Chuyển đối số khởi đầu cho những thành quả giai đoạn mới

13/02/2024 | 07:30 GMT+7

Dù đi sau, nhưng Hậu Giang có nhiều điểm sáng trong chuyển đổi số (CĐS), xem đó là đòn bẩy để vươn lên trở thành địa phương phát triển khá trong vùng.

Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang được xem là mũi nhọn đột phá của tỉnh trong tương lai.

Bắt nhịp cùng xu thế phát triển từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Hậu Giang sớm đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh và các ứng dụng, nền tảng dùng chung, bước đầu mang lại kết quả tích cực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

Điều này không chỉ đánh dấu thêm cột mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mà còn cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh trong nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.

Nhận hồ sơ thủ tục hành chính dễ như đi rút tiền

Tranh thủ sắp xếp công việc gia đình cuối năm, ông Huỳnh Văn Út, chủ cơ sở nhà trọ Kim Ngân, ở phường VII, thành phố Vị Thanh, đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Bộ phận một cửa) thành phố sớm để nhận giấy phép kinh doanh nhà trọ cơ sở 3 theo lịch hẹn và thời gian thông báo qua tin nhắn trên điện thoại. Tuy đến trong buổi sáng của ngày đầu tuần, nhưng ông Út không phải khẩn trương đi bốc số thứ tự, nhọc công ngồi chờ đến lượt để nhận kết quả như nhiều lần trước.

Người dân nhận kết quả từ hệ thống máy “ATM nhận, trả hồ sơ 24/7” của Bộ phận một cửa thành phố Vị Thanh.

Đơn giản lần này, ông Út được công chức nơi đây hướng dẫn ra máy “ATM nhận, trả hồ sơ 24/7” đặt ngoài mặt tiền đường, bên cạnh cửa ra vào Bộ phận một cửa thành phố Vị Thanh, để nhận hồ sơ. “Tiện lắm, giờ đi làm và nhận hồ sơ thủ tục hành chính tương tự như đi gửi hoặc rút tiền vậy, không cần phải tranh thủ đến sớm trong giờ hành chính, có thể tận dụng lúc đi chợ hoặc đưa rước con cháu đi học... đều ghé vào máy tự động này để nộp hoặc lấy kết quả hồ sơ mang về”.

Ông Út tâm đắc nói và chia sẻ thêm, đó là lần đầu ông lấy kết quả từ máy nhận, trả hồ sơ 24/7. Thông qua tính năng hiện đại của chiếc máy hoàn toàn tự động này, giúp giảm chi phí, nhất là rút ngắn đáng kể thời gian đi lại làm giấy tờ so với trước đây. Nhiều tiện ích nên những lần tới, ông sẽ tiếp tục đến nộp hoặc nhận kết quả hồ sơ thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực giải quyết qua máy ATM mà bộ phận chuyên môn thành phố đang áp dụng.

Dễ hiểu thôi, máy ATM với công nghệ tiên tiến, giúp giải quyết được nhu cầu nhận, trả hồ sơ tự động tiện lợi, nhanh chóng và liên tục trong ngày. Nhờ vậy, người dân có thể chủ động được việc nộp và nhận hồ sơ, không lo trái giờ hành chính; đồng thời, giảm gánh nặng cho cán bộ xử lý, cũng như xóa bỏ phiền hà không đáng có. Chưa kể, hệ thống máy còn có tính năng liên thông thủ tục hành chính công và kiểm tra tình trạng hồ sơ online; dễ dàng trong thanh toán tiền mặt hoặc quét mã QR.

“Qua việc kết nối với hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, ATM có thể lấy thông tin hồ sơ dịch vụ công được trả qua máy và gửi lại thông tin khi hồ sơ đã được trả đến phần mềm một cửa. Đến nay, máy tiếp nhận 23 và trả kết quả 37 thủ tục hành chính, thuộc các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tư pháp, lao động - thương binh và xã hội, giáo dục, đăng ký kinh doanh, đất đai...”, bà Nguyễn Thị Thúy Việt, công chức phụ trách Bộ phận một cửa thành phố Vị Thanh, cho biết.

Tương tự, với năng lực tiếp nhận 200 hồ sơ/ngày, dự kiến máy “ATM nhận, trả hồ sơ 24/7” giúp giảm tải từ 30-50% khối lượng công việc của cán bộ, công chức Bộ phận một cửa huyện Châu Thành. Đây là đơn vị thứ 2 trong tỉnh, sau thành phố Vị Thanh đưa vào ứng dụng thiết bị hiện đại này, góp phần xây dựng nền hành chính có trách nhiệm, minh bạch bằng những dịch vụ tiện ích, không phụ thuộc thời gian, không gian và có thể đáp ứng yêu cầu người dân, doanh nghiệp nhanh chóng hơn.

Trong giai đoạn đầu, ngoài đánh giá quá trình vận hành, huyện Châu Thành sẽ tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính để bổ sung vào hệ thống máy nhận, trả hồ sơ tự động.

Như vậy, nếu tính ở thời điểm khai trương hồi tháng 5-2023, thành phố Vị Thanh là đơn vị đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long, thứ 2 cả nước ứng dụng hệ thống máy “ATM nhận, trả hồ sơ 24/7”. Trước đó, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa hệ thống tự động này để phục vụ cho trung tâm hành chính công.

Sự tiên phong đưa vào vận hành hệ thống máy “ATM nhận, trả hồ sơ 24/7” ở thành phố Vị Thanh, nối bước theo sau là huyện Châu Thành đã cho thấy các đơn vị đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nói chung. Sự tiên phong này, còn tạo bước đột phá mới trong cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy cải tiến tư duy “chuyển đổi số”, xây dựng niềm tin chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

“Trái ngọt” từ sự khởi đầu

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã dành nguồn lực khá lớn để từng bước hoàn thiện về hạ tầng công nghệ. Tỉnh dành nguồn kinh phí hơn 300 tỉ đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, dành kinh phí cho mỗi huyện, thị, thành phố 1 tỉ đồng, mỗi xã 100 triệu đồng để thực hiện CĐS. Điều này đã tháo gỡ điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chuyển hoạt động của chính quyền lên môi trường số.

Hạ tầng công nghệ thông tin, tỉnh có trung tâm dữ liệu tỉnh sử dụng công nghệ điện toán đám mây, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP, trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC, hệ thống Giám sát an toàn không gian mạng SOC. Các nền tảng số cơ bản đã hoạt động hiệu quả như: ứng dụng di động Hậu Giang (app Haugiang), cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ, hệ thống họp trực tuyến, họp không giấy… kinh tế số, xã hội số của tỉnh bắt đầu được hình thành.

100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai hệ thống cáp quang internet và phủ sóng mạng di động 3G/4G, thí điểm triển khai phủ sóng mạng 5G tại thành phố Vị Thanh và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. 100% cơ quan, đơn vị nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có hệ thống mạng LAN, kết nối internet tốc độ cao. Tỉnh đã thành lập được 600 tổ công nghệ số cộng đồng, với hơn 3.700 thành viên tham gia hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia CĐS.

Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cập nhật 1.851 thủ tục hành chính của các đơn vị trong tỉnh. 100% cơ quan nhà nước tham gia hệ thống quản lý văn bản và điều hành, 100% văn bản giữa các cơ quan nhà nước được ký số và gửi trên hệ thống, 100% xã, phường, thị trấn được trang bị hệ thống phòng họp trực tuyến, đảm bảo chất lượng họp trực tuyến ổn định. Trong tổng số 2.031 sản phẩm đăng ký bán hàng trên sàn thương mại điện tử của tỉnh, hiện có 112 sản phẩm OCOP.

Với nhiều nỗ lực, qua đánh giá về chỉ số CĐS (DTI) cấp tỉnh năm 2021 và 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, tỉnh Hậu Giang vẫn giữ vững thứ hạng 17/63 tỉnh, thành phố về CĐS (tăng 11 bậc so với năm 2020). Hậu Giang còn là tỉnh nằm trong Top 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số. Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ: Từ năm 2022 tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện gắn với CĐS, tiêu biểu là Tuần lễ thúc đẩy CĐS phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang. Đầu năm 2023, Hậu Giang tiếp tục tổ chức Tuần lễ CĐS và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong delta 2023, với nhiều hoạt động thiết thực, đã tạo hiệu ứng, lan tỏa khá mạnh mẽ.

Cán bộ, công chức và người dân đã thay đổi nhận thức về CĐS, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ CĐS, dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS, với các hoạt động: sử dụng các nền tảng số, mạng xã hội, mua bán hàng qua mạng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt…

“Không phải địa phương lớn nào trong cả nước cũng có thể triển khai được như ở Hậu Giang”

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Hậu Giang là một tỉnh còn rất nhiều khó khăn, nhưng đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng thông qua tăng trưởng vượt bậc về GRDP và các chỉ số kinh tế - xã hội. Điểm nổi bật trong hoạt động CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh, đó là hiệu quả của tổ CĐS cộng đồng, mô hình CĐS tiêu biểu cấp huyện. Tỉnh có cách làm hay là bố trí nguồn kinh phí CĐS đến cấp xã. Ấn tượng nhất là việc hình thành Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang, đây là một mô hình nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Thông tin và Truyền thông, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ. Không phải địa phương lớn nào trong cả nước cũng có thể triển khai được như ở Hậu Giang”.

Gắn với CĐS, Hậu Giang đang xây dựng Chính quyền số hiệu quả để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang 28,5ha tại xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, đã có 8 doanh nghiệp cam kết đầu tư vào khu. Để thúc đẩy nhanh quá trình CĐS, Hậu Giang luôn trải thảm thu hút đầu tư công nghệ số. Tỉnh tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi đầu tư vào Khu Công nghệ số. Việc thành lập Khu Công nghệ số được xem là mũi nhọn đột phá, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong tương lai.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh xác định công nghệ là bước đột phá, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra “Đưa tỉnh Hậu Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới”. Từ đó, cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt về CĐS, góp phần nâng cao nhận thức về CĐS.

Những kết quả bước đầu của hoạt động CĐS ở Hậu Giang đã góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế của tỉnh. Môi trường đầu tư, kinh doanh của Hậu Giang được cải thiện tích cực. Các chỉ số (PAPI, PAR INDEX, SIPAS) đều tăng từ 5 bậc đến 26 bậc (tính đến năm 2022).  

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá: “Hậu Giang là một trong những tỉnh sớm ban hành được nghị quyết về CĐS, cho thấy sự quyết tâm của tỉnh và sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Những kết quả đã đạt được rất khả quan và hướng đi đó đã đúng”.

 

Chia sẻ về những nỗ lực của Hậu Giang để giữ vững xếp hạng CĐS, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục CĐS quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhấn mạnh: Hai năm qua, tỉnh giữ thứ hạng 17/63 về chỉ số DTI, so với những địa phương khác vẫn là ở mức khá trên quy mô quốc gia. Hậu Giang là địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng giữ được thứ hạng này là nỗ lực rất lớn.

 

Đã có 85.702 lượt cài đặt app Haugiang, ứng dụng cho phép người dân tra cứu thông tin về lịch công tác, thời tiết, thị trường và tương tác với các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 44% hộ gia đình toàn tỉnh đã cài đặt ví điện tử, tài khoản ngân hàng và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt...

 

NGUYỄN NGUYỄN - MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>