Doping - Đỉnh cao tham vọng và vực thẳm với vận động viên

02/08/2016 | 06:51 GMT+7

Trước thềm Olympic Rio de Janeiro 2016 tại Brazil, thế giới lại xôn xao trước một chuyện dường như đã cũ trong thi đấu thể thao đỉnh cao: “Doping”.

Phòng thử doping phục vụ Olympic Rio de Janeiro 2016.

Đã có hơn 100 vận động viên (VĐV) của Nga bị cấm tham dự Olympic Rio de Janeiro 2016, do dính bê bối đến doping. Theo báo cáo từ Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA), mức độ vi phạm doping của thể thao Nga từ năm 2011 đến nay là rất lớn. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) dự định loại toàn bộ Đoàn thể thao Nga ra khỏi Olympic, nhưng điều này sẽ gây ra tác động xấu và tạo nên sự chia rẽ phong trào Olympic ở các nước thành viên, nên IOC đã “bàn giao” cho các liên đoàn thể thao quốc tế thành viên lựa chọn biện pháp trừng phạt Nga. Các VĐV phải trải qua các xét nghiệm ở những cơ sở nằm ngoài nước Nga. Như vậy, một số VĐV Nga không dính đến doping vẫn còn cơ hội thi đấu tại Olympic 2016. Ở Olympic 2016, Đoàn thể thao Nga công bố có 387 VĐV tham gia ở 30 môn.

Nói đến doping, không thể không nhắc đến scandal doping của Đông Đức (Đông Đức tồn tại từ năm 1949-1990. Sau này sáp nhập với Tây Đức thành Cộng hòa Liên bang Đức). Giai đoạn từ năm 1970-1989, Đông Đức đã tiến hành chiến dịch “State Plan 14.25”, ép buộc hơn 10.000 VĐV dùng doping từ rất sớm. Nhờ vậy, Đông Đức đã vươn lên trở thành cường quốc thể thao, nhưng để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, khi nhiều VĐV mất cân bằng nội tiết tố, ung thư, vô sinh ở nữ… Đến tháng 10-2007, Ủy ban Olympic Đức thông báo bồi thường cho 157 VĐV trước đây, với tổng số tiền 2,9 triệu euro…

Trước thực trạng việc sử dụng doping đang có hướng tăng dần trong giới VĐV, IOC đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn chặt chẽ và không chấp nhận bất cứ VĐV nào có tiền sử dính tới doping góp mặt ở Olympic. Mới đây, IOC vừa tái xét nghiệm các mẫu kiểm tra doping ở Olympic 2008 và 2012. Kết quả, sau 2 đợt tái xét nghiệm, đã phát hiện thêm 98 trường hợp sử dụng doping tại 2 kỳ Olympic. Các mẫu thử đối với những VĐV Olympic sẽ được lưu giữ trong vòng 10 năm và sẽ xét nghiệm lại bất kỳ thời điểm nào.

Doping trong thể thao đỉnh cao đã không còn là chuyện xa lạ ở những giải đấu lớn và nhiều trường hợp khi phát hiện được, đã sử dụng nhiều lần. Ở đấu trường Olympic, IOC giám sát chặt chẽ, rà soát kỹ “lý lịch” từng VĐV, nhưng với sự cố tình của không ít VĐV, việc phát hiện có hay không có sử dụng doping chẳng hề dễ dàng.

Còn nhớ vụ việc tay đua Lance Armstrong bị Liên đoàn Xe đạp quốc tế tước 7 danh hiệu vô địch Giải đua xe đạp vòng quanh nước Pháp (Tour de France) vào tháng 10-2012 và bị cấm thi đấu suốt đời do gian lận, tìm cách qua mặt các cuộc kiểm tra, đã làm cả thế giới bàng hoàng. Từ một huyền thoại xe đạp, Armstrong đã trở thành “huyền thoại lừa dối” tinh vi nhất mọi thời đại… Tuy nhiên, cũng có những VĐV vô tình sử dụng thuốc để trị bệnh, vẫn bị phát hiện dương tính với một số chất cấm trong thi đấu thể thao. Nhưng dù vô tình hay cố ý, một khi đã bị đưa vào danh sách sử dụng doping, sự nghiệp của VĐV sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và cũng có thể là dấu chấm hết.

Doping là tên gọi chung của các chất kích thích bị cấm trong thi đấu thể thao. Doping có tác dụng đẩy nhanh tốc độ tuần hoàn máu, tăng cường khối lượng máu chảy về tim và tăng thể lực. Doping có 3 dạng thông dụng là doping máu, doping cơ (thường dùng cho các VĐV điền kinh, xe đạp, cử tạ, vật, đẩy tạ) là loại được sử dụng khá nhiều và doping thần kinh. Hiện nay, có khoảng 190 chất cấm nằm trong danh mục doping, nhưng con số này sẽ tiếp tục tăng, bởi việc sử dụng doping luôn đi trước việc phát hiện ra chúng.

 

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>