Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

07/03/2024 | 07:23 GMT+7

Nhờ tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cùng chế độ chăm sóc hợp lý nên đến nay đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Châu Thành được đảm bảo an toàn và tăng trưởng tốt. Điều này giúp các hộ chăn nuôi giảm bớt gánh nặng trước tình trạng thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản Châu Thành huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát đàn vật nuôi để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu nhiễm bệnh.

Kiểm soát tốt dịch bệnh

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Châu Thành chưa có trường hợp nhiễm dịch bệnh, tình hình chăn nuôi diễn ra ổn định. Nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan; đồng thời ngăn ngừa bệnh lây truyền từ động vật sang người, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, UBND huyện Châu Thành đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1-2024” từ ngày 1 đến 31-3. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân chủ động triển khai thực hiện các biện pháp, trong đó chú trọng tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Trang trại của chị Đặng Thị Diệu Hiền, ở ấp Phú Hòa, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, hiện có khoảng 5.000 con gà. Để đàn gà phát triển tốt, đảm bảo an toàn với dịch bệnh, chị Hiền chủ động tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh. “Mùa này thời tiết thất thường, dịch bệnh diễn biến khó lường nên tôi chú trọng gìn giữ vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn xung quanh khu vực nuôi và hạn chế người ra vào chuồng trại...”, chị Hiền cho biết thêm.

UBND huyện Châu Thành đã thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các điểm có nguy cơ cao. Tổ chức rà soát số đàn mới phát sinh để hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ liều theo quy định. Kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Với phương châm trên, UBND huyện Châu Thành đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường các công tác quản lý và kiểm soát chặt chẽ đàn vật nuôi trên địa bàn để chủ động ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản của huyện, nhằm nâng cao tính bền vững trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. 

Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản huyện Châu Thành, hiện trên địa bàn huyện, đàn heo có khoảng 2.663 con, với 171 hộ chăn nuôi, tăng 4 hộ so với tháng đầu năm. Trong khi đó, tổng số đàn trâu, bò trên địa bàn có khoảng 489 con; đàn gia cầm có khoảng 55.766 con, tăng 19.210 con so với tháng 1-2024.

Trong thời điểm chuyển mùa, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, bổ sung các chất dinh dưỡng, khoáng, vitamin, che chắn chuồng trại... để nâng cao sức đề kháng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin bắt buộc theo quy định. Những ngày mưa cần giữ ấm cho vật nuôi, nhất là đối với gia súc, gia cầm non. Kiểm tra tình trạng ăn uống của vật nuôi, cách ly kịp thời những con có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết. Cần cách ly vật nuôi ốm ra khỏi đàn, không được bán hoặc phát tán, không được sử dụng lại thức ăn thừa của những vật nuôi bị bệnh cho vật nuôi khác. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan, chính quyền các cấp tăng cường công tác kiểm dịch gia súc, gia cầm, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi nhằm phát hiện sớm dịch bệnh, báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Chị Lý Thị Thảo, Phó trưởng Trạm Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản huyện Châu Thành, cho biết: Đơn vị sẽ tổ chức triển khai, thực hiện tốt 2 đợt tiêm phòng vắc-xin chính với yêu cầu tiêm đồng loạt, nhanh gọn, đúng thời gian quy định để phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người chăn nuôi phát triển đàn vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm nhằm khống chế, dập tắt dịch trong diện hẹp, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan. Đôn đốc công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm, tỷ lệ tiêm phòng đạt 80% tổng đàn trong diện tiêm, đặc biệt chuẩn bị tốt công tác tiêm phòng đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 11-2024.

Bài, ảnh: MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>