Nông dân tham gia chuyển đổi số

29/09/2023 | 10:05 GMT+7

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Châu Thành đã tập trung nhiều hoạt động để tuyên truyền, hỗ trợ nâng cao kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên nông dân.

Việc chi trả tiền điện, nước được ông Hòa thực hiện bằng thao tác thanh toán trên điện thoại.

Góp phần phối hợp thực hiện hoàn thành việc cấp căn cước công dân (CCCD) và cài đặt ứng dụng định danh điện tử công dân (VNEID) cho công dân trên địa bàn trong năm theo định hướng của UBND huyện, đầu năm đến nay, Hội Nông dân huyện Châu Thành đã phối hợp cùng Công an huyện tổ chức nhiều đợt cấp CCCD và hỗ trợ cài đặt ứng dụng VNEID cho cán bộ, hội viên, nông dân.

Ông Đỗ Trung Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết: “Ngay tháng 9 này, chúng tôi vừa phối hợp tổ chức xong buổi hỗ trợ hội viên, nông dân cài đặt, kích hoạt ứng dụng VNEID tại Hội trường Huyện ủy. Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội rà soát lại những hội viên, nông dân chưa thực hiện cài đặt, kích hoạt ứng dụng để vận động họ đến điểm ra quân hỗ trợ cài đặt của ngành chức năng nhằm phấn đấu sớm đạt mục tiêu 100% cán bộ, hội viên đều cài đặt, kích hoạt ứng dụng định danh điện tử công dân theo quy định”.

Có mặt tại buổi hỗ trợ cài đặt ứng dụng VNEID do Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Văn Sĩ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Phú, cho biết: “Đợt này, qua rà soát danh sách, chúng tôi vận động thêm được 15 hội viên đến thực hiện cài đặt định danh điện tử. Qua nhiều đợt vận động, tuyên truyền và ra quân hỗ trợ cài đặt, đến nay toàn xã có tỷ lệ hội viên đã cài đặt, kích hoạt ứng dụng khoảng 90%. Những người chưa cài đặt được đa phần là do còn vướng mắc về hồ sơ, thủ tục”.

Từ năm 2022 đến nay, Hội Nông dân huyện cũng chỉ đạo các cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia chuyển đổi số thông qua việc cài đặt các ứng dụng: app Hậu Giang, ví điện tử, tài khoản ngân hàng… để tiện trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến… Qua đó, từng bước giúp hội viên, nông dân và người dân trên địa bàn biết được một số kỹ năng và có khả năng tham gia nền tảng số để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Khá nhạy bén trong tiếp cận công nghệ số, hơn một năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, ở ấp Phú Hòa, xã Đông Phú, không còn sử dụng tiền mặt trong thanh toán tiền điện, nước. Thay vào đó, ông dùng app ngân hàng để chuyển khoản thanh toán. Ông Hòa chia sẻ: “Thao tác thanh toán trên điện thoại gọn lẹ; ngoài ra, khi mua bán tôi cũng thường dùng hình thức chuyển khoản để thanh toán”.

Gia đình ông Hòa còn ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi. Hiện tại, gia đình ông đang sở hữu trại gà công nghiệp với quy mô mỗi lứa từ 15.000-20.000 con. Để đỡ công chăm sóc và nâng cao hiệu quả nuôi, ông đầu tư hệ thống cho gà ăn, uống nước tự động hoàn toàn. “Thức ăn gà được đổ sẵn vào một phiễu chứa lớn, khi nào đến giờ cho ăn tôi chỉ cần ấn nút là thức ăn tự chạy ra theo dây chuyền đến từng máng ăn nhỏ cho vài chục con gà cùng ăn/máng. Nước uống cũng được lắp theo hệ thống tự động, khi khát, gà tự lại máng là có nước chảy ra cho uống, không cần mình động tay vào”, ông Hòa cho biết.

Theo ông Hòa, so với trước kia, hình thức nuôi gà ứng dụng công nghệ tự động sẽ tiết kiệm nhân công, thời gian và năng suất nuôi đạt cao hơn. Trước đây, chỉ nuôi khoảng 1.500-2.000 con gà thì cả 2 vợ chồng ông suốt ngày không rảnh tay, phải cho ăn, thay nước, vệ sinh chuồng liên tục. Giờ đây, với số lượng nuôi gấp 10 lần nhưng chỉ cần một mình ông quản lý và chăm sóc mà vẫn còn thời gian trống nghỉ ngơi. 

Nhằm khuyến khích hội viên, nông dân tích cực tham gia chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân huyện Châu Thành và các hội cơ sở còn tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân đăng ký tài khoản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường mua bán các sản phẩm nông nghiệp trên sàn thay cho kênh mua bán truyền thống.

Cũng theo Hội Nông dân huyện, hiện nay, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động hội, Hội Nông dân huyện còn thành lập các nhóm Zalo trong cán bộ, hội viên để kịp thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các vấn đề liên quan đến cán bộ, hội viên, nông dân.

Bên cạnh đó, Hội còn giảm việc tổ chức họp hội trực tiếp đối với những cuộc họp không quá quan trọng, thông qua đó thực hiện chế độ thông tin qua lại trên các nhóm.

Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến hội viên, người dân về mục đích, lợi ích của công tác chuyển đổi số để bà con tích cực tham gia hơn nữa, nhất là ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương…

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>