Kê đơn thuốc điện tử ở phòng khám tư nhân triển khai chậm: Do đâu ?

18/03/2024 | 07:06 GMT+7

Theo lộ trình, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trừ bệnh viện hạng III trở lên do đã triển khai) phải hoàn thành thực hiện kê đơn thuốc điện tử trước ngày 30-6-2023. Song đến thời điểm hiện tại thực hiện còn chậm. Nguyên nhân do đâu ?

VNPT Hậu Giang phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn các phòng khám sử dụng phần mềm để kê đơn thuốc điện tử.

Triển khai thực hiện không khó

Việc này được thực hiện theo Thông tư Số 04 ngày 12-7-2022 của Bộ Y tế. Riêng lộ trình thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên (các bệnh viện, trung tâm y tế...) hoàn thành trước ngày 31-12-2022. Như vậy, vướng mắc hiện tại là ở các cơ sở y tế khác (nhiều nhất là các phòng khám tư nhân...).

Thời gian gần đây, các hoạt động hỗ trợ phòng khám thực hiện kê đơn thuốc điện tử đang được ngành y tế tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đạt mục tiêu hoàn thành kê đơn thuốc điện tử ở tất cả các cơ sở y tế công và tư nhân ở tỉnh.

Ông Huỳnh Thanh Giang, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế, thông tin: “Các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã hoàn thành hoạt động tập huấn kê đơn thuốc điện tử cho các phòng khám chuyên khoa, đa khoa, phòng khám ngoài giờ trên địa bàn. Đây là bước đệm đầu tiên để các phòng khám tiếp cận, tìm hiểu về phần mềm kê đơn thuốc điện tử”.

Qua tập huấn đã hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc của chủ phòng khám về cách thức thực hiện. Các phòng khám đã biết và hiểu được quy trình sử dụng phần mềm khám, chữa bệnh, các thiết bị cần có để triển khai. Cũng như những quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc điện tử.

Ngành y tế các huyện, thị, thành phố đã phối hợp với VNPT Hậu Giang tập huấn cho các cơ sở về phần mềm quản lý phòng khám. Sau khi tập huấn, VNPT Hậu Giang đã hợp tác, hỗ trợ các phòng khám cài đặt, hướng dẫn cách sử dụng phần mềm để kê đơn thuốc điện tử và gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia theo quy định của Bộ Y tế. Đến nay, riêng VNPT Hậu Giang đã hỗ trợ được 150 phòng khám trên địa bàn tỉnh thực hiện kê đơn thuốc điện tử.

Chia sẻ từ những phòng khám thì việc triển khai không khó. Bác sĩ Nguyễn Kim Ngợi, có phòng khám ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành, cho biết: “Sau khi được tập huấn cuối năm 2023, tôi đã thực hiện kê đơn thuốc điện tử trong khám chữa bệnh tại phòng khám theo quy định. Khi tôi thực hiện cũng thuận lợi do đã có sẵn máy tính, máy in và wifi, có chữ ký số, chi trả dịch vụ phần mềm cũng không nhiều. Tôi thấy trong quá trình sử dụng có những điểm lợi trong quản lý thông tin bệnh nhân dễ dàng hơn. Thuận lợi tìm kiếm, thay vì trước đây tìm trong các toa thuốc giấy rất mất thời gian. Song kê đơn thuốc điện tử thực tế thời gian khám chậm hơn so với kê đơn thuốc ghi tay”.

Với những phòng khám đã thực hiện kê đơn thuốc điện tử đều nhận định việc sử dụng công nghệ sẽ khiến bệnh nhân tăng niềm tin ở phòng khám và đúng theo quy định của Bộ Y tế.

Là quy định bắt buộc sao vẫn chậm ?

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh, hiện tại trên địa bàn tỉnh có khoảng 600 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng khám ngoài giờ.

Việc triển khai kê đơn thuốc điện tử là bắt buộc, tuy nhiên còn không ít phòng khám vẫn chưa thực hiện.

Nguyên nhân theo thông tin từ một số phòng khám có những khó khăn và còn phân vân do chỉ có số lượng bệnh nhân ít, ngán ngại chi phí trang bị thiết bị, cước phí phần mềm. Ngoài ra, có những vấn đề do các thầy thuốc đã lớn tuổi, khó khăn sử dụng phần mềm nên còn ngán ngại. Một số cơ sở còn đang tạm ngưng hoạt động nên còn chờ đến khi hoạt động trở lại mới triển khai. Một số nơi do triển khai chậm nên cần có thời gian để các phòng khám thực hiện. Chẳng hạn như tại huyện Vị Thủy vừa tổ tập huấn cho các phòng khám nên cần có thời gian để các cơ sở thực hiện.

Sở Y tế đã có nhiều công văn chỉ đạo, tuy nhiên tiến độ thực hiện vẫn còn chậm so với quy định của Bộ Y tế. Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh: “Việc triển khai là bắt buộc nếu các phòng khám còn tiếp tục hoạt động. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở, phối hợp với đơn vị cung cấp phần mềm hướng dẫn, hỗ trợ các phòng khám thực hiện. Đồng thời, sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra đánh giá tiến độ thực hiện. Đối với các cơ sở đăng ký mới, chúng tôi yêu cầu phải triển khai được kê đơn thuốc điện tử mới cấp giấy phép hoạt động”.

Thực hiện kê đơn thuốc điện tử nhằm tăng cường công tác quản lý việc kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng khám ngoài giờ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh cả công lập và tư nhân. Việc triển khai kê đơn thuốc điện tử không quá khó khăn đối với các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng khám ngoài giờ, tuy nhiên cần triển khai thực hiện quyết liệt hơn để đạt mục tiêu đề ra tất cả các cơ sở y tế thực hiện kê đơn thuốc điện tử theo quy định của Bộ Y tế.

Giúp minh bạch, công khai và quản lý tốt hơn công tác khám, chữa bệnh

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm đảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế ngay sau khi kết thúc quy trình khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ngoại trú và trước khi người bệnh ra viện đối với người bệnh nội trú. Gửi đơn thuốc điện tử hoặc mã đơn thuốc điện tử cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh thông qua các phương tiện điện tử theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện lưu trữ đơn thuốc điện tử như thời gian lưu trữ đơn thuốc giấy theo quy định của Bộ Y tế.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>