Nghề làm muối truyền thống ở đảo Gozo

11/10/2018 | 11:35 GMT+7

Đều đặn hàng ngày, trước khi bình minh ló dạng, Josephine Xuereb đã tất bật gom muối từ ao nhỏ dọc theo bờ biển, công việc mà ông bà và cha mẹ của cô đã làm trong suốt nhiều năm qua.

Những ao muối trải dài trên bờ biển phía bắc đảo Gozo của gia đình cô Josephine Xuereb. Nguồn: GUIDE ME MALTA

Khai thác muối biển có lẽ là nghề lâu đời nhất ở quần đảo Malta, có từ thời La Mã. Trước đây, muối biển được xem là một thứ có giá trị cao và còn được sử dụng như một dạng tiền tệ. Cha mẹ cô, ông Leli và bà Rose Cini là một trong số ít những người địa phương còn làm nghề khai thác muối dọc theo bờ biển Xwejni, đảo Gozo, thuộc quần đảo Malta, Địa Trung Hải.

Bờ biển phía Bắc đảo Gozo có những ao muối trải dài khoảng 3km. Hiện nay hầu hết đều bị bỏ không. Tuy nhiên, một số ao muối sở hữu của cô Josephine vẫn còn được sử dụng để sản xuất muối và được truyền lại qua nhiều thế hệ trong gia đình. Mỗi ngày của Josephine bắt đầu với việc thu hoạch muối và bơm đầy nước biển vào những ao trống để chuẩn bị cho lần thu hoạch sau. Số muối kết tinh được quét và gom lại thành đống lớn bằng chổi và được đậy trong vài ngày để muối khô lại.

Việc làm muối theo cách truyền thống tốn nhiều công sức, đa số thực hiện thủ công. Máy móc duy nhất họ sử dụng là máy bơm để bơm nước biển vào 12 hồ lớn sau đó mới chia ra nhiều ao nhỏ trải dài theo bờ biển như bàn cờ. Các ao được ngăn bằng đá và cát. Quá trình làm muối rất đơn giản này không thay đổi qua nhiều thế kỷ và hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, thuận lợi nhất là thời gian từ tháng 5 đến tháng 9, lúc cái nắng mùa hè như thiêu đốt. Nếu thuận lợi, sau mỗi mùa có thể thu hoạch khoảng 20 tấn muối. Cho đến nay nghề này mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình cô dù nhiều người làm muối đã chuyển sang nghề khác.

Muối làm ra từ đảo Gozo hoàn toàn tự nhiên và được đánh giá giàu khoáng chất, vị ngon đặc trưng, có độ tinh khiết cao, màu trắng của muối rất đẹp mà không cần chất phụ gia nào khác. Bởi thế mà khi đóng gói thành phần được ghi bên ngoài là “nước biển, mặt trời, gió.” Ngoài sử dụng như một loại gia vị không thể thiếu, người dân còn dùng nó để bảo quản nông sản và làm pho mát. Hiện nay, ngoài người địa phương thì khách hàng của cô Josephine còn là khách du lịch đến đảo. Nhu cầu của du khách tăng dần bởi mọi người yêu thích sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe như thế này.

THIÊN NGỌC (tổng hợp từ Reuters, Guide me Malta)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>