Điểm tin sáng 27 - 02: “Bản lĩnh blouse trắng” - Ký ức về những ngày chống dịch Covid-19

27/02/2024 | 05:55 GMT+7

Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: Tác giả 104 tuổi ra mắt tự truyện; Đà Nẵng vào mùa ốc lể; 'Thị trường điện ảnh Việt phát triển nhanh bậc nhất châu Á'; Hàn Quốc cấp phép lao động ngắn hạn cho phụ huynh du học sinh.

“Bản lĩnh blouse trắng” - Ký ức về những ngày chống dịch Covid-19

Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Hội thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh đã ra mắt sách “Bản lĩnh blouse trắng” để nâng cao tinh thần trách nhiệm cho các y bác sĩ.

Với độ dày gần 400 trang, cuốn sách "Bản lĩnh blouse trắng" gồm hai phần: Phần một - "Trái tim thầy thuốc" với 30 bài viết là những mảnh ghép ký ức của 30 tác giả đã tham gia công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6. Có những câu chuyện lần đầu được kể, có những dòng thơ viết vội, có những ký ức là yêu thương hay những nỗi đau chan chứa...

Tất cả đọng lại trong sách là một niềm tin mãnh liệt về ngày mai tươi sáng. Phần hai - "Ngòi bút và ống nghe" là những tác phẩm báo chí viết về Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6, thể hiện góc nhìn của những người làm báo gắn bó, đồng hành cùng công cuộc chống dịch của thành phố.

Tác giả 104 tuổi ra mắt tự truyện

Ông Nguyễn Đình Tư, 104 tuổi, ra tự truyện "Đi qua trăm năm", kể chuyện đời từ cậu bé quê nghèo đến khi thành tác giả nhiều đầu sách.

Sách dày 384 trang, gồm 11 chương, đưa người đọc đi qua hai thế kỷ của một cuộc đời thăng trầm. Tác phẩm thuật lại lúc ông còn là cậu bé xuất thân từ làng quê Thanh Chi (Thanh Chương, Nghệ An), sau đó vào Nam, bước vào nghiệp cầm bút 80 năm qua.

Ông Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920, quê tổng Võ Liệt, nay thuộc xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Năm 12 tuổi, ông phải nghỉ học vì nhà nghèo, phụ cha chăn trâu, cắt cỏ. Thấy ông có chí, thầy cô ở trường làng quyên góp tiền nuôi ăn học. Năm 1943, ông quyết định viết văn với cuốn truyện dài đầu tay Nguyễn Xí.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông có thời gian làm cộng tác viên cho báo Độc Lập. Sau này, vào Nam Trung bộ lập nghiệp, ông biên soạn, xuất bản nhiều cuốn sách về lịch sử, địa chí các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận. Sau năm 1975, ông cùng gia đình vào TP HCM sinh sống. Ông từng ra nhiều bộ sách, tiểu thuyết lịch sử như Loạn 12 sứ quân, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954).

Đà Nẵng vào mùa ốc lể

Ốc lể, hay còn được biết đến với tên gọi khác là ốc gạo hoặc ốc ruốc, thường xuất hiện vào tháng giêng đến tháng 4 âm lịch hằng năm.

Với kích thước nhỏ chỉ bằng đầu đũa nhưng khi kết hợp với các loại gia vị, ốc lể trở nên thơm ngon đậm đà. Loại ốc này đã trở thành món ăn nổi tiếng tại các tỉnh thành miền Trung, giới nữ vô cùng yêu thích.

Ốc lể sau khi khai thác sẽ được các thương lái gom mua đưa về các chợ.

Không như những loại ốc khác khi bán được tính bằng ký hay lon, ốc lể lại được bán theo xô. Theo chị Hoa, một xô ốc lể có giá dao động 600.000 - 700.000 đồng. Lúc ốc khan hiếm, giá có thể lên đến 900.000 đồng/xô.

'Thị trường điện ảnh Việt phát triển nhanh bậc nhất châu Á'

Chuyên trang Deadline nhận xét điện ảnh Việt Nam phát triển nhờ có lượng khán giả đông đảo và nhiều dự án thu lợi nhuận cao.

Trong bài viết đăng tải mới đây, biên tập viên Liz Shackleton cho rằng Tết Nguyên đán là giai đoạn quan trọng tại các phòng vé một số nước châu Á, "nhưng không nơi nào cạnh tranh gay gắt hơn Việt Nam trong năm nay".

Tiêu biểu, Mai của Trấn Thành hiện đứng đầu với doanh thu 400 tỷ đồng (16,4 triệu USD). "Bộ phim có khả năng phá vỡ kỷ lục do chính Trấn Thành lập ra với Nhà bà Nữ, phát hành vào khoảng thời điểm này năm ngoái. Phim có doanh thu cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam với 476 tỷ đồng (19,4 triệu USD)", Deadline viết.

Dù các ngành công nghiệp chỉ mới mở cửa cách đây 10-15 năm, doanh thu phòng vé tăng trưởng ổn định, mỗi năm tăng 10% trước đại dịch, vượt qua Thái Lan, quốc gia có ngành điện ảnh phát triển và lâu đời hơn Việt Nam. Năm ngoái, doanh thu phòng vé Việt đạt 150 triệu USD, tương đương khoảng 90% mức trước đại dịch, từ tổng số 1.100 rạp chiếu. Trang này đánh giá kết quả tương đối khả quan đối với một thị trường mà năm 2010 chỉ có 90 rạp chiếu và doanh thu hàng năm dưới 15 triệu USD.

Theo Liz Shackleton, một trong những điều làm nên sự phát triển của nền điện ảnh Việt là các chương trình xây dựng hệ thống rạp chiếu, do doanh nghiệp Hàn Quốc CJ CGV và Lotte Cinema thực hiện, cùng các hãng phim địa phương Galaxy Cinema và BHD Star Cineplex. Gần đây, Việt Nam cũng chứng kiến sự xuất hiện của chuỗi rạp chiếu phim mới, như Beta Cinema và Cinestar - đơn vị cung cấp mức vé rẻ dành cho sinh viên và khán giả có thu nhập thấp.

Hàn Quốc cấp phép lao động ngắn hạn cho phụ huynh du học sinh

Chính phủ Hàn Quốc sẽ thực hiện chương trình thí điểm cho phép sinh viên nước ngoài mời cha mẹ đến Hàn Quốc làm việc tại các vùng sản xuất nông nghiệp hoặc làng chài nằm ở các khu vực gần trường học của họ. Cụ thể, phụ huynh của sinh viên nước ngoài đang theo học tại các trường đại học bên ngoài khu vực Seoul từ hơn 1 năm trở lên, trừ các sinh viên đăng ký học các khóa học ngôn ngữ, có thể làm lao động thời vụ tới 8 tháng tại khu vực nơi con họ đang theo học.

Để đủ điều kiện tham gia chương trình thí điểm kéo dài đến cuối năm nay, cha mẹ học sinh nước ngoài phải từ 55 tuổi trở xuống và không có tiền án tiền sự hoặc vấn đề sức khỏe. Con cái của họ cũng không có hồ sơ vi phạm luật pháp Hàn Quốc và phải còn hơn 2 học kỳ trước khi nộp đơn xin cấp phép.

Hàn Quốc đang triển khai chương trình lao động thời vụ cho phép thuê lao động nước ngoài hợp pháp trong thời gian ngắn nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động thường xuyên trong mùa nông nghiệp và đánh cá bận rộn.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>