Nỗ lực tuyên truyền, thực hiện chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy

02/11/2023 | 08:20 GMT+7

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đã chủ động, nghiêm túc trong việc tuyên truyền, triển khai thực hiện các chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy; đến nay, ghi nhận nhiều kết quả.

Nhờ học nghề mà bà Lý Thị Điệp, ở ấp 4, xã Hòa An, có thu nhập khá ổn định.

Theo ông Nguyễn Hồng Đức, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, sau khi tiếp thu các nghị quyết, kế hoạch, đề án, chương trình của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy kịp thời tổ chức triển khai đầy đủ đến các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, bí thư các đảng ủy, chi bộ trực thuộc và thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội huyện.

Đồng thời, chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện sát hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị và triển khai rộng rãi ra đoàn viên, hội viên và Nhân dân. “Chất lượng học tập, quán triệt, triển khai, tuyên truyền các chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy được huyện tổ chức thực hiện ngày càng được nâng lên, nhất là phát huy hiệu quả hình thức hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin, giúp quá trình triển khai, quán triệt được nhanh chóng, số lượng tham gia nhiều”, ông Nguyễn Hồng Đức nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa An, cho biết, xác định các chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy có ý nghĩa rất quan trọng nên Thường trực Đảng ủy xã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên trên địa bàn. Sau đó, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tuyên truyền, phổ biến chương trình, nghị quyết trong đoàn viên, hội viên, đồng bào dân tộc, tôn giáo. Hình thức thực hiện khá phong phú, thông qua tổ chức hội nghị, sinh hoạt chi, tổ, hội, đoàn thể…

Bà Lý Thị Điệp, ở ấp 4, xã Hòa An, rất tâm đắc với những chính sách, định hướng phát triển đúng đắn mà Đảng bộ tỉnh đề ra. Nhất là những định hướng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo đã xác định trong Nghị quyết “4 trụ cột” của Tỉnh ủy. Để góp sức thực hiện những định hướng này, bà Điện chú trọng chăm chút, vệ sinh cảnh quan môi trường, góp phần xây dựng diện mạo xóm ấp ngày càng thông thoáng, sạch đẹp.

Gia đình bà Điệp thuộc diện hộ nghèo ở địa phương vì không có đất canh tác. Tuy nhiên, bà không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương. Vừa qua, bà đăng ký tham gia lớp dạy nghề đan đát lục bình, sau đó, nhận nguyên liệu về gia công tại nhà nên có được thu nhập thường xuyên lo cho cuộc sống. Bà Điệp chia sẻ: “Trong định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, tỉnh, huyện có nhiều chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm giúp cho những hộ nghèo không có tư liệu sản xuất như gia đình tôi có được thu nhập khá ổn định”.

Qua ghi nhận, có hơn 99% cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện tham gia học tập các nghị quyết, kế hoạch, đề án, chương trình của Tỉnh ủy. Trong khi đó, việc tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên đạt hơn 97% và trong Nhân dân đạt hơn 85%. Từ kết quả này, giúp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân kịp thời nắm bắt nội dung cơ bản, cốt lõi, trọng tâm của các chương trình, nghị quyết, góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của cấp ủy, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy cũng được Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt quan tâm, nhằm đưa chủ trương, nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Trên tinh thần đó, huyện đã kịp thời cụ thể hóa bằng cách xây dựng các nghị quyết, chương trình, đề án đảm bảo phù hợp với thực tiễn, để làm cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến thực chất, hiệu quả trong quá trình triển khai, thực hiện.

Chẳng hạn trong thực hiện Nghị quyết “4 trụ cột” của Tỉnh ủy, về lĩnh vực công nghiệp, toàn huyện có 898 cơ sở và 15 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đạt 67,7% mục tiêu đề ra. Giá trị sản xuất năm 2022 đạt 1.743 tỉ đồng (tăng 26,67% so với năm 2021); 9 tháng năm 2023, đạt hơn 920 tỉ đồng (tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2022), đạt 74,09% kế hoạch năm đề ra. Trong khi đó, Cụm công nghiệp Tân Phước Hưng với quy mô 50ha đã được phê duyệt quy hoạch, hiện có 5 nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu về dự án.

Huyện còn tham gia ý kiến và đề xuất tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, gồm: Khu công nghiệp Long Thạnh, quy mô khoảng 290ha và Khu công nghiệp Tân Bình, quy mô khoảng 210ha, giai đoạn 2023-2025. Riêng kết quả nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp là xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: trồng vú sữa Hoàng Kim tại xã Tân Long; nuôi chồn hương tại thị trấn Cây Dương; nuôi dê thịt tại xã Tân Phước Hưng và xã Long Thạnh…

Toàn huyện có 19 sản phẩm được cấp mã số vùng trồng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các nước châu Âu, với diện tích hơn 303ha, sản lượng hơn 7.365 tấn. Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện có kết quả thực chất các nhiệm vụ, chương trình, đề án trong phát triển nông nghiệp; phối hợp với sở, ngành tỉnh xây dựng quy hoạch phân vùng sản xuất cho các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng theo hướng gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Phát triển có định hướng diện tích vùng cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả cao, có tính ổn định. Ngoài ra, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất lớn, ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp; quan tâm xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, vươn ra thị trường tiêu thụ ngoài tỉnh, ngoài vùng, nhất là các loại sản phẩm như: cá thát lát, trà mãng cầu, chanh không hạt…

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>