TÌM HIỂU PHÁP LUẬT: Luật Bảo vệ môi trường

10/08/2021 | 08:19 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Hãy cho biết trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định như thế nào ?

Đáp: Theo Điều 157 Luật Bảo vệ môi trường quy định:

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và Nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường.

Hỏi: Hãy cho biết xử lý vi phạm quy định như thế nào ?

Đáp: Theo Điều 161 Luật Bảo vệ môi trường quy định:

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Hãy cho biết tranh chấp về môi trường quy định như thế nào ?

Đáp: Theo Điều 162 Luật Bảo vệ môi trường quy định:

1. Nội dung tranh chấp về môi trường bao gồm:

a) Tranh chấp về quyền, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng thành phần môi trường;

b) Tranh chấp về xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường;

c) Tranh chấp về trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại về môi trường.

2. Việc giải quyết tranh chấp về môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường được thực hiện theo Điều 133 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Thời điểm để tính thời hiệu khởi kiện về môi trường là ngày tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác.

4. Tranh chấp về môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà một hoặc các bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài được giải quyết theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Hỏi: Hãy cho biết khiếu nại, tố cáo về môi trường quy định như thế nào ?

Đáp: Theo Điều 163 Luật Bảo vệ môi trường quy định:

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Hỏi: Hãy cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Chính phủ quy định như thế nào ?

Đáp: Theo Điều 165 Luật Bảo vệ môi trường quy định:

1. Thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường.

2. Quyết định chính sách về bảo vệ, cải thiện và giữ gìn môi trường; chỉ đạo tập trung giải quyết, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường ở các khu vực trọng điểm; kiểm soát ô nhiễm, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường; phát triển năng lượng sạch, sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường.

3. Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý; phân công, phân cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; bố trí nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường; chỉ đạo nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ; hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

4. Hằng năm, báo cáo Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích