Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cho phụ nữ nông thôn

03/01/2024 | 04:39 GMT+7

Tích cực lan tỏa những lợi ích thiết thực từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đến với người dân, nhất là phụ nữ nông thôn, Hội LHPN huyện Châu Thành đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, góp phần cùng chính quyền địa phương thúc đẩy chuyển đổi số khu vực nông thôn.

Người dân quét mã QR để thanh toán khi mua hàng ở xã Đông Phước.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Chân, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: “Trước đây, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn chưa phổ biến, nguyên nhân là do đa số các cơ sở kinh doanh không chấp nhận thanh toán qua ví điện tử, hơn hết là người dân đã quen với việc dùng tiền mặt để trả khi mua đồ nên khó có thể chấp nhận ngay các dịch vụ công nghệ điện tử mới này”.

Để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, Hội LHPN huyện triển khai một số mô hình, hoạt động có hiệu quả.

Như tại thị trấn Mái Dầm và xã Đông Phước vừa qua cho ra mắt mô hình “Tổ phụ nữ, tiểu thương thanh toán không dùng tiền mặt trong kinh doanh”; ở thị trấn Ngã Sáu ra mắt mô hình “Chợ 4.0”.

Nắm bắt được thực tế ở các tiệm tạp hóa, quán cà phê, chợ tại xã, thị trấn tập trung phần lớn chị em giao dịch nên đây là đối tượng lớn được quan tâm để thúc đẩy chuyển đổi số nên Hội LHPN huyện tích cực tuyên truyền trên mạng xã hội do mình quản lý, trên trang thông tin điện tử của hội, từ đó giúp nhiều chị em hiểu biết, áp dụng.

Bà Nguyễn Thị Bạch Cúc, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Phước, cho biết: “Đông Lợi là ấp có các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ nhiều nhất xã, tập trung đông chị em giao thương, nên thông qua các buổi sinh hoạt chi hội vận động chị em về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đa số”.

Là chủ một tiệm tạp hóa ở trung tâm chợ, bà Phạm Thị Hậu, ở ấp Đông Lợi, xã Đông Phước, chia sẻ: “Khi có sự hướng dẫn, hỗ trợ từ Hội Phụ nữ xã làm các tấm bảng QR để thanh toán không dùng tiền mặt là tôi làm ngay. Thời gian qua, đa số người dân khi tôi đề nghị thanh toán bằng chuyển khoản, vẫn còn nhiều người lạ lẫm, tôi có hướng dẫn cách thanh toán, khoảng 10 phút là họ đã có thể tải và sử dụng ngay”.

Bà Nguyễn Thị Thu Liễu, ở ấp Đông Lợi, cho biết: “Việc thanh toán không dùng tiền mặt mới đầu không quen, nhưng sử dụng một thời gian thấy rất tiện, ra đường cũng không cần phải mang theo nhiều tiền mặt, vì tôi đi chợ thường mua nhiều đồ nên lúc nào cũng lo sợ rớt tiền. Không chỉ riêng tiệm chị Hậu, mà ở ấp  này có nhiều gian hàng chấp nhận thanh toán điện tử rồi”.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt chỉ là một trong số các tiện ích mà chuyển đổi số mang lại. Trong đó, khi đã quen với việc sử dụng smart phone để chuyển khoản, thanh toán bằng các app thông dụng, thì các hộ kinh doanh, nhất là bà con nông thôn cũng có thể chuyển sang các kênh bán hàng thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm kinh doanh đặc trưng của địa phương. Từ đó, giúp bà con có thêm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế.

Trước những thách thức và cơ hội mà chuyển đổi số mang lại, để thích ứng với thời đại công nghệ số, mỗi người dân nói chung, phụ nữ nói riêng, nhất là phụ nữ nông thôn cần phải trang bị, cập nhật các kiến thức về công nghệ, đặc biệt là các kiến thức hỗ trợ cho việc kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày, học tập các phương thức kinh doanh mới để kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, giúp nâng cao năng suất bán hàng, cải thiện dịch vụ, phát triển việc kinh doanh.

Theo Hội LHPN huyện, tới đây sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hình thức đa dạng để hỗ trợ, hướng dẫn cho nhiều người dân tiếp cận chuyển đổi số, bước đầu là việc thanh toán không dùng tiền mặt của các hộ tiểu thương kinh doanh, nhất là vùng nông thôn…

Bài, ảnh: LÂM KHANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>