TÌM HIỂU PHÁP LUẬT: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

10/03/2021 | 18:05 GMT+7

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong tháng 5 năm nay. Nhằm giúp cán bộ, công chức, người lao động và Nhân dân hiểu hơn các quy định về bầu cử, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân dưới dạng hỏi - đáp sau:

Hỏi: Nguyên tắc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân được quy định như thế nào ?

Đáp: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Hỏi: Tuổi được quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội và hội đồng nhân dân được quy định như thế nào ?

Đáp: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này.

Hỏi: Để được ứng cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì ?

Đáp: Công dân nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp theo quy định và tại Điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân quy định: Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu hội đồng nhân dân quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

- Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội 2014; khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020 thì đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

1a. Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

- Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019 thì đại biểu hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

1a. Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.

4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>