệu lực tháng 12-2021 cũng được cho mua thêm 3 tháng sử dụng đến tháng 3 năm nay. Tình trạng thiếu thuốc vẫn còn sau đó bệnh viện được cho mua khoảng 800 triệu đồng nhưng vẫn thiếu thuốc cho đến hiện tại. Vì vậy, giải pháp chủ động đấu thầu thuốc là căn cơ”.

Thiếu thuốc biệt dược ở phòng mổ gây khó khăn cho các cơ sở y tế khi phẫu thuật cho bênh nhân.

Đặt vấn đề khi nào có thuốc?, đại diện phòng chuyên môn phụ trách thực hiện đấu thầu thuốc của Sở Y tế tỉnh thông tin, Sở Y tế tỉnh đang trong quá trình xét thầu, dự kiến đến đầu tuần sau sẽ có kết quả trúng thầu. Dự kiến khoảng 1 tuần nữa sẽ có thuốc khắc phục tạm thời tình trạng thiếu thuốc hiện nay. Song đây chỉ là gói thầu nhỏ chỉ dưới 10 tỉ đồng đảm bảo được nhu cầu sử dụng ở các cơ sở y tế trong 2 tháng tới. Sau đó, Sở Y tế sẽ tiếp tục đấu thầu để đảm bảo nguồn thuốc lâu dài cho các cơ sở y tế khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Với tình trạng xảy ra hiện tại, các cơ sở điều trị cho rằng hàng năm cần có sự chủ động đấu thầu thuốc sớm nhằm đảm bảo không lặp lại tình trạng thiếu thuốc tương tự, bởi vì nếu giảm lòng tin từ người dân sẽ rất khó khăn để lấy lại.

Đấu thầu rộn ràng nhưng thuốc vẫn thiếu...

Sở Y tế tỉnh đã triển khai 2 lần đấu thầu thuốc, nhưng nguyên nhân do đâu còn nhiều thuốc chưa trung thầu, thiếu thuốc kéo dài?. Ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, lý giải: “Nguyên nhân chưa trúng thầu là do tỷ lệ lựa chọn nhà thầu rất thấp do ít nhà thầu tham dự. Sở Y tế đã có Công văn số 3338/SYT-NVD ngày 28-12-2022 gửi các nhà thầu xin ý kiến nguyên nhân và lý do không tham gia gói thầu số 4 (Gói thầu vị thuốc) và có 3 đơn vị đã phản hồi.

Nhìn chung, lý do các nhà thầu không tham dự là giá kế hoạch thấp và nguyên liệu nhập chủ yếu từ Trung Quốc nên không đảm bảo nguồn cung. Đối với những gói thầu chưa trúng thầu, sở sẽ khẩn trương tổ chức triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các thuốc chưa lựa chọn được nhà thầu qua 2 đợt đấu thầu vừa qua, hoàn thành trong quý II năm 2023. Đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia hoặc đàm phán giá chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu, chủ động tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương tiến hành đấu thầu để đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu điều trị”.

Để có cơ sở đề xuất phương án đảm bảo thuốc, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc báo cáo, đề xuất nhu cầu thuốc cần thiết để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh để báo cáo thường trực UBND tỉnh để xem xét, có hướng chỉ đạo kịp thời. Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường trách nhiệm, tính chủ động linh hoạt trong việc lập kế hoạch mua sắm, đấu thầu và tổ chức các giải pháp có đủ thuốc. Thực tế, tại từng có sở y tế vẫn có tình trạng thiếu cả các mặc hàng thuốc tỉnh đã đấu thầu trúng, do nguyên nhân nợ tiền thuốc, các công ty cung ứng thuốc nhỏ giọt.

Có nhiều người đổ lỗi hiện nay do cơ chế điều hành, điều tiết khiến việc thiếu thuốc trầm trọng thêm, tuy nhiên đại diện Bộ Y tế cũng từng lên tiếng là: Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm tại một số địa phương và đơn vị, mặc dù Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.

Trong bối cảnh các cơ sở y tế đang quyết tâm để phục hồi sau thời gian dồn sức phòng, chống dịch Covid-19, thì tình trạng thiếu thuốc kéo dài đang là rào cản rất lớn. Không đảm bảo được thuốc điều trị khiến hệ thống khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu và mất niềm tin của người bệnh. Nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc đã được nhìn nhận và cần khắc phục triệt để nhằm chủ động đảm bảo không tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu thuốc ở những năm tiếp theo và quyền lợi bệnh nhân bảo hiểm y tế tiếp tục bị ảnh hưởng.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>