TÌM HIỂU PHÁP LUẬT: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)

23/03/2021 | 06:09 GMT+7

Ngày 16 tháng 11 năm 2020, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2021.

Nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân kịp thời tìm hiểu những quy định của Luật, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật dưới dạng hỏi - đáp sau:

Hỏi: Theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) thì đối tượng nào được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS ?

Đáp: Khoản 3 Điều 1 Luật này quy định, việc ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS ưu tiên cho các đối tượng sau đây:

- Người nhiễm HIV.

-  Người sử dụng ma túy.

- Người bán dâm.

- Người có quan hệ tình dục đồng giới.

- Người chuyển đổi giới tính.

- Vợ, chồng và thành viên khác của gia đình cùng sống chung với người nhiễm HIV; vợ, chồng của đối tượng quy định tại các điểm, b, c, d và đ khoản này.

- Người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV.

- Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Người di biến động.

- Phụ nữ mang thai.

- Phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng, học viên cơ sở cai nghiện ma túy.

- Người dân tộc thiểu số; người sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó thăn.

- Người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi.

Hỏi: Theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) thì các biện pháp để can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm những biện pháp nào ?

Đáp: Khoản 7 Điều 1 của Luật quy định, các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm:

- Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bao cao su.

- Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch.

- Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV.

- Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

- Các biện pháp can thiệp giảm tác hại phù hợp khác.

Hỏi: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) quy định độ tuổi để tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV là bao nhiêu ?

Đáp: Người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV.

Hỏi: Theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), việc xét nghiệm HIV đối với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự chỉ được thực hiện khi nào ?

Đáp: Việc xét nghiệm HIV đối với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện của người đó.

Hỏi: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) quy định việc xét nghiệm sàng lọc HlV được thực hiện ở những nơi nào ?

Đáp: Việc xét nghiệm sàng lọc HIV được thực hiện tại cơ sở y tế, tại cộng đồng và tự xét nghiệm.

Hỏi: Việc xét nghiệm khẳng định HIV dương tính được thực hiện ở đâu ?

Đáp: Việc xét nghiệm khẳng định HIV dương tính chỉ được thực hiện tại cơ sở xét nghiệm HIV đủ điều kiện khẳng định HIV dương tính. Người được xét nghiệm muốn nhận kết quả xét nghiệm phải cung cấp địa chỉ nơi cư trú và xuất trình giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có ảnh, thông tin cá nhân do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn giá trị sử dụng.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>