Điểm tin: Không khí đón năm mới rộn ràng khắp nơi

01/01/2024 | 06:00 GMT+7

Trong chương trình điểm tin sáng nay, mời Quý độc giả theo dõi tin tức về khoảnh khắc mừng năm mới tại Việt Nam và các nước trên thế giới.

KHẮP NƠI Ở VIỆT NAM MỪNG NĂM MỚI

Thành phố Cần Thơ kỷ niệm 20 năm trực thuộc Trung ương

Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm TP Cần Thơ tròn 20 năm trực thuộc Trung ương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết những thành tựu mà thành phố đạt được trong 20 năm qua quan trọng, to lớn và toàn diện.

Theo Chủ tịch nước, là đô thị sông nước, bên sông và gần biển, địa hình thấp, Cần Thơ chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đảng bộ và nhân dân thành phố phải đặc biệt coi trọng công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động có giải pháp cụ thể trong quy hoạch, các công trình phục vụ đời sống dân sinh, thay đổi cách thức sản xuất cho phù hợp biến đổi khí hậu...

"Giờ khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sắp đến. Trước thềm năm mới 2024, tôi chúc các vị đại biểu cùng đồng bào thành phố Cần Thơ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng. Năm mới, thắng lợi mới", Chủ tịch nước nói.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết 20 năm qua quy mô nền kinh tế của Cần Thơ tiếp tục mở rộng, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Năm 2023, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt gần 120.000 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với năm 2004. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2023 ước đạt gần 95 triệu đồng, tăng gấp 9,2 lần. Số hộ nghèo giảm còn 1.178, chiếm 0,32% tổng số hộ trên địa bàn, đây là mức thấp nhất miền Tây và thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước.

Người dân đổ về khu vực trung tâm Hà Nội, Huế, Đồng Nai, TP HCM... xem chương trình countdown, pháo hoa, đón chào năm mới, tối 31/12.

Tại Huế, Chương trình ca nhạc sôi động ở Huế thu hút hàng vạn người đến xem, reo hò cổ vũ. Các tuyến đường giao với đường Hùng Vương chật kín người. Một số người dân bị ngất xỉu được đưa đi cấp cứu.

Tại Đà Nẵng, khoảng 1.000 người dân và du khách đứng kín trên cầu Rồng, chờ đợi khoảnh khắc rồng sắt phun lửa, nước. Đây là kỹ thuật được trình diễn từ khi cầu Rồng đi vào hoạt động, ngày 29/3/2013.

Thông thường, cầu sẽ phun lửa, nước vào 21h thứ bảy và chủ nhật; riêng dịp Tết dương lịch 2024 phun 3 ngày từ 29 đến 31/12. Dù không còn mới mẻ nhưng hoạt động này vẫn khiến nhiều du khách thích thú reo hò. Nhiều em nhỏ còn thỏa thích tắm "mưa" từ vòi phun của rồng sắt.

Tại TP. HCM Tối 31-12, hàng ngàn người dân đổ về trung tâm TP.HCM để xem pháo hoa, đón giao thừa khiến nhiều tuyến đường ùn ứ. Lúc 22h, công viên bến Bạch Đằng chật kín người...

Càng về đêm, nhiều tuyến đường dẫn vào điểm tham quan mới khánh thành ở bờ sông Sài Gòn là vườn hoa hướng dương ở TP Thủ Đức đông nghẹt xe máy.

Từ chiều cảnh sát đã lập rào chốt chặn ở đầu đường dẫn vào vườn hoa cách đó 700 m, chỉ người đi bộ mới được đi vào bên trong. Tuy nhiên, việc tìm nơi giữ xe máy ở đây rất khó khăn, một bãi giữ cách vườn hoa một km đã hết chỗ từ sớm.

Công viên bờ sông Sài Gòn đón khách từ ngày 23/12 với hạng mục đầu tiên là vườn hoa hướng dương 15.000 cây. Đây là điểm lý tưởng để thưởng ngoạn pháo hoa cùng với khu vực công viên bên Bạch Đằng ở phía đối diện.

Tối 31-12, chương trình đếm ngược Countdown chào mừng năm mới 2024 diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Khoảng 20h30, người dân rất khó khăn khi di chuyển trên khu vực này.

Ở khu vực trung tâm, hầu như người dân phải chôn chân tại chỗ vì không còn một khoảng trống nào để có thể di chuyển.

Người Hà Nội đổ xô đến trung tâm mua sắm :Tại trung tâm mua sắm lớn nhất quận Hà Đông, cách trung tâm thành phố 20 km, người dân từ khắp các nơi đổ về mua sắm, ăn uống, chơi trò chơi trong nhà. Tại các khu ẩm thực, shop thời trang, người dân xếp thành nhiều hàng chờ đến lượt.

CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI MỪNG NĂM MỚI

Do sự chênh lệch múi giờ trên Trái đất, lễ đón năm mới 2024 sẽ không diễn ra cùng lúc ở mọi nơi trên toàn thế giới.

Vào lúc 17h ngày 31-12 (giờ Việt Nam), tiếng chuông chào đón năm mới đã vang lên ở đảo Tonga, đảo Christmas của CH Kiribati và Tây Samoa.

Sau đó một giờ, New Zealand cũng chính thức bước sang năm mới 2024 với màn bắn pháo hoa rực rỡ tại Tháp Sky.

Tại Úc, các thành phố phía đông gồm Melbourne, Sydney và Canberra là những nơi đón năm 2024 đầu tiên ở nước này.

Tại Sydney, vốn được mệnh danh là "thủ đô giao thừa của thế giới" với bữa "tiệc pháo hoa" mãn nhãn, ước tính hơn 1 triệu người có mặt tại bến cảng Circular Quay để chiêm ngưỡng pháo hoa đêm giao thừa, bất chấp thời tiết cực đoan.

Dự kiến 8 tấn pháo hoa sẽ thắp sáng bầu trời thành phố lúc giao thừa (theo giờ địa phương).

Các nước châu Á đón năm mới trước Việt Nam lần lượt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Timor Leste... Việt Nam sẽ đón mừng năm mới cùng lúc với Thái Lan, Indonesia, Campuchia.

Chính quyền thành phố Seoul, Hàn Quốc cho biết với nhiều màn trình diễn đặc sắc, lễ rung chuông Đêm Giao thừa năm nay ở trung tâm thủ đô Seoul hứa hẹn sẽ thu hút khoảng 100.000 người tham dự - gấp đôi so với quy mô của năm ngoái.

Theo hãng tin Yonhap, kể từ năm 1953, lễ rung chuông đón mừng Năm mới diễn ra hằng năm tại Bosingak Pavilion, trung tâm thủ đô Seoul. Sự kiện năm nay bắt đầu lúc 23h (giờ địa phương) với nhiều màn biểu diễn và diễu hành kịch truyền thống của Hàn Quốc dọc theo đoạn đường dài 400 mét từ Bosingak.

Do vị trí địa lý, vùng đất đón năm mới muộn nhất trên thế giới sẽ là đảo Baker và Howland - hai hòn đảo hẻo lánh ngoài khơi nước Mỹ.

Sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân các nước giờ đây đã có thể thoải mái cùng người thân và bạn bè tụ tập tại các quảng trường, trung tâm thành phố để chào đón năm mới.

Ngày 31-12, Tháp đồng hồ Big Ben ở London (Anh) sẽ kỷ niệm 100 năm phát sóng trực tiếp hình ảnh ngân chuông đón chào Năm mới.

Kể từ Đêm Giao thừa năm 1923 khi kỹ sư BBC A.G. Dryland quay lại khoảnh khắc chuông đồng hồ Big Ben ngân lên, việc phát sóng truyền hình trực tiếp giây phút này đã trở thành truyền thống hằng năm.

Sau thời gian tu sửa, Big Ben đã hoạt động trở lại vào tháng 11/2022. Trong khi người dân London đang tận hưởng Đêm Giao thừa, một nhóm thợ sẽ có mặt ở trên đỉnh tháp để kiểm tra vào phút chót, đảm bảo đồng hồ sẽ chính xác “trong vòng một phần giây”.

Tại Mỹ, để bảo đảm an ninh, một số thành phố lớn đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo người dân chào đón năm mới 2024 trong an toàn.

Ngoài chương trình pháo hoa và đếm ngược vào thời khắc giao thừa, người dân Mỹ cũng háo hức chờ đợi những màn biểu diễn văn nghệ trước đêm giao thừa. Trong đó được chờ đợi hơn cả là màn biểu diễn của siêu sao nhạc rap LL Cool J.

Ban tổ chức ước tính có khoảng 1 triệu người sẽ đổ về trung tâm Manhattan (New York) để tham dự sự kiện Quả cầu rơi (còn gọi là Countdown) đón mừng năm mới.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>