Điểm tin: Báo Hậu Giang

25/11/2023 | 06:00 GMT+7

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam

Ảnh: QUANG VINH

Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2023" được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc. Lễ khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" và Ngày hội trình diễn cây nêu năm 2023 diễn ra long trọng tại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội tối 23-11. Sự kiện tổ chức đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11), có sự tham dự của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cùng hàng trăm đồng bào các dân tộc thiểu số. Sau các nghi thức khai mạc là chương trình văn nghệ đặc sắc, hội tụ di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc, vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam.

Đại biểu mặc áo dài, mang sơ đồ minh họa thảo luận tại Quốc hội

Ảnh Tuổi trẻ online

Sáng 24-11, Quốc hội thảo luận dự án Luật Đường bộ. Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) mặc áo dài cách tân đã mang theo sơ đồ minh họa để Quốc hội dễ theo dõi. Đại biểu này cũng thường mặc áo dài truyền thống trong các cuộc họp tại Hội trường Diên Hồng.

Góp ý về trạm dừng chân, ngắm cảnh, ông Cảnh nói nước ngoài có 3 mô hình là điểm dừng, điểm dừng nghỉ và điểm ngắm cảnh.

Theo ông Cảnh, Bộ Giao thông vận tải đã quy định các điểm dừng nghỉ trên quốc lộ nhưng mới chỉ có một loại, trong khi nước ta trải dài từ Bắc - Nam, cảnh rất đẹp.

Nếu làm đường cao tốc chỉ đi qua, không dừng lại được và đường quốc lộ cũng không dừng lại được vì không có điểm.

Với xe máy, ô tô nếu dừng lại chụp ảnh rất nguy hiểm. Trong khi ở nước ngoài sẽ chọn những điểm rất đẹp làm chỗ dừng, nghỉ ngơi.

Từ đó ông đề nghị cần sửa dự luật để sau trạm dừng chân bổ sung điểm ngắm cảnh.

Việt Nam là điểm đến người Hàn Quốc yêu thích

Ảnh Vietnamnet.

Cơ quan phụ trách nhập cư thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã công bố số liệu cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2023, khách Hàn Quốc đi du lịch nước ngoài tăng đột biến. Việt Nam đứng thứ 2 trong số các điểm du lịch yêu thích.

Năm quốc gia dẫn đầu tính theo số lượt hành khách sử dụng chuyến bay từ tháng 1 tới tháng 9 năm nay lần lượt là Nhật Bản với 4.859.770 người, Việt Nam với 2.567.968 người, Thái Lan với 1.089.888 người, Philippines 1.086.291 người và Mỹ với 800.399 người.

Trung Quốc đứng thứ 6 về độ hấp dẫn, với 659.859 người Hàn Quốc đã đến du lịch Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản là quốc gia được khách Hàn Quốc ghé thăm nhiều nhất trong năm nay vì gần về địa lý, và sự mất giá gần đây của đồng yen Nhật khiến du khách tận dụng.

So với mức 69.239 lượt du khách cùng kỳ năm ngoái, lượng du khách Hàn Quốc đến thăm Nhật Bản tính đến tháng 9-2023 đã tăng 2.771,5%.

Vị trí thứ 2 thuộc về Việt Nam, quốc gia có thời tiết ấm áp và chi phí vật giá tương đối thấp so với Hàn Quốc. Đặc biệt Đà Nẵng thu hút nhiều khách du lịch Hàn Quốc nhất.

Lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đã tăng 389,7% so với 524.373 lượt người của cùng kỳ năm 2022.

Thái Lan muốn Việt Nam cùng đăng cai giải Vô địch bóng chuyền thế giới

Liên đoàn bóng chuyền Thái Lan có ý định mời các nước trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, cùng đăng cai giải Vô địch bóng chuyền thế giới FIVB năm 2025.

Ông Somporn - Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Thái Lan (TVA) đã tiết lộ rằng TVA đã đề xuất đăng cai tổ chức Giải vô địch thế giới bóng chuyền nữ FIVB 2025. Đây là giải đấu lớn và danh giá nhất thế giới dành cho bóng chuyền nữ, được tổ chức 4 năm một lần.

Để giải đấu được tổ chức thuận lợi, TVA cũng đã lên kế hoạch đàm phán với các nước Đông Nam Á khác như Philippines, Indonesia và Việt Nam để đồng đăng cai.

Việc Việt Nam đồng đăng cai Giải vô địch thế giới bóng chuyền nữ FIVB 2025 sẽ là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá môn thể thao này ở nước ta. Đây cũng là cơ hội để các vận động viên Việt Nam được cọ xát với các đội tuyển hàng đầu thế giới.

Du lịch thể thao giúp vực dậy ngành du lịch Indonesia

Giải đua xe MotoGP ở Mandalika, Indonesia, năm 2023. Ảnh: motogp.com

Du lịch thể thao đã trở thành một trong những xu hướng du lịch phổ biến trong thời gian gần đây và được xác định là yếu tố giúp "ngành công nghiệp không khói" của Indonesia phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Indonesia đã đăng cai nhiều sự kiện thể thao quốc tế. Thứ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo (Kemenparekraf) Vinsensius Jemadu đã khẳng định du lịch thể thao đang trở thành xu hướng du lịch mới, có thị trường rất rộng lớn và có tác động kinh tế lan tỏa.

Ông Jemadu cho biết: "Tiềm năng thiên nhiên tươi đẹp, đa dạng và lãnh thổ rộng lớn cũng hỗ trợ cho sự phát triển du lịch thể thao ở Indonesia. Theo dự báo từ mấy năm trước, quy mô lĩnh vực du lịch thể thao sẽ đạt gần 18.790 tỷ rupiah (1,2 tỷ USD) vào năm 2024".

Ông Jemadu cho hay Indonesia có thiên nhiên tươi đẹp, từ núi rừng, biển đến các hồ nước, cũng như tiềm năng văn hóa nghệ thuật đa dạng. Không chỉ moto sport, Indonesia còn có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái với các hoạt động như chạy địa hình, đạp xe, bơi lội…

“Trò Chơi Con Mực” có show truyền hình trực tuyến

Tận dụng sức nóng từ bộ phim hot toàn cầu Squid Game (Trò Chơi Con Mực), một show truyền hình thực tế với tên gọi Squid Game: The Challenge đã ra đời. Ngày 22/11, nhà sản xuất vừa tung ra 5 tập phát sóng đầu tiên trong series kéo dài 10 tập.

Chương trình khiến khán giả choáng ngợp với quy mô đầu tư khủng. Bối cảnh thử thách, trang phục người giám sát và người chơi đều tương đồng như "bom tấn" Hàn Quốc.

456 "thí sinh" của Squid Game: The Challenge cũng được treo thưởng khủng với số tiền 4,56 triệu USD (hơn 110 tỷ đồng). Dù ít hơn bản phim truyền hình (45,6 tỷ won tương đương khoảng 900 tỷ đồng) nhưng đây đã giải thưởng cao kỷ lục trong một show truyền hình thực tế.

Squid Game: The Challenge xuất hiện nhiều thử thách mới xen kẽ những game cũ lấy cảm hứng từ bản phim xứ Kim chi. Trò Đèn đỏ đèn xanh, tách kẹo đường đều được nhà sản xuất show thực tế giữ lại. Tuy nhiên, thử thách kéo co đã thay bằng một game hoàn toàn mới phải dùng chiến lược, trí tuệ thay vì sức lực như trong phim. Giữa các phần thi chính cũng xuất hiện nhiều "bài kiểm tra" phụ, cho người chơi quyền lợi hay quyền loại đối thủ.

Bảo Nam tổng hợp từ Tuổi trẻ, VOV, Thể thao Văn hóa

 

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>